1.(H_qhx) 4.(H_stls) 10.(H_mt) 11.(H_qh)

Friday, June 1, 2007

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (Ngày 18 và 19-12-1946)

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (Ngày 18 và 19-12-1946)

Ngày 31/8/2006. Cập nhật lúc 17h 14'


Với dã tâm xâm lược nước ta lần nữa, thực dân Pháp từng bước phá bỏ Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, tiến hành khiêu khích và tấn công ta về quân sự, lần lượt đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Đến ngày 18-12-1946, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ, giành quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội.

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương họp khẩn cấp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến trên phạm vi toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị đã khẳng định những quan điểm cơ bản về đường lối kháng chiến đã được nêu ra trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng ngày 12-12-1946.

Đường lối kháng chiến của Đảng trước hết chỉ rõ mục đích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là giành độc lập và thống nhất. Đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến là: toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Đường lối đó được quán triệt trên các mặt chính trị, quân sự, văn hoá, kinh tế.

Về chính trị: Đảng vạch rõ kẻ thù chính là bọn thực dân Pháp phản động đang cướp nước ta. Toàn dân đoàn kết, nhất trí, động viên tinh thần và lực lượng cho kháng chiến; đoàn kết với các dân tộc Lào và Campuchia, với nhân dân Pháp, với các nước châu Á và các dân tộc bị áp bức, các dân tộc yêu chuộng hoà bình và dân chủ trên thế giới để cô lập cao độ kẻ thù; củng cố chế độ cộng hoà dân chủ, đánh đổ chính quyền bù nhìn; lập uỷ ban kháng chiến các cấp để chỉ đạo kháng chiến.

Về quân sự: Xuất phát từ so sánh lực lượng giữa ta và địch, ta phải đánh lâu dài. Đây là tư tưởng chiến lược và phương châm chỉ đạo của cuộc kháng chiến. Kháng chiến lâu dài là nhằm mục đích vừa đánh vừa giữ gìn lực lượng, phát triển và bồi dưỡng sức dân, phát huy chỗ mạnh, khắc phục chỗ yếu; đồng thời làm cho địch tiêu hao, mỏi mệt, chỗ yếu bị khoét sâu. Tuy vậy, đánh lâu dài không phải là vô hạn, mà phải tích cực, tranh thủ thời gian giành thắng lợi ngày càng lớn.

Triệt để dùng du kích vận động chiến. Đây là cách đánh phổ biến nhất, dần dần vận động chiến được áp dụng và đẩy mạnh với việc thực hiện kết hợp giữa du kích chiến với vận động chiến. Muốn kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh.

Về kinh tế: Tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc; tự sản xuất vũ khí và lấy súng giặc đánh giặc; tiếp tế cho bộ đội; vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Về văn hoá: Chống nạn mù chữ; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; động viên văn nghệ sĩ ủng hộ kháng chiến.

Đây là đường lối cơ bản chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta, thể hiện sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đường lối đó tiếp tục được bổ sung, phát triển trong suốt quá trình tiến hành cuộc kháng chiến, đưa đến sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

No comments: