1.(H_qhx) 4.(H_stls) 10.(H_mt) 11.(H_qh)

Friday, June 1, 2007

Ðánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1965-1968)

Ðánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1965-1968)
Ngày 27/3/2005. Cập nhật lúc 8h 51'

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền bắc luôn phải đối mặt với âm mưu và hành động chống phá của Mỹ. Âm mưu và hành động đó chủ yếu bằng biện pháp quân sự, từ bí mật đến công khai và ngày càng trở nên ác liệt theo nhịp độ gia tăng của chiến tranh trên bộ mà Mỹ tiến hành ở miền nam.

Sau một loạt hành động chống phá và khiêu khích (nã pháo vào các đảo và một số vùng bờ biển miền bắc, bắt ngư dân, tung biệt kích, thám báo vào sâu trong nội địa, dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ lấy cớ cho việc tăng cường và mở rộng chiến tranh...), từ đầu năm 1965, Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc. Ðây là một bộ phận khăng khít của chiến lược chiến tranh cục bộ, hỗ trợ cho hoạt động của lục quân Mỹ trên chiến trường miền nam.

Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng lần thứ 11 (khóa III), tháng 3-1965, quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền bắc từ thời bình sang thời chiến nhằm bảo đảm cho miền bắc có đủ sức mạnh đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền nam.

Chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, các cơ quan Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính quyền các cấp gấp rút chấn chỉnh, sắp xếp, kiện toàn về tổ chức; sửa đổi lề lối và tác phong làm việc, thực hiện đúng chức năng, giản tiện hóa các thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vấn đề của cuộc sống và chiến đấu đặt ra. Chuyển hướng về kinh tế, miền bắc tập trung xây dựng và phát triển kinh tế vùng, kinh tế địa phương; thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh hơn tốc độ bình thường, làm cho mỗi vùng, miền phát huy đầy đủ tiềm năng và khả năng hiện có, ổn định và giữ vững đời sống của nhân dân, đáp ứng hậu cần tại chỗ của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không và đất đối biển. Nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân cũng nhanh chóng đuợc tăng cường. Nhà nước quyết định thành lập một số binh đoàn chủ lực trang bị hiện đại và một số quân chủng mới. Quốc hội khoá III, kỳ họp thứ 2, thông qua Luật sửa đổi và bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự, kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân theo yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu. Tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị vào lực lượng vũ trang. Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm đặt kế hoạch động viên cục bộ và chỉ đạo quá trình thực hiện kế hoạch này theo phương hướng tăng cường khả năng quốc phòng miền bắc đến mức cần thiết, đáp ứng yêu cầu chiến trường, bảo đảm sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế hậu phương thời chiến.

Từ khắp nơi trên miền bắc, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Cử người đi đánh Mỹ", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"... dấy lên mạnh mẽ, sôi nổi và rộng khắp ở mọi địa phương. Năm 1965, gần 290.000 thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội. Chỉ một thời gian ngắn, 68.874 thanh niên và quân nhân chuyển ngành hoặc phục viên được tuyển vào quân đội, hàng chục nghìn người khác được gọi vào thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. So với đầu năm, đến cuối năm 1965, khối chủ lực miền bắc tăng gấp hai lần - từ 195.000 quân lên 400.000 quân. Các quân chủng, binh chủng cũng tăng nhanh về lực lượng và tăng cường về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Ðến cuối năm 1965, quân số các quân chủng, binh chủng tăng gấp ba lần so với năm 1964, riêng Quân chủng Phòng không - Không quân, nhiều đơn vị được gấp rút xây dựng, trong đó có các đơn vị tên lửa phòng không, pháo phòng không, ra-đa cảnh giới, không quân tiêm kích. Bên cạnh bộ đội phòng không chủ lực, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương cũng phát triển với tốc độ nhanh, được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, nhiều đại đội; dân quân, tự vệ hình thành hàng nghìn đơn vị trực chiến. Dân quân, tự vệ là lực lượng nòng cốt phát triển phong trào toàn dân bắn máy bay và tàu chiến Mỹ, làm công tác phòng không nhân dân và bảo đảm giao thông vận tải, bảo vệ trị an, xung kích trong sản xuất và công tác ở những địa bàn địch thường xuyên đánh phá ác liệt.

Vùng ven biển, lực lượng phòng thủ bao gồm các đơn vị pháo binh bờ đối biển của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ nhanh chóng được tăng cường. Ngoài ra, ở các làng xã vùng ven biển, hàng trăm đội tuần tra được tổ chức, tăng cường canh gác, kịp thời phát hiện và đập tan mọi hoạt động đột nhập, phá hoại của biệt kích, thám báo.

Các lực lượng vận tải và bảo đảm giao thông như công binh, vận tải quân sự, vận tải nhà nước, vận tải nhân dân..., theo nhịp độ gia tăng của chiến tranh, cũng ngày càng lớn mạnh. Trên tuyến đường Trường Sơn, lực lượng vận tải quân sự phát triển thành đoàn hậu cần chiến lược, bảo đảm việc đánh địch, mở đường, vận chuyển và bảo đảm hành quân chi viện chiến trường.

Với quyết tâm cao, cơ cấu, tổ chức, bố trí lực lượng và thế trận hợp lý; với vũ khí, trang bị, phương tiện bảo đảm ngày càng được cải tiến và tăng cường; với nghị lực và sức sáng tạo được phát huy cao độ của con người Việt Nam, lực lượng phòng không, phòng thủ bờ biển và lực lượng bảo đảm giao thông vận tải ba thứ quân miền bắc thật sự là nòng cốt phát động toàn dân tham gia chống chiến tranh phá hoại. Vì vậy, suốt những năm chiến tranh, phong trào toàn dân bắn máy bay, đánh tàu chiến Mỹ bằng mọi thứ vũ khí, ở mọi nơi và trong mọi lúc phát triển rộng khắp các địa phương. Tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, công trình; dân quân các làng bản, xóm thôn đều tổ chức các tổ bắn máy bay để vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Khắp nơi, khẩu hiệu "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng" trở thành phương châm hành động của giai cấp công nhân, nông dân...

Bên cạnh phong trào đánh máy bay và tàu chiến, các địa phương còn phát động phong trào toàn dân tham gia bảo đảm giao thông vận tải, toàn dân giúp đỡ bộ đội, phục vụ chiến đấu, toàn dân làm công tác phòng không. Các đội thuyền nan, bè, mảng, xe thồ của nhân dân với phương thức vận chuyển thô sơ nhưng phù hợp, ngày đêm bền bỉ vận chuyển hàng hóa qua những vùng trọng điểm địch thường xuyên đánh phá.

Chỉ riêng việc phục vụ chiến đấu như tiếp đạn, kéo pháo, đào đắp công sự, cứu chữa và chăm sóc thương binh..., những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhân dân miền bắc đã đóng góp hàng trăm triệu ngày công. Tính ra, trung bình mỗi ngày, trên miền bắc, có tới 92.000 lao động theo nghĩa vụ thời chiến, chiếm tới 10,5% tổng số nhân khẩu trong độ tuổi lao động của miền bắc.

Trong điều kiện miền bắc phải liên tục động viên thanh niên vào lực lượng vũ trang, vào thanh niên xung phong; trên ruộng đồng, trong nhà máy, lao động nữ là chủ yếu. Những con số trên phản ánh nỗ lực cao của hậu phương lớn, chứng tỏ sự tham gia tích cực, rộng rãi và hiệu quả của quần chúng nhân dân, tạo ra lực lượng vật chất và tinh thần to lớn, góp phần quan trọng bảo đảm cho miền bắc có đủ sức mạnh đương đầu và đánh trả liên tục, có hiệu quả nhiều thủ đoạn đánh phá, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại của Mỹ.

Vì thế, dù chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt, tác động lên toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... nhưng miền bắc vẫn vững vàng trong lửa đạn, ngẩng cao đầu đánh Mỹ, trừng trị đích đáng lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ trên vùng trời, vùng biển. Trong bốn năm, lưới lửa phòng không miền bắc bắn rơi 3.243 máy bay (có cả máy bay B52 và F111), bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ.

Sản xuất, về cơ bản, không bị ngưng trệ mà tiếp tục được duy trì, hơn nữa, trên một số mặt như năng suất lúa, kinh tế địa phương... còn có bước phát triển. Ðời sống nhân dân, kể cả vùng tuyến lửa khu 4, không bị đảo lộn lớn. Dưới bom đạn đánh phá của kẻ thù, học sinh vẫn mũ rơm đội đầu, ngày đêm tới lớp. Gian khổ, thiếu thốn, mất mát, hy sinh, nhưng phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" xuất hiện và phát triển khắp nơi trên mọi nẻo đường chiến tranh.

Giữa những ngày Mỹ leo thang đánh phá, nhân dân ta vẫn tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ðại thi hào dân tộc Nguyễn Du (tháng 11-1965). Ðó là một biểu hiện về trình độ của một dân tộc văn minh, chứng tỏ tư thế của hậu phương lớn miền bắc thời đánh Mỹ.

Trên mặt trận bảo đảm giao thông, mặc dù toàn bộ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, cầu cống, bến cảng, kho tàng thường xuyên bị uy hiếp, bị đánh phá, nhưng nhịp độ và khối lượng vận chuyển vẫn không ngừng tăng lên, đáp ứng kịp thời, liên tục và ngày càng đầy đủ yêu cầu của cuộc chiến trên hai miền nam, bắc.

Leo thang đánh phá miền bắc, mục tiêu hàng đầu của Mỹ là uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Thế nhưng, trải qua bốn năm chống chiến tranh phá hoại, quân dân miền bắc đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, giáng trả đích đáng không quân, hải quân Mỹ, gây cho chúng những hao tổn nặng nề về người lái và máy bay, tàu chiến; làm suy giảm ý chí xâm lược của giới lãnh đạo cao cấp Mỹ trong cuộc chiến tranh cục bộ.

Thắng lợi đó chứng tỏ trên thực tế sức mạnh và tính bền vững của một hậu phương được tổ chức chặt chẽ do chế độ ưu việt được thiết lập và củng cố vững chắc, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được chăm lo, mở rộng, tăng cường, nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong khi đó, chính nước Mỹ bên kia bờ đại dương lại bị rung động, nội bộ chia rẽ bởi những thất bại ngày càng nặng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ðiều đó chứng tỏ, một dân tộc chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản chân chính, toàn dân đoàn kết, xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh, tiền tuyến kiên cường, bền lòng kháng chiến, thì nhất định chiến thắng kẻ thù xâm lược.

BTS

1 comment:

Manoela said...

Hi! I'm a brazilian girl from Rio Grande do Sul. Do you know anything about English? First, I would like to say your blog is totally different from all of my conceptions untill now. Your blog is amazing! However, I didn't understand nothing from it! I became shocked! Well, despite of it... my coment is here.

Too much hugs! ;******