1.(H_qhx) 4.(H_stls) 10.(H_mt) 11.(H_qh)

Friday, June 1, 2007

Đường lối kháng chiến và cách đánh ở đô thị trong toàn quốc kháng chiến (1946)

Đường lối kháng chiến và cách đánh ở đô thị trong toàn quốc kháng chiến (1946)

Ngày 17/12/2006. Cập nhật lúc 16h 45'


(ĐCSVN)- Điều độc đáo của việc phát động toàn quốc kháng chiến ở chỗ: lần đầu tiên, trong điều kiện so sánh lực lượng quân sự còn bất lợi, nhưng quân và dân các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở ra, đặc biệt là ở các đô thị, đã nhất tề đứng lên chiến đấu, khiến kẻ địch lâm vào thế lúng túng, bị động chống đỡ.

Ngày 19/12/1946, sau hơn 15 tháng vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa xây dựng thực lực mọi mặt cho Nhà nước Dân chủ Cộng hoà non trẻ, đấu tranh quyết liệt chống lại âm mưu thủ đoạn của thù trong, giặc ngoài; theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Đây cũng là lần đầu tiên Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo quân và dân ta chủ động tiến công đồng loạt ngay tại các trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá của cả nước, cũng như của từng vùng, miền, địa phương, gây bất ngờ lớn cho địch, chủ động giành lợi thế trong cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ kéo dài với quân thù, đánh phủ đầu chủ trương chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của chúng.

Để có được cuộc ra quân dũng mãnh như thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương, đường lối kháng chiến, lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp và quân dân cả nước chuẩn bị thực lực từ sớm và đến mức cao nhất trong phạm vi có thể, để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi.

Từ tháng 9/1946, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Mu-tê, Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại bản Tạm ước 14-9 ở Pari, để tranh thủ tối đa thời gian chuẩn bị kháng chiến thì ở Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu triệu tập Hội nghị các khu trưởng bàn về cách đánh trong thành phố và ngăn cặn địch từ trong nội thị đánh ra.

Tiếp theo, khi thực dân Pháp công khai bộc lộ ý đồ gây chiến, khi không thực hiện những điều đã cam kết trong Tạm ước 14-9, thì ngày 19/10/1946, tại số nhà số 58 phố Nguyễn Du, Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc, nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Trên cơ sở nhận định và xác định quyết tâm chiến đấu, Hội nghị nêu nhiệm vụ cần kíp của quân và dân ta lúc này là phải gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, chỉnh đốn cơ quan chỉ huy, đẩy nhanh việc xây dựng các ngành quân giới, quân nhu, quân y phục vụ chiến đấu.

Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định tổ chức, phân chia lại các đơn vị hành chính – quân sự trong cả nước thành 12 chiến khu, trong đó Hà Nội là chiến khu 11 trực thuộc Trung ương, để tiện cho việc chỉ đạo kháng chiến một cách tập trung, thống nhất đồng thời cũng phát huy tối đa khả năng độc lập tác chiến của từng địa phương.

Về tổ chức chỉ đạo, để phù hợp với tình thế mới, Chính phủ quyết định giải thể Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ, Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, thành lập Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ.

Đến tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I, cơ quan chỉ huy quân sự cấp cao nhất được kiện toàn: Bộ Quốc phòng thống nhất với Quân sự Uỷ viên hội thành Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu mới.

Nhiều đoàn cán bộ của Trung ương, của các tỉnh được lệnh đi chuẩn bị căn cứu đứng chân cho cơ quan lãnh đạo khi kháng chiến nổ ra. Các cơ quan, kho tàng, nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu, lương thực, vải, muối, thuốc men… từng bước được di chuyển ra khỏi Hà Nội và các đô thị.

Ngày 5/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi ở Pháp về hai tuần, đã viết Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, chỉ đạo những công việc cấp bách chuẩn bị kháng chiến trên tất cả các mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Người nhấn mạnh nhiệm vụ: Một mặt phá hoại. Một mặt kiến thiết. Phá hoại để ngăn địch. Kiến thiết để nắm địch”… “Phải tổ chức du kích khắp nơi. Tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù có phải rút khỏi các thành phố ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê”.

Không chí chuẩn bị kháng chiến sôi sục khắp các địa phương, đặc biệt ở các đô thị. Ngày 20/11/1946, thực dân Pháp tạo cớ nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây chiến ở miền Bắc. Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, Valluy, trực tiếp ra lệnh cho Dèbes, chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng: Bằng mọi lực lượng có trong tay, phải nhanh chóng làm chủ Hải Phòng… Dù thế nào cũng buộc phía Việt Nam rút quân khỏi thành phố.

Cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố của quân dân Hải Phòng diễn ra quyết liệt trên từng con phố, căn nhà. Thực dân Pháp sử dụng pháo binh bắn phá dồn dập vào các khu đông dân cư khiến hàng trăm đồng bào ta bị chết. Sau 7 ngày đêm chiến đấu, để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, các lực lượng vũ trang ta rút khỏi thành phố.

Tiếp theo, ngày 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: Toàn dân kháng chiến. Chỉ thị nêu rõ tính chất của cuộc kháng chiến là: Trường kỳ kháng chiến, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Cách đánh được xác định là: Triệt để dùng du kích vận động chiến, bảo toàn thực lực, kháng chiến lâu dài. Đường lối kháng chiến sớm được Đảng xác định và thể hiện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá.

Về quân sự, sử dụng du kích vận động chiến, đánh địch rộng khắp, thực hiện phá hoại, tiêu thổ một cách triệt để; tổ chức di chuyển cơ quan, kho tàng, máy móc về nơi an toàn, tản cư nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự; vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Quán triệt tư tưởng tiến công, thực hành tiến công địch một cách chủ động, tích cực, kiên quyết; tiến công từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao.

Về chính trị, thực hiện đoàn kết toàn dân, quân dân nhất trí, động viên nhân lực, vật lực, tài lực cả nước; đoàn kết với hai dân tộc Lào, Campuchia, với nhân dân tiến bộ Pháp và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới, củng cố chế độ cộng hoà dân chủ non trẻ.

Về kinh tế, tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc, tự sản xuất vũ khí, lấy súng đánh giặc, tiếp tế cho bộ đội ngoài tiền tuyến. Xây dựng nền kinh tế của ta theo hướng “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, ra sức phá hoại kinh tế địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, không cho chúng thực hiện âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Trước các hành động khiêu khích, gửi tối hậu thư liên tiếp của thực dân Pháp, ngày 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng làng Vạn Phúc (Hà Đông). Sau khi phân tích tình hình, âm mưu của địch, khả năng kháng chiến của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh nay đã chuyển sang một bước mới. Thời kỳ hoà hoãn đã qua. Chúng ta đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ trường kỳ và gian khổ song nhất định sẽ thắng lợi”.

Chỉ một tuần sau khi Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, tiếng súng chiến đấu của quân và dân ta tại Hà Nội và các đô thị từ Vĩ tuyến 16 trở ra Bắc đã đồng loạt vang lên, đẩy quân địch vào tình thế bị động chống đỡ mặc dù trước đó chúng đang ở thế chủ động khiêu khích, gây chiến.

Để kịp thời cổ vũ tinh thần kháng chiến của toàn dân, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta”.

Như vậy, quá trình chuẩn bị về đường lối kháng chiến, chuẩn bị về cách đánh địch ở đô thị của Đảng là một quá trình được hoàn thiện từng bước trên cơ sở nhận biết âm mưu địch và thực tế tình hình đất nước, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 1946. Việc các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng cùng nổ súng, trên cơ sở đã có sự chuẩn bị và chỉ đạo chung theo một kế hoạch, thống nhất từ trung ương đến địa phương, là sự minh chứng rõ ràng nhất về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự kiện lịch sử này.

Trải qua các trận chiến đấu kiên cường trong những tháng ngày bảo vệ đô thị và bao vây, ngăn chặn không cho địch đánh rộng ra ngoại ô, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra là đánh đòn phủ đầu vào âm mưu, kế hoạch của kẻ thù định chụp bắt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta.



Trong cuộc chiến đấu không cân sức những ngày đầu kháng chiến toàn quốc đó, quân và dân ta ở các đô thị đã tỏ rõ lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do, phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Từ những kinh nghiệm thành công và không thành công rút ra từ cuộc chiến đấu ở các đô thị trước đó, đến cuộc kháng chiến toàn quốc sau này, công nhân, các tầng lớp nhân dân ở thành thị, có tự vệ và bộ đội Vệ quốc đoàn làm nòng cốt, lấy nông thôn ngoại thành làm bàn đạp, làm chỗ dựa, đã vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược.

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, thực hiện qua nghệ thuật mở đầu cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, có bước phát triển lớn và mang đậm nét nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối kháng chiến mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra. Trước kẻ địch mạnh hơn, vũ khí trang bị tốt hơn nhưng Đảng vẫn dám đánh và quyết đánh nên đã quyết định tiến hành cuộc chiến đấu rộng khắp. Vừa lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, quân và dân ta ở các đô thị vừa chủ trương bảo toàn thực lực để kháng chiến lâu dài. Khi các điều kiện để chiến đấu trong đô thị không còn đảm bảo, quân ta đã chủ động rút ra ngoại ô, ra vùng nông thôn để giữ gìn lực lượng, chuẩn bị cuộc chiến đấu mới.

Trong quá trình tác chiến, những kinh nghiệm đánh địch, kinh nghiệm chỉ huy, phối hợp chiến đấu nhằm phát huy thế mạnh, ưu điểm của ta, phát hiện và khoét sâu, hạn chế chỗ yếu của địch kịp thời được đúc kết và phổ biến. Đây là một trong những nhân tố góp phần xây dựng nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, cuộc chiến đấu anh dũng, hào hùng của quân dân Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã thời kỳ Toàn quốc kháng chiến đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến của toàn quân, củng cố lòng tin vào cuộc kháng chiến lâu dài nhưng nhất định thắng lợi. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đặt tiền đề cho những thắng lợi to lớn tiếp sau trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

No comments: