Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Tháng 1 - 1968
Ngày 21/9/2006. Cập nhật lúc 14h 21'
Đến cuối 1967, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự. Quân và dân ta vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ thế chủ động trên chiến trường. Về phía Mỹ, đưa chiến tranh cục bộ trong phạm vi miền Nam đến đỉnh cao, chúng đã bị tổn thất nặng nề về quân sự và chính trị, chiến lược và chiến thuật. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và quyết định mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhằm giáng một đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp vào tháng 1-1968 thông qua và trở thành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là: Nghị quyết Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Hội nghị đã đánh giá âm mưu và những thất bại của đế quốc Mỹ trong chiến tranh cục bộ và nhận định hiện nay "điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”1.
Trên cơ sở phân tích toàn diện tình hình ta và địch, Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Nhiệm vụ trọng đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở cả hai miền Nam Bắc là thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược mới.
Hội nghị đặt ra mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa là nhằm tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân nguỵ, đánh đổ nguỵ quyền các cấp, đưa chính quyền về tay nhân dân; đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm cho quân Mỹ không thể triển khai được âm mưu chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam; từ đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Hội nghị chỉ rõ: Cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp. Vì vậy, trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất, một cách hợp lý nhất, tiến công mãnh liệt vào những hướng chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định, giành cho kỳ được thắng lợi ở những nơi quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được nhân tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất.
Sau khi phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, Hội nghị đã dự kiến 3 khả năng phát triển của tình hình:
Thứ nhất, ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, những cuộc công kích và khởi nghĩa của ta cuối cùng thành công ở các đô thị lớn. Địch bị thất bại đến mức không còn gượng dậy được, ý chí xâm lược của chúng bị đè bẹp, phải chịu thua, buộc chúng phải thương lượng và phải kết thúc chiến tranh theo những mục tiêu và yêu cầu của ta.
Thứ hai, ta tuy giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng địch tập trung và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại và giữ được những vị trí quan trọng, ổn định được các thành thị lớn, nhất là Sài Gòn - Gia Định, dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục chiến đấu với ta.
Thứ ba, Mỹ động viên và tăng thêm nhiều lực lượng, mở rộng “chiến tranh cục bộ” ra miền Bắc, sang Campuchia và Lào hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.
Trong ba khả năng đó, Hội nghị nhấn mạnh đến khả năng thứ nhất, cần tập trung mọi nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để giành thắng lợi theo khả năng này. Đồng thời, sẵn sàng đối phó với khả năng thứ hai và cảnh giác, đề phòng để chủ động đối phó với khả năng thứ ba mặc dù khả năng này ít xảy ra.
Để giành thắng lợi trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Hội nghị đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể cho toàn Đảng, toàn dân hai miền trên các mặt:
Về quân sự: Chuẩn bị và tiến hành tổng công kích (kết hợp với tổng khởi nghĩa) đến thắng lợi và phải nhanh chóng tăng cường lực lượng vũ trang cách mạng.
Về chính trị: Chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa cho đến thành công, đập tan nguỵ quyền và các tổ chức chính trị phản động khác, xây dựng chính quyền cách mạng.
Về công tác nguỵ vận, địch vận: Phải góp phần làm tan rã quân ngụy, gây phong trào khởi nghĩa trong ngụy quân, thực hiện khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp”, gây phong trào phản chiến trong quân Mỹ và quân chư hầu.
Về hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao: Phải phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở trong nước, tích cực phục vụ cho tổng công kích và khởi nghĩa giành được thắng lợi.
Về công tác tư tưởng, công tác tổ chức và vấn đề chỉ đạo thực hiện: Nhiệm vụ trung tâm trước mắt của Đảng là phải tập trung toàn lực chỉ đạo cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa cho đến toàn thắng.
Đồng thời, Hội nghị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cụ thể của cách mạng miền Bắc nhằm kiên quyết đánh bại mọi âm mưu leo thang mới trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời ra sức ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã nhận định đúng tình hình và chủ trương chiến lược chính xác, sáng tạo và táo bạo đã đưa đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, giành thắng lợi hết sức to lớn, góp phần quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment