Thứ Ba, 29/05/2007,
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Ngày 28-5-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 77/2007/QĐ - TTg, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cơ quan hành chính nhà nước) theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành.
Theo đó, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước (gọi là Người phát ngôn) là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên và chức vụ người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn: là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan; am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.
Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo và đăng tải trên Trang tin điện tử của Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình thông qua các hình thức: hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng một lần cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên trang tin điện tử của cơ quan mình; ít nhất 6 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo quy định hiện hành.
Khi thấy cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban hàng tuần do Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Trang tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành.
Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn, cơ quan hành chính nhà nước của người phát ngôn.
Người phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí; để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật.
Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.
Quy chế còn quy định phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo TTXVN
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=203287&ChannelID=3
---
Thứ Tư, 22/11/2006, 03:53 (GMT+7)
TP.HCM: tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý báo chí
TT - Ngày 21-11, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung thông báo số 41- TB/TW và hướng dẫn sơ kết hai năm thực hiện thông báo số 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
Thành ủy yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo, đài thành phố tập trung đánh giá việc quán triệt và thực hiện thông báo 162-TB/TƯ; nêu bật những thành tích, ưu điểm đã đạt được; nguyên nhân, bài học thành công.
Thành ủy yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí cần có các giải pháp để phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, khuyết điểm, trong đó làm rõ những khâu đột phá về cơ chế lãnh đạo, quản lý.
Từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải chấn chỉnh kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, vi phạm Luật báo chí, không tuân thủ sự lãnh đạo của cơ quan chỉ đạo, quản lý; sai phạm về quan điểm đường lối; thông tin không trung thực, không chính xác; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; coi nhẹ chức năng chính trị - tư tưởng của báo chí cách mạng.
TTXVN
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=173801&ChannelID=3
---
Website, hãy tự xử trước ngày 1-3?
Website Tintucvietnam.com đã bị đóng cửa
TT - Theo công văn 456 ngày 18-2-2005 của Bộ VH-TT, từ 1-3-2005 bộ sẽ tiến hành rà soát các nhà cung cấp nội dung thông tin Internet (ICP), các trang tin điện tử, báo điện tử và sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm các qui định về cung cấp thông tin lên Internet.
Sở dĩ bộ có “hành động tích cực” này vì thời gian qua có quá nhiều trang tin vi phạm nội dung (thông tin không chính xác, thông tin gây sốc cho bạn đọc, đăng ảnh sex) và phương thức hoạt động (không có giấy phép, không người chịu trách nhiệm chính, không điện thoại liên lạc...).
Quyết định này hoàn toàn đúng đắn nếu căn cứ Luật báo chí, theo nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin và theo nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 21-8-2001 về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Và nếu cứ theo luật mà làm thì có thể bộ sẽ phải đóng cửa, xử phạt cả ngàn trang tin của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp vì hầu như tất cả website này đều cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên, hoạt động thiếu giấy phép hoặc không ghi rõ số giấy phép... lên trang chủ. Nếu mỗi ngày xử lý một trang tin thì bao lâu bộ sẽ giải quyết xong?
Giống như một đứa trẻ có đến vài ông bố, các website được quản lý bởi sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng, bao gồm Bộ VH-TT, Bộ Bưu chính - viễn thông, Bộ Công an... cho nên khi cần được khai sinh, đứa trẻ chẳng biết đi tìm ông nào. Giữa năm 2004, nhiều website muốn “sống và làm việc theo pháp luật” thì không biết “khai sinh” ở đâu, tìm nổ con ngươi cũng không ra các văn bản hướng dẫn thủ tục “khai sinh”. Số trang web có giấy phép đúng luật e chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngược lại, các “ông bố” than phiền việc kiểm soát “con cái” hết sức khó khăn vì đây là trách nhiệm phối hợp.
Các website phát triển tràn lan, biến động thiên hình vạn trạng, qui trình thẩm định, ngăn chặn một trang web lòng vòng. Quản lý nội dung khó khăn, việc xác định địa bàn quản lý thuộc địa phương nào để xử phạt cũng khó khăn. Thế nên mới có chuyện một số trang web tồn tại bất hợp pháp trong thời gian khá dài. Những biện minh rằng không thể xử lý vì không liên lạc được với người đại diện website chỉ chứng tỏ sự thờ ơ của các “ông bố”.
Với vài cú click chuột sẽ lần ra ngay máy chủ của trang tin này đang được đặt ở đâu, ai là chủ nhân của nó (càng đơn giản hơn với các domain .com.vn do VNNIC quản lý) hoặc gửi một email thông báo đến webmaster, sau một thời gian nhất định không thấy hồi âm, ở vị trí người gác cổng, Trung tâm Điện toán truyền số liệu (VDC) có thể chặn mọi truy cập vào trang web này cũng chỉ với vài cú click chuột. Công cụ, giải pháp kỹ thuật đã có sẵn, chỉ cần thiện chí của người thực hiện.
Nay Bộ VH-TT tiến hành rà soát các website chứng tỏ bộ đã quyết tâm chấn chỉnh nội dung các website lắm. Nhưng với thực tế hàng ngàn website không phép không thể xin phép kịp vào 1-3-2005, xem ra cách duy nhất để tránh nộp phạt tiền triệu, tránh bị đóng cửa cũng như tiết kiệm thời gian và công sức cho nhà quản lý thì các trang tin điện tử hãy tạm tự giác đóng cửa trước, rút lui khỏi xa lộ thông tin, xếp hàng đến Cục Báo chí xin được cấp phép vậy.
Bạn có đồng ý không? Và nếu phải tự xử như vậy điều gì sẽ xảy ra?
HỒNG NHUNG
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=68017&ChannelID=118
----
Quy chế phỏng vấn trên báo chí
[21/11/2005 - thaothucsg - Vietnam Journalism]
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin số 26/2002/QĐ-BVHTT ngày 26/9/2002 về việc ban hành quy chế phỏng vấn trên báo chí.
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA-THÔNG TIN
- Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
- Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Văn hoá - Thông tin;
- Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phỏng vấn trên báo chí.
Điều 2. Các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động báo chí chịu trách nhiệm chấp hành Quy chế này.
Điều 3. Quy chế phỏng vấn trên báo chí có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
QUY CHẾ PHỎNG VẤN TRÊN BÁO CHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-BVHTT
ngày 26 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin)
Phỏng vấn là thể loại báo chí nhằm cung cấp thông tin cho công chúng thông qua việc đặt câu hỏi của nhà báo và trả lời của người được phỏng vấn.
Để các cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Báo chí, Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành quy định về phỏng vấn trên báo chí như sau:
1. Người phỏng vấn phải là người có đủ tư cách đại diện cho cơ quan báo chí thực hiện việc phỏng vấn.
2. Người phỏng vấn cần thông báo cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và nội dung phỏng vấn. Khi có yêu cầu của người được phỏng vấn, người phỏng vấn phải gửi trước câu hỏi hoặc nói rõ yêu cầu để người được phỏng vấn chuẩn bị. Trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.
3. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bài viết bằng các thể loại phù hợp. Trường hợp phỏng vấn chỉ nhằm thu thập thông tin, người phỏng vấn có thể viết bài theo yêu cầu của cơ quan báo chí; người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn và chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình.
Đối với những bài phỏng vấn ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ người trả lời phỏng vấn, nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó.
Trường hợp do yêu cầu cần thông tin nhanh, nếu người phỏng vấn, cơ quan báo chí thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời và người được phỏng vấn không có yêu cầu thì không nhất thiết phải gửi bài phỏng vấn cho người được phỏng vấn xem lại.
4. Khi nhận được đề nghị phỏng vấn của cơ quan báo chí hoặc của nhà báo, người được phỏng vấn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện nhiệm vụ phỏng vấn. Người được đề nghị phỏng vấn có thể từ chối trả lời phỏng vấn khi chưa chuẩn bị hoặc không có trách nhiệm và thẩm quyền trả lời.
5. Người được phỏng vấn có thể trả lời bằng văn bản theo câu hỏi đã gửi trước hoặc trả lời trực tiếp cho nhà báo ghi chép, thu nhanh, thu hình để đăng, phát trên báo chí.
6. Khi thực hiện việc biên tập bài trả lời phỏng vấn, cơ quan báo chí và nhà báo không được tự ý thêm bớt, cắt xén nội dung các câu hỏi và trả lời làm sai lệch nội dung của người trả lời phỏng vấn.
Những ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn báo chí tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện... có nhà báo tham dự thì nhà báo có thể ghi chép, tường thuật, lược thuật để đăng, phát trên báo chí phù hợp với mục đích, yêu cầu thông tin, nhưng không được dùng những ý kiến đó để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.
7. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn đều phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.
Trường hợp nội dung bài phỏng vấn vi phạm Luật Báo chí hoặc các quy định khác của pháp luật thì căn cứ tính chất, mức độ sai phạm và trách nhiệm gây nên sai phạm để xử lý cơ quan báo chí, người phỏng vấn hoặc người trả lời phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=863
----
Luật Báo chí
[01/11/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]
Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân;
Để phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 4, Điều 67 và Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Luật này quy định chế độ báo chí.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vai trò, chức năng của báo chí
Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân.
Điều 2. Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.
Điều 3. Các loại hình báo chí
Báo chí nói trong Luật này là báo chí Việt Nam, gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn); báo nói (chương trình phát thanh); báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe-nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
CHƯƠNG II
QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ, QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
TRÊN BÁO CHÍ CỦA CÔNG DÂN
Điều 4. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân Công dân có quyền:
1- Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;
2- Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;
3- Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;
4- Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
5- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Điều 5. Trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Cơ quan báo chí có trách nhiệm:
1- Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do;
2- Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.
CHƯƠNG III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BÁO CHÍ
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí
Báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;
2- Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí ; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
3- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội ; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;
4- Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới ; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;
5- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Điều 7. Cung cấp thông tin cho báo chí
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.
Điều 8. Trả lời trên báo chí
Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời về vấn đề mà báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời.
Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết.
Điều 9. Cải chính trên báo chí
Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân. Trong trường hợp báo chí không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng; không đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân mà không có lý do chính đáng thì họ có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí hoặc yêu cầu Toà án xét xử.
Lời cải chính của cơ quan báo chí của tổ chức, công dân phải được đăng, phát sóng kịp thời và tương xứng với thông tin cần cải chính.
Điều 10. Những điều không được thông tin trên báo chí
Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây:
1- Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
2- Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác;
3- Không được tiết lộ bí mật Nhà nước: bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
4- Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC BÁO CHÍ VÀ NHÀ BÁO
Điều 11. Cơ quan báo chí
Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một loại hình báo chí nói tại Điều 3 của Luật này.
Điều 12. Cơ quan chủ quản báo chí
Cơ quan chủ quản báo chí là tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động của báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.
Cơ quan chủ quản báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Xác định, chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng và ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí được quy định trong giấy phép;
2- Bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc quyền mình, sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
Điều 13. Người đứng đầu cơ quan báo chí
1- Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (báo in) hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở thực hiện chương trình nghe-nhìn thời sự);
2- Người đứng đầu cơ quan báo chí phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định;
3- Người đứng đầu cơ quan báo chí lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí.
Điều 14. Nhà báo
Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
Nhà báo có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Nhà báo có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;
2- Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3- Nhà báo chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình ; có quyền khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với Luật này;
4- Nhà báo được hưởng một chế độ ưu tiên, ưu đãi cần thiết cho hoạt động báo chí theo quy định của Hội đồng bộ trưởng;
Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Không ai được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để làm việc vi phạm pháp luật.
Điều 16. Hội nhà báo Việt Nam
Hội nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin-báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo.
CHƯƠNG V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BÁO CHÍ
Điều 17. Quản lý Nhà nước về báo chí
Quản lý Nhà nước về báo chí bao gồm:
1- Xây dựng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp báo chí, chính sách tài trợ báo chí, chính sách đối với nhà báo;
2- Ban hành quy chế hoạt động báo chí, cấp giấy phép hoạt động báo chí;
3- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ báo chí và các quy định pháp luật về báo chí; xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng bộ trưởng thực hiện quyền quản lý Nhà nước về báo chí trong cả nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương thực hiện quyền quản lý Nhà nước về báo chí ở địa phương theo sự phân cấp do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Điều 18. Điều kiện hoạt động của báo chí
Tổ chức muốn thành lập cơ quan báo chí phải có đủ các điều kiện sau đây:
1- Có người đủ tiêu chuẩn để đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định tại Điều 13 của Luật này;
2- Xác định rõ tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi tỏa sóng và ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí;
3- Có trụ sở chính và có các điều kiện cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động của cơ quan báo chí.
Điều 19. Cấp giấy phép hoạt động báo chí
Cơ quan báo chí phải có giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp mới được hoạt động. Trong trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin phép, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phải trả lời, nói rõ lý do. Tổ chức bị từ chối cấp giấy phép có quyền khiếu nại với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
Điều 20. Hiệu lực của giấy phép
Cơ quan báo chí phải thực hiện đúng những điều ghi trong giấy phép ; nếu muốn thay đổi tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện, phạm vi phát hành chủ yếu, kỳ hạn xuất bản thì phải xin phép lại.
Việc xác định, thay đổi công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về tần số vô tuyền điện.
Không được chuyển nhượng giấy phép hoạt động báo chí cho cơ quan, tổ chức khác.
Điều 21. Xuất bản ấn phẩm báo chí khác, phát sóng chương trình đặc biệt, chương trình phụ
Cơ quan báo chí, tổ chức khác muốn xuất bản đặc san, số phụ ; đài phát thanh, đài truyền hình muốn phát sóng chương trình đặc biệt, chương trình phụ khác với tôn chỉ, mục đích, ngôn ngữ thể hiện ghi trong giấy phép thì phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
Điều 22. In báo chí, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình
Cơ sở in có trách nhiệm thực hiện hợp đồng, bảo đảm thời gian phát hành của báo chí; không được in báo chí không có giấy phép, không được in lại tác phẩm báo chí đã có lệnh cấm lưu hành của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
Cơ sở kỹ thuật phát sóng cho đài phát thanh, đài truyền hình có trách nhiệm bảo đảm phạm vi toả sóng quy định.
Đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở thực hiện chương trình nghe - nhìn thời sự không được phát nội dung tác phẩm báo chí đã có lệnh cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Điều 23. Lưu chiểu
Báo chí in phải nộp lưu chiểu trước khi phát hành; báo nói, báo hình phải lưu giữ bản thảo, phim nhựa, băng, đĩa, ghi âm, ghi hình theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.
Điều 24. Phát hành báo chí
Cơ quan báo chí được tổ chức phát hành hoặc uỷ thác cho tổ chức, cá nhân có đăng ký phát hành.
Không ai được cản trở việc phát hành báo chí tới người đọc, nếu không có lệnh cấm lưu hành.
Không một tổ chức, cá nhân nào được lưu hành ấn phẩm báo chí không có giấy phép xuất bản hoặc đã có lệnh cấm.
Điều 25. Quảng cáo
Báo chí được đăng, phát sóng quảng cáo và thu tiền quảng cáo. Nội dung quảng cáo phải tách biệt với nội dung tuyên truyền và không được vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này.
Điều 26. Họp báo
Tổ chức, công dân muốn họp báo phải báo trước cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Nghiêm cấm họp báo có nội dung vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này.
CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 27. Khen thưởng
Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức và công dân có thành tích và cống hiến vào hoạt động báo chí thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Nhà báo có thành tích xuất sắc thì được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Điều 28. Xử lý vi phạm
1- Cơ quan báo chí, tổ chức khác vi phạm quy định về giấy phép hoạt động báo chí, về nội dung thông tin trên báo chí, về cải chính do thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống và các quy định khác của Luật này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.
Cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
2- Người chịu trách nhiệm chính về những hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3- Người vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo và các quy định khác của Luật này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 29
Luật này thay thế Luật số 100 SL-L002 ngày 20 tháng 5 năm 1957 quy định chế độ báo chí.
Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Điều 30
Căn cứ vào quy định của Luật này, Hội đồng bộ trưởng ban hành quy chế hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài.
Điều 31
Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật này.
(Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989.)
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=826
---
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí
[01/11/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28 tháng12 năm 1989.
Điều 1
Sửa đổi, bổ sung Lời mở đầu và một số điều của Luật báo chí như sau:
1. Lời mở đầu được sửa đổi, bổ sung:
"Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân;
Để phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định chế độ báo chí".
2. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 3. Các loại hình báo chí
Báo chí nói trong Luật này là báo chí Việt Nam, bao gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính) bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài".
3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí
Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
2- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
3- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;
4- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;
5- Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam;
6- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
4. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 9. Cải chính trên báo chí
1- Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó.
2- Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả.
Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn năm ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, mười ngày đối với báo tuần, trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó.
3- Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của Chính phủ.
4- Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án".
5. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 12. Cơ quan chủ quản báo chí
Cơ quan chủ quản báo chí là tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.
Cơ quan chủ quản báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Xác định, chỉ đạo việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng, ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí được quy định trong giấy phép;
2- Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, phương hướng và kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí;
3- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí trực thuộc sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí;
4- Kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí;
5- Tạo điều kiện cần thiết cho cơ quan báo chí hoạt động;
6- Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc".
6. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
1- Nhà báo có những quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
b) Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí;
d) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ;
đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
2- Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;
b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí".
7. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 17. Nội dung quản lý nhà nước về báo chí
Nội dung quản lý nhà nước về báo chí bao gồm:
1- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí;
2- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí;
3- Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí;
4- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí;
5- Tổ chức, quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực báo chí;
6- Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo;
7- Quản lý hợp tác quốc tế về báo chí, quản lý hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động báo chí nước ngoài tại Việt Nam;
8- Kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý kho lưu chiểu báo chí;
9- Tổ chức, chỉ đạo công tác khen thưởng trong hoạt động báo chí;
10- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, qui hoạch, kế hoạch phát triển báo chí và việc chấp hành pháp luật về báo chí; thi hành các biện pháp ngăn chặn hoạt động báo chí trái pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí".
8. Bổ sung Điều 17a:
"Điều 17a. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
2- Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
3- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về báo chí theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
4- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ".
9. Bổ sung Điều 17b:
"Điều 17b. Quan hệ quốc tế trong hoạt động báo chí
Nhà nước mở rộng quan hệ quốc tế trong hoạt động báo chí theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Chính phủ quy định cụ thể về quan hệ quốc tế trong hoạt động báo chí".
10. Bổ sung Điều 17c:
"Điều 17c. Tài chính của cơ quan báo chí
1- Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngân sách và tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm bố trí các nguồn lực tài chính cần thiết cho cơ quan báo chí hoạt động.
Cơ quan báo chí được tiếp nhận và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các khoản tài trợ tự nguyện của các tổ chức và cá nhân theo quy định của Chính phủ.
2- Cơ quan báo chí được tổ chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của mình theo quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật để tạo thêm nguồn thu đầu tư trở lại cho việc phát triển báo chí. Cơ quan báo chí phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Cơ quan báo chí được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế, ưu đãi về phí đối với hoạt động xuất bản, phát hành báo chí theo quy định của pháp luật.
3- Cơ quan báo chí phải thực hiện chế độ kế toán, thống kê, thanh tra, kiểm tra tài chính theo quy định của pháp luật.”
11. Bổ sung Điều 17d:
"Điều 17d. Xuất bản, phát hành báo chí phục vụ một số đối tượng
Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngân sách tạo điều kiện cho xuất bản, phát hành báo chí đến với nhân dân các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
12. Bổ sung Điều 17đ:
"Điều 17đ. Thanh tra báo chí
Thanh tra báo chí là thanh tra chuyên ngành về báo chí.
Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về báo chí do Chính phủ quy định".
13. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 19. Cấp giấy phép hoạt động báo chí
1- Việc cấp giấy phép hoạt động báo chí phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 18 của Luật báo chí và phải phù hợp với quy hoạch phát triển báo chí.
Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép hoạt động báo chí.
Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Văn hóa - Thông tin quy định.
2 - Cơ quan báo chí phải có giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cấp mới được hoạt động. Trong trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin phép hoạt động báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải trả lời bằng văn bản, nói rõ lý do. Tổ chức bị từ chối cấp giấy phép có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án".
14. Bổ sung Điều 19a:
"Điều 19a. Thành lập cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của cơ quan báo chí
1- Cơ quan báo chí có nhu cầu thành lập cơ quan đại diện, cơ quan thường trú ở trong nước phải có đủ điều kiện về nhân sự, trụ sở và phải được sự đồng ý bằng văn bản của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan báo chí xin đặt cơ quan đại diện, cơ quan thường trú và phải thông báo cho Bộ Văn hóa - Thông tin biết.
2- Chính phủ quy định cụ thể việc đặt cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của báo chí Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam".
15. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 21. Thực hiện loại hình báo chí khác, xuất bản ấn phẩm báo chí khác, phát sóng chương trình đặc biệt, chương trình phụ
1- Cơ quan báo chí chỉ được thực hiện loại hình báo chí khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 18 của Luật báo chí và được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép.
2. Tổ chức muốn xuất bản đặc san hoặc cơ quan báo chí muốn xuất bản số phụ, phụ trương, đặc san, phát sóng chương trình đặc biệt, chương trình phụ thì phải được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép".
16. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 22. In báo chí, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình, đưa báo điện tử lên mạng thông tin máy tính
Cơ sở in có trách nhiệm thực hiện hợp đồng, bảo đảm thời gian phát hành của báo chí; không in báo chí không có giấy phép, không được in lại tác phẩm báo chí đã có lệnh cấm lưu hành của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Cơ sở kỹ thuật phát sóng cho đài phát thanh, đài truyền hình có trách nhiệm bảo đảm phạm vi tỏa sóng quy định.
Đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở thực hiện chương trình nghe - nhìn thời sự không được phát nội dung tác phẩm báo chí đã có lệnh cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Báo điện tử được thực hiện trên mạng thông tin máy tính theo quy định của Chính phủ".
17. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung:
"Điều 28. Xử lý vi phạm
1- Cơ quan báo chí vi phạm quy định về giấy phép hoạt động báo chí, về những điều không được thông tin trên báo chí quy định tại Điều 10 của Luật báo chí, về cải chính trên báo chí và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.
Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
2- Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người hoạt động nghiệp vụ báo chí khác vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3- Người nào vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Điều 2
1. Trong Luật báo chí, cụm từ "Hội đồng Bộ trưởng" được thay bằng từ "Chính phủ", cụm từ "Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng" được thay bằng cụm từ "Thủ tướng Chính phủ".
2. Bỏ Điều 30 của Luật báo chí.
Chuyển Điều 31 của Luật báo chí thành Điều 30.
Điều 3
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 1999.
Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật báo chí phù hợp với Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 1999.
(Số 12/1999/QH10, 12/6/1999)
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=827
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment