Chỉ thị của Ban Bí thư số 24-CT/TW: "Tổ chức kỷ niệm năm thứ hai mươi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968 - 1988)", ngày 18-12-1987
Ngày 30/6/2006. Cập nhật lúc 14h 16'
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968 - 1988) trên toàn bộ chiến trường miền nam Việt Nam là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Thắng lợi đó đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền nam Việt Nam, tạo ra thế chiến lược mới, thuận lợi mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định cả nước kỷ niệm năm thứ hai mươi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân đúng với vị trí lịch sử của nó.
I- Mục đích, yêu cầu của đợt kỷ niệm
1- Giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhân dân, trong thanh thiếu niên nước ta. Biểu dương lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã đoàn kết nhất trí, thống nhất hành động, chiến đấu dũng cảm với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đã giành được thắng lợi to lớn trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Trên cơ sở đó động viên toàn đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nâng cao ý chí chiến đấu cách mạng, tinh thần cách mạng tiến công, thống nhất ý chí và hành động, lòng tự hào, tự trọng và tự tin dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hiện nay, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
2- Về tuyên truyền đối ngoại, tiếp tục phát huy thắng lợi và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới hiện nay; tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của các trào lưu cách mạng trên thế giới và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ. Trên cơ sở đó tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ sự nghiệp cách mạng hiện nay của nhân dân ta.
II- chủ đề tuyên truyền trong đợt kỷ niệm
1- ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân : quân và dân ta đã giáng một đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền bắc, chuyển sang chiến lược "phi Mỹ hoá chiến tranh", nhận đàm phán với ta ở Pa-ri, mở ra một mặt trận tiến công mới của ta về ngoại giao, kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao, gây chấn động trên một phạm vi rộng cả trong nước Mỹ và trên thế giới. Đó là khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ mà chúng không bao giò muốn nhưng không sao cưỡng lại được.
Thắng lợi và những bài học của tết Mậu Thân tạo cho ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong các năm 1970, 1971, 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân Mỹ về nước, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
2- Truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng tin của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng ta. Truyền thống đó là tinh thần toàn dân đoàn kết nhất trí, quân dân cả nước một lòng; là lòng tin và quyết tâm chấp hành quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, giữ được bí mật và bất ngờ; là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và tinh thần chiến đấu ngoan cường, xả thân vì lý tưởng cứu nước của nhân dân ta.
3- Bồi dưỡng lòng tự hào, tự trọng, tự tin dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản : làm rõ ý nghĩa quốc tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào chống Mỹ ở các nước phụ thuộc vào đế quốc Mỹ, thức tỉnh lương tâm của nhân dân Mỹ đối với giới cầm quyền phản động Mỹ, góp phần giữ gìn hoà bình thế giới; làm rõ sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô và các nước khác, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có cả nhân dân Mỹ; vận dụng bài học kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại vào điều kiện hiện nay.
III- những biện pháp và hình thức chủ yếu
Mở một đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân cả nước, trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt là trong thanh niên trong dịp đón xuân Mậu Thìn này (1988), với các hình thức sinh động có tính quần chúng rộng rãi.
1- ở các cơ sở tổ chức các cuộc hội họp truyền thống ôn lại những chuyện chiến đấu vũ trang và đấu tranh chính trị, xây dựng và bảo vệ cơ sở, che giấu cán bộ, bộ đội, tấm lòng hậu phương đối với tiền tuyến… Chú ý sử dụng người thật, việc thật để nói lên sự cống hiến, dù nhỏ của mỗi người, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong điều kiện mới.
2- Bồi dưỡng và tổ chức cho lực lượng báo cáo viên và các đồng chí cán bộ đã trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân đi báo cáo rộng rãi ở các cơ quan, đơn vị cơ sở, các phường, xã, chú ý bồi dưỡng cho lực lượng giáo viên để tuyên truyền giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên.
3- Bộ Thông tin, Bộ Văn hoá tổ chức phát hiện, sưu tầm bảo vệ các di tích lịch sử và hiện vật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tổ chức phòng trưng bày ở các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, mở cửa các nhà bảo tàng và truyền thống đã có trong dịp này, tổ chức quần chúng đến thăm.
4- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần có kế hoạch hoạt động phong phú, sinh động để giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên.
5- Các báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, các nhà xuất bản, các cơ quan tuyên truyền đối ngoại và ngoại giao có kế hoạch tuyên truyền cụ thể theo mục đích, yêu cầu về chủ đề tuyên truyền nói trên.
6- Các cấp uỷ đảng, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, các cơ sở chính trị trong vùng tạm chiếm trước đây, các thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, những người có cống hiến trong tết Mậu Thân, thực hiện tốt các chính sách hậu phương.
7- Tổ chức mít-tinh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Ban Bí thư giao cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức cuộc mít-tinh ở Hà Nội.
- Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên tổ chức mít-tinh ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế.
- Các tỉnh, thành khác tuỳ điều kiện cụ thể có thể tổ chức mít-tinh hoặc các hoạt động trọng thể khác.
Kỷ niệm hai mươi năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 tổ chức vào dịp tết âm lịch cần có các hình thức thích hợp, gắn với việc thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1988, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, nhưng phải hết sức tiết kiệm, tránh hình thức phô trương, lãng phí.
T/M BAN BÍ THƯ
Đỗ Mười
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment