Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X Từ ngày 12 đến ngày 22-1-1959
Ngày 15/9/2006. Cập nhật lúc 22h 33'
Từ ngày 12 đến ngày 22-1-1959, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng). Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Nội dung nghị quyết gồm hai phần:
Phần thứ nhất
NHIỆM VỤ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN NAY
Về đặc điểm tình hình, Nghị quyết chỉ rõ: sau tháng 7 - 1954, "miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chế độ chính trị và kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến từ lâu trói buộc sức sản xuất xã hội đã bị đánh đổ, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành: miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội" - đó là yêu cầu khách quan của xã hội miền Bắc và của cách mạng cả nước.
"Miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ đã lấn dần và hất cẳng thực dân Pháp, tập hợp các thế lực phản động, sử dụng chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ để khôi phục và duy trì ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Nhân dân miền Nam ngày càng lâm vào cảnh cùng khốn và mất hết quyền tự do. Vì vậy, nhân dân miền Nam còn phải tiếp tục làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ ách thống trị đế quốc và phong kiến, chủ yếu là đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm".
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm cả nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc.
Những đặc điểm tình hình trên đây làm nổi bật hai mâu thuẫn cơ bản mà cách mạng Việt Nam giai đoạn này phải giải quyết. Đó là:
- Mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam.
- Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc.
Hai mâu thuẫn này mang tính chất khác nhau, song quan hệ biện chứng với nhau và tác động mạnh mẽ lẫn nhau.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết xác định nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là: "Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hoà bình; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới".
Về nhiệm vụ cụ thể của cách mạng mỗi miền, Nghị quyết chỉ rõ:
1. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là củng cố và phát huy những thắng lợi đã giành được, là xây dựng cơ sở vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà.
2. Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà.
3. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.
4. Thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng con đường hoà bình.
Nghị quyết phân tích rõ mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Miền Bắc là căn cứ địa cách mạng của cả nước. Miền Bắc "phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị của cả nước chống ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam, ra sức cổ vũ và ủng hộ phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam".
Phần thứ hai
ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG VIỆT NAM Ở MIỀN NAM
Về đặc điểm tình hình, Nghị quyết đã xác định rõ tính chất của xã hội miền Nam: "Đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, đặt ách thống trị thực dân (kiểu mới) ở miền Nam nước ta. Âm mưu của chúng là xâm chiếm cả nước ta làm thuộc địa và căn cứ quân sự, nhằm phá hoại phong trào độc lập dân tộc và hoà bình dân chủ ở Đông Nam Á"3. Do đó "miền Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ"4.
Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động tàn bạo và đen tối. Chính quyền miền Nam là một chính quyền phản bội lợi ích dân tộc, nó đại biểu cho lợi ích của đế quốc Mỹ, của bọn phong kiến và bọn tư sản mại bản phản động thân Mỹ ở miền Nam. Chính quyền đó là một chính quyền độc tài hiếu chiến. Nó là công cụ xâm lược của đế quốc Mỹ.
Trong xã hội miền Nam thuộc địa nửa phong kiến có hai mâu thuẫn cơ bản. Đó là:
- Mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ.
- Mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân, và giai cấp địa chủ phong kiến.
Và trong giai đoạn này, mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là: mâu thuẫn giữa dân tộc ta, nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược Mỹ cùng tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm.
Trên cơ sở phân tích thái độ các giai cấp ở miền Nam, Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam ở miền Nam như sau:
- "Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
- Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới".
Nghị quyết còn xác định rõ phương hướng phát triển của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu của cách mạng thì con đường đó là: "lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân"2. Cho nên muốn đạt được mục tiêu đó, "cần phải có một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ, phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng".
Nghị quyết còn thấy rõ chiều hướng phát triển của cách mạng miền Nam là: "cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ"4.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương khóa II là một Nghị quyết lịch sử rất quan trọng tạo nên bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước ta, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào hai miền Nam, Bắc là: giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment