1.(H_qhx) 4.(H_stls) 10.(H_mt) 11.(H_qh)

Friday, June 1, 2007

Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 ngày 29 tháng 8 năm 1968 về thắng lợi to lớn của ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao

Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 ngày 29 tháng 8 năm 1968 về thắng lợi to lớn của ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế từ đầu xuân 1968 đến nay
Ngày 10/3/2006. Cập nhật lúc 9h 29'

Đầu năm 1968, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Công tác đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế trong thời kỳ này có nhiệm vụ phối hợp nhịp nhàng hơn nữa với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trên chiến trường, tích cực phục vụ việc giành thắng lợi quyết định. Mặt khác, công tác ngoại giao cần chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra khả năng nói chuyện giữa ta và địch.

Trong tám tháng qua, công tác ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta đã giành được thắng lợi to lớn, phục vụ và phối hợp tốt với hoạt động quân sự và hoạt động chính trị, đẩy địch đi vào thế vừa đánh vừa nói chuyện mặc dầu trước đây chúng vẫn cố lẩn tránh. Đó là một cục diện mới, là cơ sở rất thuận lợi để ta tiếp tục tiến công địch về mặt ngoại giao, tiến lên giành những thắng lợi mới để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang trong thời kỳ mới.

Phần thứ nhất: Cục diện mới - thắng lợi mới của ta, thất bại mới của địch trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế

I. cục diện mới

Trong những ngày cuối năm 1967 và đầu năm 1968, quân và dân miền Nam phát huy thế mạnh, thế chủ động, đã đánh và thắng lớn trên khắp các chiến trường, đặc biệt là ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Trị Thiên, bắt đầu giam chân địch ở Khe Sanh; địch đã bị dồn vào thế phòng ngự chiến lược. Từ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đến nay, thế trận ở miền Nam hoàn toàn đổi khác, chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc bị phá sản, thế thua của địch càng rõ ràng.

Về mặt ngoại giao, với Tuyên bố 28-1-1967, ta đã làm cho Mỹ hết sức bị động. Cố gắng đáng kể duy nhất của Mỹ là đưa ra công thức San-Antônio đầu đông - xuân 1967 - 1968, nghèo nàn và ngoan cố, vì Mỹ vẫn đòi "có đi có lại", đòi ta không được lợi dụng chấm dứt ném bom. Ta liên tiếp tiến công Mỹ trong những ngày đầu năm nay, bằng cách khẳng định lại quan điểm của ta trong Tuyên bố 28-1-1967, bằng quyết định ngừng tiến công quân sự ở miền Nam trong dịp Tết, bằng việc thả ba giặc lái Mỹ bị bắt ở miền Bắc.

1. Tuyên bố 31-3-1968 của Giônxơn

Trong tình thế bị thất bại ở cả hai miền, trước những khó khăn to lớn về mọi mặt do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gây ra và trước sức ép ngày càng tăng của dư luận thế giới và dư luận tiến bộ Mỹ đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, ngày 31-3-1968 Giônxơn đã phải tuyên bố: "ném bom hạn chế miền Bắc", nhận thương lượng với Chính phủ ta, rút lui không ra ứng cử Tổng thống (một khoá nữa).

Đây là một thất bại lớn, một sự thay đổi có ý nghĩa chiến lược của Mỹ. Đây cũng là một thủ đoạn rất gian xảo của Giônxơn: một mặt Mỹ điều chỉnh việc ném bom miền Bắc, ngăn cản ta chi viện miền Nam, giảm bớt thất bại về quân sự, giải quyết một số khó khăn về nội bộ; mặt khác, tỏ ra có "thiện chí đơn phương xuống thang" để đánh lừa và tranh thủ dư luận. Y tính ta sẽ hoàn toàn bác bỏ vì y mới "hạn chế" việc ném bom miền Bắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ta và của dư luận.

Phản ứng của nhân dân và chính giới Mỹ, của nhiều Chính phủ trong đó có một số Chính phủ trong phe xã hội chủ nghĩa, của dư luận chung trên thế giới trong những ngày đầu là hoan nghênh cử chỉ của Giônxơn, điều đó chứng tỏ thủ đoạn của Mỹ đang có khả năng dồn sức ép về phía ta.

2. Tuyên bố 3-4-1968 của ta và cục diện vừa đánh vừa nói chuyện

Ta đã có sẵn kế hoạch tiếp tục tiến công địch về ngoại giao nhằm phát huy thế thắng về quân sự và sức mạnh của các tuyên bố của ta (cho phóng viên hãng CBS vào phỏng vấn). Sau tuyên bố 31-3-1968 của Giônxơn, ta nắm lấy thời cơ, tuyên bố sẵn sàng cử đại diện gặp đại diện Chính phủ Mỹ nhằm xác định việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để đi tới các cuộc nói chuyện chính thức. Hai ngày sau, ta nói rõ ý kiến ta về địa điểm và cấp bậc. Mục đích của ta là: dồn địch vào thế cô lập hơn nữa, buộc chúng phải nhận nói chuyện với ta, tranh thủ dư luận thế giới, phục vụ chuẩn bị đợt tiến công quân sự mới.

Địch hoàn toàn bất ngờ, càng lúng túng, bị động. Chúng cố lấy vấn đề địa điểm để trì hoãn, nhưng do đó càng lộ mặt ngoan cố. Ngày 3-5, ta đưa ra địa điểm Pari; đồng thời nêu lên việc nói chuyện chính thức. Đây là một đòn bất ngờ nữa làm cho Mỹ càng thêm bị động và phải nhận nói chuyện với ta ở Pari từ ngày 13-5-1968.

Ta đã tạo ra cục diện vừa đánh vừa nói chuyện nhằm:

- Tranh thủ dư luận;

- Làm cho địch thêm khó khăn, để phục vụ chiến trường;

- Hướng địch vào con đường giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng khi ta giành được thắng lợi quyết định.

Trong cục diện mới, cả hai bên đều ra sức lợi dụng nói chuyện để phục vụ những mục đích quân sự của mình.

Địch buộc phải đi vào thế vừa đánh vừa nói chuyện. Trong tình trạng bị động đó, chúng cũng muốn dùng cuộc nói chuyện ở Pari hòng hạn chế ta đánh mạnh, do đó giảm bớt tổn thất quân sự và chính trị của chúng trên chiến trường (như đưa ra vấn đề lập lại quy chế khu phi quân sự, đòi ta giảm bớt thâm nhập, giảm bớt pháo kích Sài Gòn, v.v.).

Ta thì dùng cuộc nói chuyện để giấu việc chuẩn bị đánh mạnh ở miền Nam. Một mặt ta kiên quyết tố cáo Mỹ vẫn ngoan cố xâm lược nước ta, tiếp tục tăng cường chiến tranh ở cả hai miền, chồng chất thêm nhiều tội ác tày trời; mặt khác ta giương cao ngọn cờ độc lập và hoà bình, nêu rõ quyền tự vệ thiêng liêng của toàn thể nhân dân ta.

Đánh và nói chuyện có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh có thể làm cho nói chuyện thêm thuận lợi hoặc có thể tạm thời tan vỡ. Ngược lại, nói chuyện tác động đến đánh; như có thể làm cho dư luận ép cả hai bên nhân nhượng nhau để chóng đi tới giải quyết vấn đề Việt Nam.

Ta đang đánh mạnh và ngày càng đánh mạnh ở miền Nam. Trong cuộc nói chuyện hiện nay, ta có điều kiện phục vụ tốt việc thực hiện các kế hoạch quân sự ở trong Nam, không để nói chuyện ảnh hưởng tới tác chiến, vì ta có chính nghĩa, đang ở thế thắng, lại có sách lược đúng đắn.

Nhìn chung cục diện mới vừa đánh vừa nói chuyện, thế ta và thế địch rõ ràng khác hẳn nhau:

ở miền Bắc, ta đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. ở miền Nam, ta có thể đánh địch bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bằng mọi hình thức, địch không thể nào đỡ được. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Những thắng lợi to lớn và toàn diện của thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của đồng bào miền Nam làm cho công tác đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta càng thêm mạnh, thêm chủ động.

Về phía Mỹ, từ tổng tiến công và nổi dậy đến nay chúng tổn thất lớn về quân sự, nhưng còn tổn thất lớn hơn nữa về chính trị, Mỹ vẫn khoe khoang về sức mạnh kinh tế và quân sự của chúng, đầu năm 1968, Giônxơn và bọn tướng lĩnh Mỹ còn tuyên truyền rằng tình hình miền Nam rất lạc quan, đầu năm 1969 lính Mỹ có thể rút về nước. Nhưng cuối tháng giêng năm 1968, Mỹ không những không bảo vệ nổi các thành phố và các căn cứ ở miền Nam, mà cũng không bảo vệ nổi cả sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Dư luận ở Mỹ và thế giới đều thấy rõ:

- Mỹ là nước mạnh nhất trong thế giới tư bản nhưng Mỹ đã bị đánh đau và có khả năng thua hoàn toàn ở Việt Nam.

- Tiềm lực kinh tế và quân sự của Mỹ rất lớn, nhưng không phải là vô tận.

Uy tín của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng khắp nơi trên thế giới.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã gây cho bọn cầm quyền Mỹ những khó khăn không thể khắc phục được và làm tăng thêm một số khó khăn sẵn có của nước Mỹ. Trong năm bầu cử này, những khó khăn càng khó che giấu và khắc phục.

Mỹ không còn khả năng mở các "chiến dịch hoà bình" như trước nữa và chỉ có thể có những sáng kiến chắp vá, vụn vặt về mặt ngoại giao.

Tuy ta ở thế mạnh hơn địch, nhưng chưa đến mức độ buộc địch phải nhận một giải pháp phù hợp với lập trường của ta, do đó, cuộc nói chuyện ở Pari còn kéo dài là tất nhiên.

II. Những thất bại mới của địch, những thắng lợi mới của ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế trong cục diện mới

Trong mấy năm qua, lập trường bốn điểm của Chính phủ ta và từ một năm nay, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập và hoà bình của ta. Mỹ ngày càng phải bị động đối phó và không thực hiện được những mục tiêu cơ bản của chúng về ngoại giao là bào chữa và che giấu tội ác xâm lược Việt Nam, bao che và đề cao nguỵ quyền trên trường quốc tế, lôi kéo đông đảo đồng minh và chư hầu tham chiến ở Việt Nam.

Từ các cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam đến nay, về mặt ngoại giao và hoạt động quốc tế, Mỹ lại bị những thất bại mới, ta lại giành được những thắng lợi mới.

1. Mỹ ngày càng lộ bộ mặt xâm lược và ngoan cố. Ta nêu cao quyền tự vệ thiêng liêng của nhân dân ta và càng làm sáng tỏ lập trường bốn điểm của Chính phủ và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng

Mỹ vẫn dùng luận điệu vu cáo "miền Bắc xâm lược miền Nam" và luận điệu "cam kết" với nguỵ quyền Sài Gòn, hòng bào chữa sự có mặt của hơn 50 vạn quân Mỹ ở miền Nam và việc không quân, hải quân Mỹ ném bom, bắn phá miền Bắc nước ta. Nhưng luận điệu quanh co của chúng không thể lừa gạt được dư luận. Chúng nói tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam, nhưng trắng trợn đòi điều kiện mới chịu rút quân khỏi miền Nam, mới chấm dứt ném bom miền Bắc. Chúng nói tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam nhưng vẫn duy trì bọn tay sai ở Sài Gòn, vẫn không chịu công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, chúng nói "trở lại Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954" nhưng chỉ chú ý đến những điều khoản đình chỉ chiến sự, không chú ý đến những nguyên tắc cơ bản của Hiệp nghị đó. Chúng khoe "tự kiềm chế", nhưng thực tế vẫn tăng cường ném bom miền Bắc và đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam.

Ta kiên quyết vạch mặt xâm lược của Mỹ, nêu cao quyền tự vệ thiêng liêng của nhân dân ta và làm sáng tỏ thêm lập trường bốn điểm của Chính phủ ta và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Giải phóng. Trong thời kỳ mới của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, thế thua của Mỹ càng rõ ràng, thì việc đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tìm một phương hướng giải quyết vấn đề Việt Nam trở thành những vấn đề lớn nhất. Lập trường bốn điểm và Cương lĩnh chính trị càng nổi lên, một mặt, tỏ rõ thái độ ta trước sau vẫn kiên trì các nguyên tắc cơ bản của Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, mặt khác chỉ cho dư luận thấy có khả năng tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

Mỹ đã không che giấu được bộ mặt xâm lược và ngoan cố. Ta vẫn giữ lập trường nguyên tắc, đồng thời tỏ ra có thiện chí, do đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận thế giới, kể cả khi ta đánh mạnh vào Sài Gòn và các thành thị khác ở trong Nam.

2. Mỹ đã không che giấu được sự thất bại chiến lược của chúng ở miền Nam Việt Nam từ Tết đến nay, cho nên nội bộ Mỹ, đồng minh và tay sai càng phân hoá. Ta đã phát huy kịp thời các thắng lợi của ta, do đó càng mở rộng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ

Từ Tết đến nay, người ta thấy rõ Mỹ bị quân giải phóng tiến công ở ngay Sài Gòn và khắp miền Nam, nhưng Mỹ không thể ném bom trả đũa Hà Nội hoặc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; ngay cả quân để ném thêm vào miền Nam cũng bị hạn chế. Khi xảy ra vụ quân phái hữu Lào bị thua lớn ở Nậm Bạc, vụ tàu do thám Pueblo bị Triều Tiên bắt, vụ quân Liên Xô và quân đồng minh kéo vào Tiệp Khắc, người ta càng thấy thế yếu của Mỹ, khác hẳn với luận điệu tuyên truyền của Nhà trắng và Lầu Năm góc.

Cho nên Mỹ cố làm giảm nhẹ những tổn thất của chúng, bịa ra những tổn thất nặng nề của quân giải phóng miền Nam Việt Nam, hoặc cử phái viên đi các hội nghị của khối Đông Nam á, khối anzus, khối Bắc Đại Tây Dương, đi châu Phi, Mỹ latinh để tuyên truyền về tình hình miền Nam, Mỹ vẫn không che giấu nổi sự thất bại chiến lược của chúng từ Tết đến nay ở miền Nam.

Tình hình các nước phương Tây và tay sai của Mỹ càng phát triển bất lợi cho Mỹ. Pháp đã góp phần thúc ép Mỹ đi vào thương lượng bằng cách đưa ra địa điểm Pari. Trong hội nghị khối Bắc Đại Tây Dương, Mỹ đã không lôi kéo được đồng minh đóng góp nhiều hơn vào chiến tranh Việt Nam. ý, áo, Na uy, Đan Mạch mời phái viên ta sang. Các nước chư hầu tham chiến ở miền Nam lo sợ Mỹ thua và Mỹ bỏ rơi chúng, cho nên đều hoang mang, kém tin tưởng ở Mỹ.

Về phần ta, ta đã kịp thời thông báo cho các nước xã hội chủ nghĩa anh em chiến thắng ở hai miền và chủ trương của ta về vấn đề nói chuyện với Mỹ. Đối với một số nước, ta nêu rõ việc vận dụng sách lược để phối hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đối với một vài nước không đồng tình lắm việc ta vận dụng sách lược, ta cố làm cho bạn hiểu quyết tâm, lập trường của ta để bạn không công khai chỉ trích ta trong trường hợp có nói chuyện với Mỹ. Đoàn đồng chí Lê Thanh Nghị năm nay đi các nước xã hội chủ nghĩa đàm phán về viện trợ sớm hơn mọi năm cũng là để tranh thủ thời cơ thuận lợi sau chiến thắng và tạo thêm điều kiện giành thắng lợi quyết định.

Kết quả là các nước xã hội chủ nghĩa anh em đều tăng cường ủng hộ chính trị, đồng thời cố gắng giải quyết các yêu cầu của ta về viện trợ quân sự và kinh tế cho năm 1969. Ta cũng tranh thủ, đẩy mạnh phong trào viện trợ nhân dân trong các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là ở Đông Âu và Cuba. So với thời kỳ mới tiến lên giành thắng lợi quyết định và xét khả năng của các nước xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của bạn chưa thật đầy đủ, có lúc chưa kịp thời. Nhưng nhìn chung lại, thì sự đồng tình và ủng hộ chính trị, sự giúp đỡ vật chất của bạn đối với nhân dân ta là rất to lớn và quý báu. Những mặt phức tạp trong tình hình ta vận dụng đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn và có mặt tăng lên. Do tình hình đó, ta càng thắng, càng đánh mạnh, thì càng phải giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời phải mềm dẻo và hết sức cảnh giác.

Ta đã tăng cường và củng cố hơn nữa Mặt trận nhân dân Đông Dương.

Quan hệ giữa ta và Neo Lào Hắcxạt và các lực lượng trung lập yêu nước ở Lào ngày càng chặt chẽ, hai bên tăng cường cổ vũ, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là một yếu tố thắng lợi rất quan trọng của ta cũng như của Lào.

Campuchia vẫn kiên trì lập trường chống Mỹ, ủng hộ nhân dân hai miền nước ta chống Mỹ và đoàn kết với nhân dân Đông Dương. Nhưng trước thắng lợi to lớn của Mặt trận giải phóng và dưới sức ép của phái hữu trong nước, Xihanúc lo sợ ta sẽ không tôn trọng biên giới hiện tại và nền trung lập của Campuchia, muốn ta ủng hộ chính sách đối nội của Chính phủ Vương quốc. Đối với Neo Lào Hắcxạt, Campuchia găng về vấn đề biên giới với Lào. Xihanúc cũng có gặp khó khăn bên trong và bên ngoài trong lúc ủng hộ ta, nhưng vì quyền lợi giai cấp, ông ta cũng muốn hạn chế thắng lợi của nhân dân ta. Để bảo đảm những yêu cầu của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, ta đã kiên trì tranh thủ Xihanúc: ủng hộ mạnh mẽ mọi hành động của Campuchia chống đế quốc Mỹ và tay sai; ủng hộ Cộng đồng xã hội bình dân; đề nghị lấy Phnôm Pênh làm địa điểm nói chuyện giữa ta và Mỹ... Ta cũng đề nghị Trung Quốc phối hợp tranh thủ Xihanúc vì lợi ích của cuộc chiến đấu của Việt Nam và lợi ích của cách mạng ở khu vực này. Hiện nay, quan hệ giữa Campuchia và miền Bắc, miền Nam nước ta là tốt và sự ủng hộ của Campuchia có tác dụng thiết thực hết sức quan trọng đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Ta đã mở rộng hơn nữa Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ.

Mặc dầu tình hình phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những sự bất đồng rất nghiêm trọng, trên thực tế Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ đã hình thành và tiếp tục phát triển và đã có tác dụng lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong mấy tháng qua, ta đã cử các phái viên đi châu Phi, châu á, Mỹ Latinh, Tây âu và Bắc âu và đã vận động các nước anh em và các tổ chức hoà bình, dân chủ thế giới nhân dịp 20-7 nhằm tranh thủ và mở rộng hơn nữa Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ ta. Kết quả là phong trào tiếp tục phát triển mạnh ở các địa bàn cũ, đồng thời có bước phát triển mới tương đối mạnh ở một số nước chịu ảnh hưởng Mỹ, như Trung Mỹ, Philíppin, Thái Lan. khẩu hiệu của phong trào tập trung đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam và nói chuyện với Mặt trận giải phóng.

Trong tình hình Mỹ thua ở Việt Nam và trong năm bầu cử này, phong trào chống chiến tranh ở Mỹ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhưng Giônxơn vừa lợi dụng việc "ném bom hạn chế" và việc nói chuyện với miền Bắc để tỏ ra "có thiện chí", vừa lấy cái thua ở miền Nam để kích động tinh thần dân tộc của nhân dân Mỹ, cho nên sau khi cuộc nói chuyện ở Pari bắt đầu, phong trào chống chiến tranh ở Mỹ có tạm lắng xuống. Gần đây, tình hình quân sự của Mỹ ở miền Nam tiếp tục xấu đi, những hậu quả của chiến tranh vẫn đè nặng xuống đời sống của người dân Mỹ, thái độ ngoan cố của Mỹ ở Pari quá rõ ràng, về phía ta, ta tăng cường tiếp xúc với những người Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam, thả một số giặc lái và nhân dịp này đề cao phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Phong trào đó đang phát triển và có khả năng phát triển hơn nữa từ nay đến bầu cử tổng thống, nhưng tác dụng của nó cũng còn hạn chế.

Nhìn chung, phong trào ủng hộ ta tiếp tục lên mạnh ở khắp các nước, mở rộng hơn nữa Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ.

3. Trên trường quốc tế, Mỹ không cứu vãn được uy tín cho nguỵ quyền Sài Gòn, còn uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chưa bao giờ được đề cao như hiện nay

Từ cuối năm ngoái, Bâncơ đã cố tổ chức ba cuộc bầu cử gian lận: bầu cử tổng thống và phó tổng thống, bầu cử thượng nghị viện và hạ nghị viện, bầu cử các ban tề xã, để làm cho chính quyền Sài Gòn có bộ mặt "hợp hiến", "dân cử", làm cho tình hình miền Nam có vẻ ổn định. Trong sáu tháng qua, Mỹ ra sức củng cố nguỵ quyền, tô son trát phấn cho chúng; Giônxơn hội đàm với Thiệu ở Hônôlulu và mời Thiệu sang Mỹ; bày trò nguỵ quyền đòi nói chuyện trực tiếp với miền Bắc. Nguỵ quyền cũng cử nhiều đoàn đi các nơi tuyên truyền cho cái gọi là "Việt Nam Cộng hoà".

Một số nước phe Mỹ hiện nay còn công nhận nguỵ quyền, nhưng rõ ràng Mỹ đã không cứu vãn nổi cái gọi là uy tín quốc tế của chính quyền đó. Dư luận rộng rãi thấy chúng là tay sai của đế quốc Mỹ. Hội nghị luật gia thế giới ở Grơnốp coi chính quyền đó là "công cụ của nước ngoài để thống trị và dùng quân sự nô dịch miền Nam Việt Nam" và hoàn toàn không có hiệu lực (effectivité), tính chất đại diện (représentativité) và quyền độc lập (independance).

Ngược lại, nhân dân ta đã tranh thủ được mối cảm tình sâu sắc nhất của nhân dân thế giới.

Từ trước tới nay, nhân dân thế giới đã biết ta đang đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, song chưa biết cụ thể sự thắng lợi đó đến đâu. Sau những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Nam trong thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy, nhân dân thế giới đã thấy rõ ràng nước Việt Nam, một nước nhỏ hơn và có tiềm lực kinh tế, quân sự kém nước Mỹ, đã làm rung chuyển nước Mỹ và chấn động năm châu. Sau khi Mỹ phải đi vào nói chuyện với ta ở Pari, nhân dân thế giới lại thấy ta thắng lợi lớn về ngoại giao, buộc Mỹ phải nhận một điều mà Mỹ vẫn tìm cách tránh. Sự khâm phục của các nước xã hội chủ nghĩa anh em (tuy có nước không biểu thị ra ngoài), của nhân dân thế giới, của tất cả những người có lương tri trước những thắng lợi quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân ta, làm cho uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, của nhân dân ta chưa bao giờ được đề cao như hiện nay, khiến kẻ thù rất lo sợ, bè bạn rất vui mừng.

4. Mỹ đã không che giấu được những tội ác tày trời của chúng, ta càng làm cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của ta sáng ngời chính nghĩa

Hai khóa họp qua của Toà án quốc tế Bertrand Roussell ở Thuỵ Điển và Đan Mạch, kết luận của hàng chục đoàn điều tra của các tổ chức, các nước, hoạt động của Uỷ ban điều tra tội ác của Mỹ ở hai miền nước ta đã vạch rõ đế quốc Mỹ phạm tội ác xâm lược Việt Nam và tội ác diệt chủng đối với nhân dân ta.

Từ Tết đến nay, để đối phó với các cuộc tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở miền Nam, Mỹ đã điên cuồng trút bom đạn, chất độc hoá học, hơi độc xuống miền Nam, ném bom bắn phá Sài Gòn, Huế và hầu hết các thành thị miền Nam. Gần đây, chúng đã dùng bom đạn và càn quét để thành lập cái gọi là "những vành đai chống rốc két" quanh Sài Gòn và các căn cứ quân sự của Mỹ. ở miền Bắc, Mỹ "hạn chế ném bom", thực tế là điều chỉnh ném bom để đánh phá Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh hết sức tàn ác.

Mỹ cố thanh minh chúng chỉ đánh các mục tiêu quân sự, đồng thời ra sức vu cáo ta đánh vào nhân dân để hòng che giấu tội ác của chúng. Nhưng dư luận ngày càng lên án mạnh mẽ những tội ác đó. Hội nghị các luật gia thế giới ở Grơnốp, cuộc họp của Trung tâm quốc tế thông tin về tội ác của Mỹ ở Pari, Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới ở Xôphia... đều đã kiên quyết vạch mặt bọn tội phạm chiến tranh Mỹ.

Còn ta càng đánh thì chính nghĩa của ta càng ngời sáng, càng tranh thủ được lòng người.

Từ lâu, nhân dân thế giới đã ca ngợi ý nghĩa quốc tế của cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống Mỹ, cứu nước. Nhưng từ sau những cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm nay và trước ảnh hưởng rõ rệt của chiến tranh ở Việt Nam tới chính sách đối nội và đối ngoại nói chung của Mỹ, dư luận càng thấy rằng chúng ta chiến đấu không những vì độc lập và tự do của Tổ quốc mình mà còn vì an ninh của phe xã hội chủ nghĩa, vì sự nghiệp của các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì lợi ích của phong trào hoà bình thế giới. Mỗi thắng lợi của nhân dân ta đều có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ và sâu sắc các dân tộc đứng lên chống đế quốc Mỹ. Nhiều vị đứng đầu Nhà nước đã nói ta không phải cảm ơn bạn, chính bạn phải cảm ơn nhân dân ta. Một số vị đứng đầu Nhà nước ở châu Phi đã nói rằng chúng ta đã rửa mặt cho nhân dân châu Phi và châu á. Nhiều bè bạn chúng ta đã nói thẳng rằng họ tự hào về nhân dân ta. Tất cả những tình cảm cao quý đó chứng tỏ chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ngày càng sáng tỏ và tranh thủ thêm bè bạn khắp nơi.

III. vài nhận xét

1. Cục diện vừa đánh vừa nói chuyện có lợi cho ta, không có lợi cho địch

Về phía Mỹ, chúng có đạt được một số yêu cầu:

- Trên chiến trường, vẫn tập trung máy bay, tàu chiến đánh bốn tỉnh nam khu IV cũ, gây cho ta một số khó khăn trong việc chi viện miền Nam, mà lại ít tổn thất về máy bay và giặc lái hơn khi đánh rộng cả miền Bắc.

- ở trong nước, thông qua được ngân sách chiến tranh, thực hiện được việc tăng thuế 10%, động viên được một số quân trù bị, tranh thủ được sự đồng ý của thượng nghị viện về việc gia hạn luật động viên thêm một năm nữa, giảm được những sự chỉ trích đối với chính sách của Giônxơn về Việt Nam.

- Trên thế giới, chúng có gây được ảo tưởng hoà bình, làm cho một bộ phận dư luận tin là Mỹ có "thiện chí" do đó có lúc phong trào đòi Mỹ chấm dứt ném bom, chấm dứt xâm lược có lắng xuống.

Nhưng những kết quả mà Mỹ đạt được trên đây chỉ là tạm thời, vì những nhân tố làm cho mỹ bị nguy ngập vẫn còn: ném bom miền Bắc, xâm lược miền Nam, làm cho Mỹ hao người tốn của. Càng về sau, Mỹ lộ bộ mặt ngoan cố ở Pari, tăng cường chiến tranh ở Việt Nam thì phong trào càng phản đối chính quyền Giônxơn ở Mỹ cũng như trên thế giới.

Về phần ta, do đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế nói chung và do đấu tranh của đoàn đại biểu ta ở Pari trong hơn ba tháng qua, ta đã thực hiện được những việc sau đây:

- Buộc Mỹ đi vào vừa đánh vừa nói chuyện.

- Tố cáo Mỹ một cách có hệ thống, trong thời gian tương đối dài trên những vấn đề yếu nhất của Mỹ, ở một diễn đàn quốc tế có tiếng vang rất mạnh. Đề tài tố cáo chủ yếu của ta là: Mỹ xâm lược Việt Nam, phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954; Mỹ ném bom nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; nguỵ quyền Sài Gòn là công cụ xâm lược của Mỹ, Mỹ là tội phạm chiến tranh.

- Trình bày, giải thích rõ thêm lập trường cơ bản của Chính phủ và nhân dân ta; lập trường bốn điểm, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nêu cao quyền tự vệ thiêng liêng của nhân dân ta.

- Thăm dò ý đồ của Mỹ về giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, về quan điểm của Mỹ trong từng vấn đề cụ thể.

Nhìn chung, về cơ bản ta đã đạt được những yêu cầu đề ra:

- Tranh thủ được dư luận và cô lập Mỹ cao độ.

Trong đợt đấu tranh về địa điểm, Mỹ hoàn toàn thất bại, thủ đoạn lừa bịp của chúng bị bóc trần, Mỹ lại hoàn toàn bị động khi ta đưa ra địa điểm Pari và đi ngay vào nói chuyện chính thức. Đi vào nói chuyện rồi, Mỹ phải trả lời những lý lẽ ta buộc tội chúng và càng để lộ rõ bộ mặt ngoan cố và hiếu chiến. Còn ta thì được dư luận quốc tế hoan nghênh vì ta có chính nghĩa, quyết tâm, nhưng có thiện chí. Phong trào phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam và ủng hộ nhân dân ta, tạm thời lắng xuống trong một thời gian ngắn, nay lại tiếp tục phát triển.

- Gây khó khăn cho địch trong việc mở rộng ném bom miền Bắc (tuy ta không loại trừ việc đó) và trong việc đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, làm cho Mỹ ngập ngừng.

Trong lúc Mỹ đang phải tính đến việc thay đổi chiến lược ở Việt Nam và đang tranh cãi nhau trong dịp vận động bầu cử tổng thống, cuộc tiến công của ta về nói chuyện đã gây thêm sức ép, ngăn chặn Mỹ tăng cường chiến tranh: sức ép của dư luận thế giới và của nhân dân Mỹ, sức ép của phái "bồ câu" (trong lúc phái "diều hâu" hầu như không phản ứng gì), của giới tài chính (đòi thăng bằng cán cân thanh toán quốc tế để bảo vệ đồng đôla), của giới công nghiệp (tư bản thép tăng giá thép)...

Mặc dù địch cố thăm dò trong nói chuyện, địch vẫn không biết được ý đồ quân sự của ta.

- Phân hoá hàng ngũ Mỹ và tay sai.

Đối với nhân dân Mỹ, việc Mỹ "ném bom hạn chế" và cuộc nói chuyện ở Pari là thắng lợi của xu hướng hoà bình, là thất bại của xu hướng hiếu chiến. Do đó cục diện vừa đánh vừa nói chuyện càng đẩy mạnh sự phân hoá trong nội bộ chính giới Mỹ, giữa Mỹ và nguỵ, giữa Mỹ và chư hầu.

- Hiểu tương đối cụ thể hơn ý đồ của Mỹ.

Qua cuộc nói chuyện công khai và trong hậu trường ở Pari, nay ta hiểu rõ hơn ý đồ của Mỹ về cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng hai giai đoạn: về quan điểm "trở lại Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954"; về cách giải quyết sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguỵ quyền; về quan tâm của Mỹ đối với việc cùng giải quyết vấn đề Lào; về ý đồ dùng kinh tế sau này để khống chế Đông Nam á. Ta cũng thấy Mỹ chưa dám bỏ cuộc họp ở Pari. Tất nhiên đó là quan điểm hiện nay của Mỹ, sau này còn có thể thay đổi.

Tình hình mấy tháng qua cho ta thấy cơ bản dự kiến của ta về những bước đi về đấu tranh ngoại giao là đúng và giúp ta nhìn rõ hơn nữa tiến hành đấu tranh ở Pari, đồng thời chuẩn bị các phương án đấu tranh sau này tốt hơn.

Ta có thể khẳng định: chủ trương nói chuyện ở Pari là đúng đắn, cục diện vừa đánh vừa nói chuyện cơ bản có lợi cho ta, không có lợi cho Mỹ.

2. Theo giới cầm quyền Mỹ, lợi ích của đế quốc Mỹ là ở khắp thế giới, không phải chỉ ở Việt Nam, tuy rằng hiện nay Việt Nam là vấn đề trung tâm của chúng. Do bị cột chặt vào vấn đề Việt Nam, Mỹ rất lo sợ có thêm một "Việt Nam thứ hai" và đang lúng túng trước nhiều vấn đề khác của Mỹ trên phạm vi quốc tế. Mỹ đã không dám can thiệp mạnh hơn vào Trung Cận Đông sau cuộc chiến tranh xâm lược của Itxraen, vào Lào sau vụ thất bại nặng nề nhất của chúng ở Lào từ trước đến nay (vụ Nậm bạc) và chịu lép vế một cách nhục nhã trong vụ tàu Pueblo. Gần đây, chúng bị bất ngờ trước việc quân đội Liên Xô và Đồng minh tiến vào Tiệp Khắc và công khai không thể có hành động mạnh mẽ nào để đối phó. Rõ ràng trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam, Mỹ phải xét ảnh hưởng của nó tới các vấn đề quốc tế khác.

3. Một số vấn đề cần giải quyết tốt

- Ta đẩy Mỹ đi vào cục diện vừa đánh vừa nói chuyện trong lúc tình trạng bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là gần đây xảy ra vấn đề Tiệp Khắc. Vấn đề lớn đối với ta là làm sao hết sức tranh thủ sự giúp đỡ về mặt vật chất (quân sự và kinh tế) và sự ủng hộ chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các Đảng Cộng sản trên thế giới.

- Đối với dư luận thế giới, bản thân vấn đề vừa đánh, vừa nói chuyện có một số yếu tố tiêu cực, có thể làm ảnh hưởng tới phong trào nhân dân thế giới ủng hộ ta. Một vấn đề lớn nữa là phải làm sao đẩy mạnh phong trào nhân dân thế giới ủng hộ ta, đồng thời đập tan mọi luận điệu lừa bịp của đế quốc Mỹ về vấn đề Việt Nam. Vấn đề phong trào chống chiến tranh ở Mỹ cần được hết sức chú ý.

- Hiện nay, ta cần nắm chắc ý đồ chiến lược của Mỹ, do đó đoàn ta ở Pari cần triển khai một kế hoạch tìm hiểu địch trong các cuộc nói chuyện ở hậu trường, nhằm xác minh việc Mỹ thật sự muốn một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

- Dần dần công tác đấu tranh với địch đi vào nếp: đấu tranh ở Pari, vận động quốc tế, phối hợp hai miền, đồng thời xúc tiến việc nghiên cứu và hoàn thành các phương án để chuẩn bị những bước sau. Đặc biệt là ta cần làm tốt hơn nữa việc phối hợp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nghiên cứu việc tăng cường hoạt động đối ngoại của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam.



Phần thứ hai: Nhiệm vụ của đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế trong thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn



I. Tình hình mới và nhiệm vụ mới trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế

1. Cuộc chiến tranh cách mạng của ta đã chuyển một cách thắng lợi sang một thời kỳ mới, thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ to lớn và cấp bách nhất của ta là động viên những cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, phát huy những thắng lợi rất lớn và toàn diện từ mùa xuân đến nay, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta đến thắng lợi quyết định, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Thế của địch là suy yếu toàn diện, ý chí xâm lược của chúng đã lung lay. Thế của ta là tiến công chiến lược liên tục và toàn diện.

Về sự phát triển của tình hình, Bộ chính trị nhận định có hai khả năng:

- Tăng thêm quân Mỹ có mức độ, ra sức củng cố và tăng cường quân nguỵ, tiếp tục chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam như hiện nay, giữ vững những vị trí chiến lược và lực lượng của chúng trên cơ sở đó, tìm một giải pháp để thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Tuỳ theo tình hình tiến triển của chiến tranh, trước hết là do sức tấn công của ta đủ mạnh hay là không đủ mạnh, do tình hình chính trị, kinh tế bên Mỹ, chúng sẽ phải kết thúc chiến tranh trong thời gian tương đối ngắn hoặc còn kéo dài chiến tranh trong phạm vi miền Nam trước khi chịu thua.

- Tăng thêm quân Mỹ với mức độ lớn, thay đổi chủ trương chiến lược, mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước.

Trong lúc này Mỹ đang ở khả năng thứ nhất. Khả năng thứ hai có ít nhưng ta phải cảnh giác đề phòng.

Nhưng trước mắt và từ nay đến khi có một tổng thống mới, có nhiều khả năng Mỹ không leo thang chiến tranh, song chúng vẫn tăng cường cố gắng không để tình hình miền Nam xấu hơn cho chúng. Đó chính là nội dung của chiến lược quân sự "giữ và quét".

2. Trong khuôn khổ chiến lược toàn cầu của chúng, đế quốc Mỹ âm mưu chiếm lấy miền Nam Việt Nam, như chúng ta đã biết, vì ba mục đích:

- Biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

- Chống lại phong trào giải phóng dân tộc.

- Ngăn chặn cách mạng chủ nghĩa xã hội thắng lợi lan xuống Đông Nam á.

Biện pháp chủ yếu và cao nhất của đế quốc Mỹ là dùng bạo lực quân sự để thực hiện ý đồ xâm lược. Dù bị thất bại hết sức nặng nề ở hai miền nước ta, chúng còn có tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, cho nên ta không loại trừ khả năng chúng liều lĩnh đi vào con đường tăng cường và mở rộng chiến tranh hòng giải quyết vấn đề Việt Nam, tuy khả năng đó hiện nay có ít.

Nhưng trong tình hình bế tắc về quân sự, vì lợi ích của chúng ở miền Nam Việt Nam và trên thế giới, Mỹ đang phải tính một giải pháp chính trị để bám lấy miền Nam, tiếp tục thực hiện âm mưu xâm lược của chúng với một hình thức khác. Nếu ở miền Nam có một chính quyền "không bên nào chiếm ưu thế" (Vance đã lộ với các đồng chí ta ở Pari ý đồ muốn có một chính quyền chia hai giữa nguỵ quyền và Mặt trận giải phóng), Mỹ sẽ dựa vào sự có mặt của quân Mỹ còn ở miền Nam dùng "viện trợ kinh tế" và kiểm soát quốc tế, để nắm chính quyền đó, đồng thời tìm cách chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, lợi dụng các đảng phái phản động thực hiện diễn biến hoà bình để cuối cùng lật đổ chính quyền đó, kể cả bằng đảo chính. Đó là kiểu "giải pháp hoà bình trong danh dự" Mỹ vẫn thường nói. Đó chính là khẩu hiệu "giành một thắng lợi bước đầu để tranh thủ một thắng lợi hoàn toàn" (un succes initial pour arrivor rà une victoirè éventuelle).

Vì sao Mỹ phải chọn một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam?

Thứ nhất là Mỹ có thể thua trên chiến trường. Nhiều người trong chính giới Mỹ đã thấy "không có khả năng kết thúc chiến tranh bằng một thắng lợi quân sự". Ngay Giônxơn, thậm chí những phần tử hiếu thắng như Níchxơn cũng thấy cần tìm một "nền hoà bình trong danh dự". ý chí của đế quốc Mỹ xâm lược nước ta bằng quân sự ngày càng lung lay và cuối cùng sẽ bị đánh bại.

Thứ hai là chìa khoá để giải quyết các khó khăn hiện nay của Mỹ là vấn đề Việt Nam. Quy mô cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã vượt quá xa các dự kiến của giới cầm quyền Mỹ về: thời gian, kinh phí và quân số; do đó đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến tình hình nước Mỹ về mọi mặt. Nhân dân Mỹ thấy rằng có giải quyết vấn đề Việt Nam mới giải quyết được các vấn đề của nước Mỹ. Bọn cầm quyền Mỹ thấy cần lựa chọn giữa vấn đề Việt Nam và những vấn đề của nước Mỹ. Vấn đề Việt Nam đã trở thành vấn đề số 1 trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ năm nay.

Thứ ba là so với vấn đề Việt Nam, chiến lược toàn cầu của Mỹ có tầm quan trọng hơn nhiều.

Mỹ âm mưu làm bá chủ thế giới bằng đôla, viện trợ và ưu thế tuyệt đối về vũ khí hiện đại. Nhưng do chiến tranh ở Việt Nam hiện nay, đồng đôla bị khủng hoảng, không còn là đồng tiền tiêu biểu của thế giới tư bản nữa; viện trợ của Mỹ cho nước ngoài từ 3-4 tỷ đôla trước đây nay rút xuống còn 1,9 tỷ. Ngân sách dành cho vũ khí hiện đại năm 1965 chiếm 70% ngân sách quốc phòng của Mỹ, nay chỉ chiếm 53%, còn 37% là cho vũ khí thường (ares, conventionnelles). Về mặt toàn cầu, Tây Âu và Đông Âu bao giờ cũng là một vị trí then chốt đối với Mỹ.

Nếu Mỹ cứ ngoan cố xâm lược Việt Nam bằng quân sự thì Mỹ không còn đủ sức đối phó với những vấn đề quan trọng khác của Mỹ ở nơi khác. Bọn cầm quyền Mỹ phải lựa chọn giữa vấn đề chiến lược toàn cầu và vấn đề Việt Nam.

Thứ tư là Mỹ tin rằng có thể cứu vãn được quyền lợi Mỹ ở miền Nam nếu có một giải pháp mà theo tính toán của Mỹ là "không bên nào chiếm ưu thế".

Mỹ vốn có nhiều kinh nghiệm về hoạt động lật đổ, diễn biến hoà bình và đảo chính. Nếu chỉ nêu một số sự kiện gần đây, ta thấy Mỹ đã phá hoại được chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái ở Lào và dựng nên một chính phủ cũng đội lốt "hoà bình trung lập" để thực hiện một kế hoạch can thiệp và xâm lược của Mỹ ở Lào. Sự phát triển theo chiều hướng rất xấu của Tiệp Khắc là một thí dụ điển hình về thủ đoạn diễn biến hoà bình của Mỹ. Tình hình nội bộ một số nước xã hội chủ nghĩa khác và Đảng Cộng sản đã làm cho giới cầm quyền Mỹ càng tin điều mà Giôn Kennơđi đã nói trước đây: "thế giới cộng sản không còn là một khối thống nhất nữa, bức màn sắt không còn là chướng ngại không vượt qua được nữa".

Trong tính toán của chúng, đế quốc Mỹ muốn có một chính phủ kiểu chính phủ liên hiệp Lào năm 1962, chúng sẽ khống chế chính phủ đó thậm chí chiếm lại miền Nam Việt Nam bằng thủ đoạn kinh tế và chính trị.

Thứ năm là sách lược của ta đúng đắn.

Ngay từ năm 1960, ta đã đề ra khẩu hiệu sách lược: miền Nam hoà bình, trung lập. Về lâu dài, ta quan niệm một miền Nam hoà bình, trung lập trong một Đông Dương hoà bình, trung lập (theo các điều khoản quân sự của các Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 và Hiệp định Giơnevơ năm 1962), tiến lên một Đông Nam á hoà bình, trung lập.

Đi vào giải quyết cụ thể, với một sách lược đúng đắn, ta cần và có thể làm cho Mỹ:

- Có ảo tưởng còn giữ được phần nào quyền lợi ở miền Nam;

- Thấy có thể rút khỏi miền Nam mà không "mất mặt";

- Thấy có thể rút khỏi miền Nam mà không lo ngại gây ra phản ứng dây chuyền ở các nơi khác, trước hết là ở Đông Nam á.

3. Hiện nay, Giônxơn không mở rộng ném bom lên trên vĩ tuyến 20, cũng vẫn chưa từ bỏ yêu sách vô lý đòi ta "tự kiềm chế". Qua các cuộc thăm dò ở Pari, Mỹ vẫn đòi ta giảm chi viện cho miền Nam, giảm hoạt động quân sự ở miền Nam và đòi ta để nguỵ quyền Sài Gòn tham gia nói chuyện thì mới chấm dứt ném bom miền Bắc. Trước mắt khả năng chấm dứt ném bom miền Bắc là ít. Nhưng do thất bại ở miền Nam, do những khó khăn của nước Mỹ, do thúc ép của dư luận và do phải làm sao cho Đảng dân chủ thắng được Đảng cộng hoà trong cuộc bầu cử sắp tới, có khả năng tới lúc nào đó, Giônxơn sẽ tính chuyện chấm dứt ném bom miền Bắc, hoặc lùi việc ném bom xuống một mức nữa, một vĩ tuyến nữa chẳng hạn.

Trong trường hợp chấm dứt ném bom miền Bắc hoặc hạn chế hơn nữa việc ném bom, âm mưu của Mỹ là:

- Đòi chuyển cuộc nói chuyện ở Pari sang giai đoạn 2 mà nội dung là: hội nghị giữa hai bên tham chiến, đòi ngừng bắn ở miền Nam và giải quyết "cả gói" vấn đề Việt Nam.

- Vẫn đòi ta phải đáp ứng hành động xuống thang của Mỹ và có thể trắng trợn tuyên bố giành quyền ném bom lại nếu ta không đáp ứng.

- Tập trung lực lượng không quân, hải quân trước đây đánh phá miền Bắc để tăng cường đánh phá miền Nam, tiếp tục ngăn chặn việc chi viện cho miền Nam mà vẫn tỏ ra có "thiện chí đơn phương xuống thang" một bước nữa.

Việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc là một thất bại chiến lược của chúng, chiến tranh phá hoại của chúng chống miền Bắc hoàn toàn phá sản. Đó là một thắng lợi chiến lược của nhân dân cả nước ta, một thắng lợi chung của các nước xã hội chủ nghĩa, của Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ.

Nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, một mặt ta phải ra sức thực hiện các kế hoạch quân sự, chính trị trên chiến trường, mặt khác ta phải chuyển cuộc nói chuyện ở Pari sang "những vấn đề khác liên quan đến hai bên". Chiến tranh sẽ tập trung ở miền Nam; đấu tranh ngoại giao sẽ tập trung vào việc giải quyết vấn đề miền Nam và việc giải quyết "cả gói" vấn đề Việt Nam nói chung.

Cuộc đấu tranh giữa ta và địch sẽ diễn ra gay gắt trên hai vấn đề lớn: vấn đề Mỹ rút quân và vấn đề chính phủ liên hiệp. Cuộc nói chuyện ở Pari cần được kéo dài để phục vụ chiến trường.

Tình huống để đòi hỏi ta phải phối hợp tốt đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị ở trong nước với đấu tranh ngoại giao, phải phối hợp tốt hoạt động của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các lực lượng độc lập, dân chủ và hoà bình ở Việt Nam.

- ở Pari, ta vừa đấu tranh công khai vừa tích cực thăm dò Mỹ để làm cho Mỹ ngập ngừng trong ý đồ quân sự; làm cho chính phủ và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đồng tình với cuộc chiến đấu của nhân dân ta, tán thành những khẩu hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đòi Mỹ phải rút quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, phải nói chuyện với Mặt trận.

- ở miền Nam, song song với việc đẩy mạnh tác chiến và đấu tranh chính trị nói chung, ta phát động một phong trào quần chúng mạnh mẽ ở các thành thị, đòi cải tổ chính phủ và thành lập một chính phủ liên hiệp có tính chất đại diện cho miền Nam.

- Tăng cường vận động quốc tế để tranh thủ sự đồng tình rộng rãi trong điều kiện mới và trên cơ sở đó tranh thủ sự ủng hộ chính trị và giúp đỡ vật chất to lớn hơn nữa.

Về mặt đối ngoại, việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc có thể làm nảy ra một số yếu tố tiêu cực.

Nhìn chung, nhân dân thế giới vẫn ủng hộ ta nhưng trong một chừng mực nào đó, trong một thời gian nào đó, một bộ phận sẽ có ảo tưởng về Mỹ, cho nên mặt đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam sẽ có bị ảnh hưởng.

4. Tình hình mới đòi hỏi đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế phải phối hợp nhịp nhàng hơn nữa với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trên chiến trường, tích cực phục vụ việc giành thắng lợi quyết định, tiến lên kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh. Hiện nay, cần tập trung cố gắng phục vụ giành thắng lợi quyết định. Trong khi đó, nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo những điều phù hợp với lập trường của ta, trước khi ta giành thắng lợi quyết định, thì ta cũng không bỏ lỡ cơ hội. Phù hợp với lập trường của ta nghĩa là ta có thể giành cho Mỹ một giải pháp trong danh dự với điều kiện: Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu trong một thời gian; ta làm chủ nông thôn, làm chủ các cơ sở, giữ vững lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của ta; thành lập Chính phủ liên hiệp rộng rãi với sự tham gia của Mặt trận giải phóng, các lực lượng yêu nước khác, các lực lượng chính trị khác kể cả một số người trong chính quyền thân Mỹ hiện nay.

Trong đấu tranh ngoại giao, ta cần tận dụng diễn đàn của cuộc nói chuyện ở Pari làm cho địch thêm lúng túng, cô lập trước dư luận, nhất là trong những tháng cuối của cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ, đánh lừa được địch, làm cho nó thêm lừng chừng; đồng thời mở đường cho địch đi đến một "giải pháp trong danh dự".

Ta cần tăng cường hoạt động quốc tế, tranh thủ hơn nữa sự đồng tình và ủng hộ quốc tế, trước hết là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các nước dân tộc chủ nghĩa, nhất là các nước dân tộc chủ nghĩa tích cực và của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Yêu cầu của ta là làm sao các nước xã hội chủ nghĩa anh em và mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và giúp đỡ ta mạnh mẽ hơn nữa, tập trung sức ép vào Mỹ, buộc chúng phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom miền Bắc phải chấm dứt xâm lược miền Nam, rút quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam, phải công nhận và nói chuyện với Mặt trận. Nếu xảy ra trường hợp Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, cần chú ý khắc phục những yếu tố tiêu cực trong phe ta, trong phong trào thế giới và phong trào Mỹ.

II. Một số vấn đề đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế nhằm phục vụ giành thắng lợi quyết định

1. Phát huy thắng lợi của ta, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng hơn nữa với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trên chiến trường, tích cực phục vụ giành thắng lợi quyết định

Ta cần phát huy mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa thắng lợi to lớn và toàn diện của ta trên thế giới và ở Mỹ.

Lúc này, song song việc tiếp tục đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, ta cần hướng dẫn dư luận chú ý khẩu hiệu:

- Mỹ phải rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

- Mỹ phải công nhận và nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Đi đôi với các đợt hoạt động quân sự, ta sẽ tính kế hoạch tiến công ngoại giao, nhằm tranh thủ dư luận thế giới, chống mọi thủ đoạn của Mỹ hòng cản trở và hạn chế hoạt động quân sự của ta.

Ta cần phát huy tác dụng to lớn của diễn đàn Pari, kéo dài cuộc nói chuyện để tạo điều kiện thuận lợi cho ta giành thắng lợi quyết định.

Ta cần hoạt động tích cực nhằm phân hoá nội bộ giới cầm quyền Mỹ, triệt để khai thác cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ, mặt khác góp phần làm tan rã nguỵ, khơi sâu mâu thuẫn Mỹ - nguỵ, thúc đẩy phong trào đô thị miền Nam phát triển.

Công tác tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa cần được hết sức chú ý. Riêng đối với Liên Xô và Trung Quốc, cần chú ý những khía cạnh phức tạp mới trong quan hệ với ta khi ta đẩy mạnh cục diện vừa đánh vừa nói chuyện lên một bước mới. Ta tiếp tục yêu cầu Liên Xô phối hợp với ta, gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa với Mỹ.

Trong công tác tranh thủ các nước trung gian, ta cần chú ý Campuchia và Pháp, để phát huy mặt tích cực của họ, hạn chế mặt tiêu cực đang có khả năng tăng lên.

Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ.

2. Ta không ảo tưởng, nhưng không bỏ lỡ cơ hội nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với lập trường của ta

Song song với chiến đấu trên mặt trận quân sự và chính trị, phải thăm dò và mặc cả gay go, phức tạp ở hậu trường thì mới có thể đi đến thoả thuận về một giải pháp chính trị tại hội nghị chính thức.

Hiện nay rất ít có khả năng Mỹ muốn giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với lập trường của ta trước khi ta giành được thắng lợi quyết định. Nếu Mỹ chịu chấm dứt ném bom miền Bắc thì khả năng đó sẽ tăng lên.

ở Pari, ta cần làm cho Mỹ thấy rõ ta quyết tâm, đồng thời sẵn sàng dành cho Mỹ một giải pháp trong danh dự nếu Mỹ chịu chấm dứt xâm lược và rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Song song với cuộc đấu tranh công khai, ta cần đẩy mạnh việc thăm dò để hiểu rõ quan điểm của Mỹ về từng vấn đề cụ thể của giải pháp chính trị.

Ta cần hết sức cảnh giác, vì Mỹ cũng muốn thăm dò ý đồ của ta và có thể lợi dụng việc thăm dò ở hậu trường để gây ra ảo tưởng và gieo rắc nghi ngờ. Ta phải lừa địch, nhưng cũng cần cho nó thấy triển vọng một giải pháp trong danh dự.

Bất kể trong tình huống nào, việc thăm dò và mặc cả ở hậu trường phải gắn chặt với tình hình và hoạt động trên chiến trường.

3. Trường hợp Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc

Ta cần phát huy thắng lợi mới của nhân dân ta và nêu cao quyết tâm của ta và vạch rõ Mỹ còn ngoan cố và xảo quyệt. Tuỳ tình hình cụ thể khi đó, ta sẽ nêu khẩu hiệu thích hợp về việc đòi Mỹ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện mọi hành động chiến tranh khác trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ta sẽ đẩy mạnh đấu tranh trên những khẩu hiệu chính: Mỹ phải rút quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam; Mỹ phải công nhận và nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ta sẽ tiếp tục bác bỏ đòi hỏi của Mỹ về "có đi có lại".

Miền Bắc và Mặt trận sẽ ra tuyên bố nói rõ những quan điểm trên, có tính chất cương lĩnh hướng dẫn toàn bộ cuộc đấu tranh của ta trên phạm vi quốc tế sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tuỳ tình hình, có thể tính đến việc Mặt trận công bố lập trường của mình về một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam và xét xem khi nào thì Mặt trận tuyên bố thái độ của mình về việc nói chuyện với Mỹ.

Cuộc nói chuyện ở Pari sẽ chuyển sang các vấn đề khác liên quan đến hai bên:

Có ba loại vấn đề:

- Chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi hành động chiến tranh của Mỹ chống miền Bắc và giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.

- Những vấn đề liên quan đến một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam trên cơ sở Hiệp nghị Giơnevơ 1954 như Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam; phải tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Về các vấn đề khác như giảm hoạt động quân sự, ngừng bắn ở miền Nam, ta đòi Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận.

- Những vấn đề liên quan đến một hội nghị rộng rãi nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, chủ yếu là vấn đề thành phần.

Trong hậu trường, ta đẩy mạnh việc thăm dò và mặc cả với Mỹ về giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

4. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nghiên cứu tăng cường hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam

Mặt trận cần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của mình để đề cao vị trí của mình, đòi có tiếng nói về những vấn đề lớn, hạ uy thế và bác bỏ quyền đại diện của nguỵ quyền. Khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chiến tranh sẽ tập trung ở miền Nam, trong các vấn đề thảo luận giữa ta và Mỹ có vấn đề chung, có vấn đề của miền Nam, tất cả đều đòi hỏi Mặt trận lên tiếng, do đó Mặt trận càng phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại của mình.

- Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam cần tăng cường hoạt động để đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong đô thị, trong đó có phong trào đòi hỏi cải tổ nguỵ quyền. Cần nêu vấn đề hiệp thương giữa các lực lượng chính trị ở miền Nam để lập một chính phủ liên hiệp dân tộc. Cần tiến hành bàn bạc với Mặt trận giải phóng và các tổ chức khác dưới hình thức hiệp thương hai bên hoặc nhiều bên.

5. Tăng cường chỉ đạo Mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế, làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị

Cuộc đấu tranh của ta trên mặt trận ngoại giao và hoạt động quốc tế vô cùng phức tạp; quân địch có một tiềm lực quân sự và kinh tế to lớn, lại có khả năng to lớn và nhiều kinh nghiệm về ngoại giao; việc vận dụng sách lược ngoại giao của ta hết sức tế nhị, tinh vi, vì bản thân vấn đề đã phức tạp và tình hình phe ta, tình hình quốc tế nói chung cũng rất phức tạp. Do đó, việc tăng cường chỉ đạo của Đảng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế là hết sức cần thiết: chỉ đạo tác chiến trực diện ở Pari, chỉ đạo vận động quốc tế, chỉ đạo phối hợp hai miền, chỉ đạo công tác nghiên cứu.

Mặt khác, trong tình hình cuộc chiến đấu vũ trang, chính trị và ngoại giao giữa ta và địch phát triển như hiện nay, ta cần luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi biến chuyển. Do đó, ngay từ bây giờ ta phải xúc tiến việc nghiên cứu các phương án cụ thể để chuẩn bị một giải pháp chính trị toàn diện; đồng thời cần chuẩn bị về mặt tổ chức và nhân sự cho các đoàn đấu tranh cho miền Bắc và cho miền Nam.

*

* *

Cuộc đấu tranh ngoại giao và các hoạt động quốc tế của ta trong thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy là một cuộc chiến đấu gay go, phức tạp. Cuộc nói chuyện ở Pari còn phải kéo dài, kết hợp đấu tranh công khai và thăm dò ở hậu trường, có lúc có thể rất căng thẳng. Đối với chiến trường, ta phải phục vụ tốt các kế hoạch quân sự và chính trị nhằm giành thắng lợi quyết định; phải phối hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng ở thành thị đòi cải tổ chính phủ, đòi nói chuyện với Mặt trận giải phóng và thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc có tính chất đại diện. Đối với Mỹ, phải tỏ rõ quyết tâm của ta; đồng thời cho nó thấy triển vọng một "giải pháp trong danh dự"; làm cho hàng ngũ nó thêm phân hoá, mâu thuẫn. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới, phải tranh thủ sự ủng hộ chính trị và giúp đỡ vật chất to lớn hơn trong bất kể tình huống nào.

Kết luận

Chúng ta đang sống những giờ phút rất sôi nổi. Là một dân tộc không đông, sống trên một dải đất không rộng, chúng ta dám đánh Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, chúng ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ Tết đến nay, những cuộc tiến công kỳ diệu và nổi dậy đều khắp của quân và dân miền Nam anh hùng càng làm rạng rỡ cho dân tộc ta, Tổ quốc ta.

Chúng ta đã thắng trên mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế, chúng ta cũng giành được thắng lợi vì:

- Đường lối chống Mỹ, cứu nước và đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng ta đúng đắn.

- Những thắng lợi quân sự, chính trị của ta từ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đã làm rung chuyển nước Mỹ, chấn động năm châu.

- Công tác đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của miền Bắc và miền Nam đã phát huy mạnh mẽ thắng lợi to lớn của thời kỳ mới, kịp thời và liên tiếp tiến công địch trên mặt trận ngoại giao, đánh trúng chỗ yếu nhất của địch, làm cho chúng bị dồn vào chân tường, phải chấp nhận cục diện vừa đánh vừa nói chuyện mà trước đây chúng rất sợ.

Hiện nay, quân và dân cả nước đang phát huy thế thắng, thế mạnh, quyết vượt mọi gian khổ hy sinh, giành thắng lợi quyết định tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và góp phần giữ gìn hoà bình ở châu á và thế giới.

Trong đà phấn khởi chung, công tác đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta vừa phải ra sức phục vụ giành thắng lợi quyết định, vừa phải phát huy vai trò tích cực, chủ động của nó để góp phần giành thắng lợi, vừa lo cho trước mắt, vừa lo cho ngày mai, vừa chuẩn bị cho miền Bắc, vừa chuẩn bị cho cả nước.

Nhiệm vụ nặng nề, vấn đề phức tạp và tình hình cũng phức tạp. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch kính mến, nhất định mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế sẽ góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc và của Đảng.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

No comments: