02 Tháng 5 2007 - Cập nhật 09h07 GMT
'VN không có chế độ tranh cử'
Buổi đối thoại diễn ra vào sáng thứ Tư 2/5
Ba tuần trước kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII, tổ chức vào ngày 20/5, phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Yểu có cuộc đối thoại trực tuyến với bạn đọc của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc đối thoại diễn ra vào đầu giờ sáng thứ Tư 2/5, kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ.
Trả lời câu hỏi: "Thực tế hiện nay Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất hay là Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng?", ông Nguyễn Văn Yểu nói cần phân biệt hai vấn đề.
"Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam với đại diện cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, theo điều 4 Hiến pháp 1992 là lãnh đạo Nhà nước và xã hội."
"Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, nhưng Đảng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước."
Theo ông Nguyễn Văn Yểu, trong hệ thống Nhà nước, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân sẽ thực hiện 3 chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng nhất.
"Quốc hội không quy định số đại biểu ngoài Đảng là 10%, mà quy định ít nhất là 10%. Như vậy có nghĩa là số đại biểu ngoài Đảng có thể nhiều hơn số 10%."
Quá trình bầu chọn
Có ý kiến thắc mắc: "Ở Việt Nam cử tri thậm chí không biết mặt người được ứng cử là ai, họ đã, đang và sẽ làm được gì cho dân, cho nước".
Ông Nguyễn Văn Yểu trả lời: "Ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định".
"Bầu cử khác với tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác. Có thể nói tốt về các đại biểu khác hoặc các cơ quan khác nhưng ứng cử viên không được nói gì phương hại đến ứng cử viên khác."
Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, nhưng Đảng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu
"Họ có thể đề ra chương trình hành động hoặc hứa hẹn trước nhân dân, trước cử tri để vận động bầu cử."
Theo quy định của Luật Bầu cử Việt Nam, chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử Trung ương phải công bố toàn bộ danh sách ứng cử viên.
Danh sách ứng cử viên Quốc hội XII đã được công bố hôm 24/4, đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Yểu nói "hiện nay đang là giai đoạn tuyên truyền, giới thiệu về các ứng cử viên".
"Các địa phương hiện nay cũng đang và sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đối với cử tri ở đơn vị bầu cử. Trong cuộc tiếp xúc cử tri đó, các ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hoạt động của mình."
Tuy nhiên như vậy, giai đoạn tuyên truyền giới thiệu với các công việc như tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hoạt động và vận động bầu cử chỉ được thực hiện trong thời gian chưa đầy một tháng.
Việt kiều không thể ứng cử
Trả lời câu hỏi của một người sống ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài nhưng đồng thời vẫn giữ quốc tịch Việt Nam; về việc tự ứng cử, ông Yểu nói:
"Đã nhập quốc tịch nước ngoài, đồng thời vẫn còn quốc tịch Việt Nam, thì trường hợp này không đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và mọi quyền như là công dân chỉ có một quốc tịch."
"Trong trường hợp này thì không thể có điều kiện để làm nghĩa vụ quân sự, và cũng không có điều kiện để tự ứng cử đại biểu Quốc hội."
Đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì không đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và mọi quyền như là công dân chỉ có một quốc tịch Việt Nam.
Một vấn đề khác mà nhiều người quan tâm, là con số người tự ứng cử qua ba vòng hiệp thương giảm đi nhiều. Ông Nguyễn Văn Uyển bình luận rằng ông "thấy việc này cũng bình thường".
"Nguyên nhân đã rất rõ ràng, chủ yếu trên cơ sở sự tín nhiệm của cử tri và tự cân nhắc của người tự ứng cử."
Ông nói, cũng có trường hợp là đảng viên "do phải tập trung vào công việc đang làm, nên cấp ủy có ý kiến chỉ đạo là không nên ứng cử, mà đã là đảng viên thì phải chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp ủy."
"Khi Đảng đồng ý, chấp nhận thì mới thực hiện quyền tự ứng cử."
Theo ông, "không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, cả các nước phương Tây theo chế độ đa đảng, thì nhất thiết đảng viên của họ phải được sự đồng ý của đảng mới được tự ra ứng cử."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/05/070502_na_elex_webchat.shtml
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment