1.(H_qhx) 4.(H_stls) 10.(H_mt) 11.(H_qh)

Wednesday, May 16, 2007

Quan hệ về tổ chức giữa phong trào Việt kiều và Đảng Cộng sản Việt Nam

Quan hệ về tổ chức giữa phong trào Việt kiều và Đảng Cộng sản Việt Nam

(1945-1990)


Nguyễn Ngọc Giao
Paris


Tiếng Pháp có câu ngạn ngữ “Cho vay, người ta chỉ chọn nhà giàu mà cho vay” (On ne prête qu’aux riches) mà tục ngữ tiếng Việt “Nước chảy chỗ trũng” không lột tả hết ý nhị trong trường hợp này. Người ta nghĩ ngay tới câu nói đó khi đọc một số bài viết về tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở trong các phong trào Việt kiều. Đối với một số tác giả, đương nhiên là ĐCSVN phải có những “chi bộ”, “đảng bộ” để lãnh đạo những tổ chức “thân cộng”, “tay sai”. Định kiến này có thể xuất phát từ căn bệnh “nhìn đâu cũng thấy cộng sản”, nhưng mặt khác, nó được suy diễn từ một vài yếu tố không phải không có căn cứ.


Có thể đơn cử phong trào Việt kiều tại Pháp, quan hệ lâu năm và rõ ràng mật thiết với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, với tổ chức chặt chẽ theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” quen thuộc của các tổ chức “quần chúng” chung quanh các đảng cộng sản. Khó tưởng tượng rằng một tổ chức như vậy không có một “hạt nhân” cộng sản.

Vấn đề đặt ra là bản chất “hạt nhân” ấy là gì? quan hệ của nó với Đảng cộng sản Việt Nam như thế nào?


Phải đợi nhiều năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, người ta mới đọc thấy trên giấy trắng mực đen một vài thông tin liên quan tới tổ chức này. Điển hình nhất là cũng mới nhất là hồi kí của ông Võ Văn Sung (xuất bản năm 2005, nhân kỉ niệm ngày 30.4):

“Ngày 25 tháng 11 năm 1974, anh Lê Đức Thọ sang Pháp công tác. Trước khi về Hà Nội, anh đã triệu tập Ban Cán sự Đảng tại Pháp cùng với mấy cán bộ chủ chốt của phong trào Việt kiều là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, bí thư nhóm Việt ngữ, Huỳnh Trung Đồng phó bí thư và Lâm Bá Châu uỷ viên thường vụ, để phổ biến một số tình hình trong nước, đặc biệt là các hoạt động quân sự của ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và việc đánh trả đũa của ta” (Võ Văn Sung, Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân & Công ti Phương Nam, 2005, tr. 72, những chữ đậm là do chúng tôi muốn nhấn mạnh).

Cũng trong hồi kí này, ở chú thích một tấm ảnh ở giữa sách, sau trang 40, cho biết thành phần Ban cán sự: Võ Văn Sung, bí thư; Phạm Văn Ba, phó bí thư; Nguyễn Tuấn Liêu, uỷ viên.

Hai cụm từ chủ chốt trong đoạn văn này: Ban Cán sự Đảng tại Pháp và Nhóm Việt ngữ.

Ban Cán sự Đảng tại Pháp, trong cơ cấu tổ chức của Đảng Cộng sản, là một cơ quan do cấp trên – trong trường hợp này, có thể hiểu là Ban bí thư Trung ương hay/và Bộ chính trị, mà hiện thân ở thời điểm ấy là ông Lê Đức Thọ – bổ nhiệm để phụ trách những vấn đề “cán bộ” trong lãnh vực hoạt động của nó – ở đây là đảng viên của ĐCSVN tại Pháp. Những đảng viên này sinh hoạt tại những tổ hay chi bộ, tức là những tổ chức cơ sở của ĐCS, tầng trệt của kim tự tháp tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Theo nguyên tắc này, bộ phận lãnh đạo của chi bộ – chi uỷ – do chi bộ bầu ra, nhưng phải được “cấp trên” thông qua. Trong truyền thống nặng về “tập trung”, thành phần chi uỷ thường do “cấp trên” gợi ý trước, nhưng dầu sao, nó cũng phải được chi bộ thông qua bằng phiếu bầu. Nói cặn kẽ như vậy để làm rõ khác biệt cơ bản giữa các chi uỷ, đảng uỷ này với ban cán sự: ban cán sự hoàn toàn do “cấp trên” chỉ định. Theo ông Võ Văn Sung, Ban cán sự của Đảng Lao động VN tại Pháp được thành lập từ năm 1961, là năm VNDCCH mở Cơ quan đại diện thương mại tại Paris,[1] “gồm một số cán bộ từ trong nước sang trong cơ quan Đại diện thương mại để giúp Đảng lao động Việt Nam lãnh đạo Nhóm Việt ngữ” (sđd, tr. 34).


Vấn đề đặt ra: ai là những đảng viên ĐCSVN ở Pháp? Suy diễn sai lầm xuất phát chính ở chỗ này: người ta tưởng rằng ĐCSVN kết nạp đảng viên ở ngoài nước, hay gửi đảng viên ra nước ngoài để tuyển mộ và tổ chức. Điều này có cơ sở thực tế trong thời kì nửa đầu thế kỉ XX và trong thực tiễn của Quốc tế Cộng sản (như sẽ nói ở đoạn sau). Nhưng trải qua cuộc chiến tranh giải phóng, thực tế tù đầy ở vùng “bị chiếm”, sự cảnh giác cần thiết đã sớm dẫn đến nguyên tắc cứng nhắc: không “tổ chức” Đảng ở nước ngoài, đảng viên mất liên lạc với tổ chức, dù chỉ sau một thời gian ngắn, phải bị “lưu đảng” để làm sáng tỏ mọi vấn đề trước khi được sinh hoạt trở lại.[2] Như vậy, tại Pháp, đảng viên ĐCSVN có sinh hoạt là những cán bộ của cơ quan đại diện ngoại giao (Tổng đại diện, rồi Đại sứ quán VNDCCH, và Phòng đại diện của MTDTGPMNVN, rồi của CPCMLTMNVN cho đến năm 1975, và từ 1976 trở đi, đại sứ quán nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thêm vào đó, có thể kể những đảng viên cán bộ Nhà nước sang thực tập hay làm việc ở Pháp một vài năm trong khuôn khổ hợp tác khoa học Pháp-Việt. Nói khác đi, có thể và cần khẳng định: ĐCSVN không kết nạp những người gọi là “Việt kiều”. Ông Võ Văn Sung cũng xác nhận điều này khi ông viết: “Đảng Lao động Việt Nam không chủ trương lập đảng bộ ở nước ngoài” (sđd, tr. 34).


Nhóm Việt ngữ nói ở trên không phải là một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước khi nói rõ hơn về tổ chức này, cần đi ngược dòng quá khứ để tìm hiểu ngọn nguồn tên gọi của nó.

Trong truyền thống của phong trào cộng sản quốc tế,[3] chỉ có một tổ chức cộng sản trên toàn thế giới, tổ chức cộng sản ở mỗi nước là một “đảng bộ” (section) của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930 (ngay sau đó phải đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) nhưng về danh nghĩa, phải đến năm 1935 mới được thừa nhận là một “đảng bộ” của QTCS, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của QTCS, không thông qua ĐCS Pháp hay ĐCS Trung Quốc. Tại Pháp, những người Việt Nam gia nhập đảng cộng sản đương nhiên là thành viên ĐCS Pháp, có nhiệm vụ sinh hoạt trong một chi bộ cơ sở của ĐCS Pháp (đầu thập niên 1930, ông Nguyễn Văn Tạo đã từng là uỷ viên trung ương của ĐCS Pháp). Tương tự, trong thời kì kháng chiến lần thứ nhất (1945-1954), những người cộng sản Pháp (và Tây Âu) tham gia hàng ngũ kháng chiến Việt Nam đương nhiên là đảng viên ĐCSVN (rút vào bí mật trong thời kì 1946-1951, mang tên Đảng Lao động VN từ 1951 trở đi – cho đến năm 1976).

Cũng trong thời kì này (1945-1954), tại Pháp, những đảng viên người Việt, ngoài việc tham gia sinh hoạt ở các chi bộ (xí nghiệp, trường đại học...) của ĐCSP, còn sinh hoạt trong một cơ cấu gọi là “Nhóm Việt ngữ” (đây là một thực tiễn phổ biến, đảng viên gốc các nước khác cũng có những “nhóm sinh ngữ” tương tự: “nhóm Ý ngữ”, “nhóm “Bồ ngữ”...). Trong khuôn khổ nhóm này, họ tiến hành những hoạt động ủng hộ kháng chiến Việt Nam, trên nguyên tắc, dưới “trách nhiệm tinh thần” của ĐCS Pháp – ĐCS Pháp và các tổ chức của ĐCS như Tổng công đoàn lao động, Phong trào hoà bình, Hội hữu nghị Pháp-Việt là hậu thuẫn mạnh mẽ cho phong trào Việt kiều trong những năm kháng chiến, để chống trả hay hạn chế chính sách đàn áp của chính quyền Pháp).


Sau Hiệp định Genève, một số sinh viên, trí thức Việt Nam (bất luận gốc miền Bắc hay miền Nam) đã tình nguyện về Hà Nội đóng góp vào việc tái thiết. Những người trong “Nhóm Việt ngữ” đương nhiên được “chuyển đảng”, trở thành đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, nhưng “tuổi đảng” được tính từ ngày gia nhập “đảng” ở Pháp.[4]


Tình trạng “bốn phương vô sản đều là anh em” này chấm dứt giữa thập niên 1950 với sự phân hoá trong phong trào cộng sản quốc tế (Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô 1956, Hội nghị các Đảng Cộng sản Moskva 1957). ĐCS Pháp nằm trong khối những Đảng Cộng sản “xét lại chủ nghĩa”, còn ĐCS VN, nếu không hoàn toàn “mao-ít” cũng dứt khoát “chống xét lại”.[5] Sự tồn tại của “nhóm Việt ngữ” đã kết thúc, ít nhất với tư cách một cấu trúc của Đảng Cộng sản Pháp. Và do chủ trương (đã nói ở trên) của ĐCSVN, nó không thể được thừa nhận là một bộ phận của của ĐCSVN. Nói cụ thể hơn, kể từ năm 1958,[6] “nhóm Việt ngữ” (như ông Võ Văn Sung nói tới trong hồi kí của mình) chỉ là một tổ chức của những “cảm tình viên”, tự nguyện chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSVN.


Chính sự tự nguyện chấp nhận này, cùng với lòng tin vào lí tưởng và hăng hái hoạt động của những người trong nhóm đã tạo ra sức mạnh cho tổ chức, và nhìn từ bên ngoài, điều này đã củng cố định kiến về “tổ chức của Đảng ở Pháp”. Thêm vào đó, thái độ vô tình hay cố ý của một số người liên quan đã gia cố huyền thoại này.[7]


Sức mạnh và khả năng “lãnh đạo” ấy tồn tại chừng nào niềm tin và sự tự nguyện còn được nuôi dưỡng. Sau thắng lợi năm 1975, sự phấn khởi, thậm chí say sưa tự kiêu đã từng bước nhường chỗ cho những thắc mắc, trăn trở. Chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, chính sách “học tập cải tạo” đã dẫn tới hai ứng xử có thể: hoặc nản lòng và lặng lẽ bỏ cuộc, hoặc co cụm, gồng mình. Thêm vào các yếu tố chung vừa kể trên, cũng phải nhấn mạnh tới một nhân tố quan trong nữa: từ sau ngày thống nhất đất nước (1976), với chủ trương “tất cả quy về một mối”, sự tự nguyện (và ưu điểm nổi bật của nó là tính sáng tạo) nhường chỗ cho việc thi hành những chủ trương càng ngày càng xa rời thực tế của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Kết quả tất yếu là tới cuộc đổi mới (1986), những thông thoáng về tư tưởng và quan niệm chính trị sớm bị ngăn chặn, chỉ còn lại những cải tổ theo chiều hướng tư hữu hoá về kinh tế, phong trào Việt kiều ở các nước Tây phương, mỗi nước với những sắc thái riêng, hoàn cảnh cụ thể riêng, lần lượt rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và toàn diện. Từ đầu thập niên 1990, các “Hội người Việt Nam...”, “Hội Việt kiều yêu nước...”, “Hội đoàn kết Việt kiều...” ... lần lượt giải thể, hoặc biến dạng thành những cơ cấu hữu danh vô thực, hoặc thuần tuý là những “hư cấu” vụ lợi (đối với Nhà nước, Việt Nam, thông qua các sứ quán, nó là hư danh một hội đoàn “tập hợp rộng rãi đồng bào VN ở nước ngoài một lòng hướng về tổ quốc, không phân biệt quá khứ và chính kiến”, đối với một số người phụ trách hội đoàn, nó là bình phong để kinh doanh; điều này không mâu thuẫn với lòng mong muốn giữ quan hệ bình thường với quê hương và đóng góp vào việc xây dựng đất nước, yêu cầu chính đáng của số đông những người còn ở trong hội).


Trong bối cảnh ấy, sự tiêu vong của “nhóm” là đương nhiên và tất yếu. Đó là không kể rằng những người tự nguyện và được “hồi hương” sau năm 1975 (chủ yếu trong mấy năm 1976-1979) đã vấp phải những thực tế “phức tạp”, trong đó có thực tế về ĐCS.[8]

Trên đây tập trung nói về quan hệ của bộ máy ĐCSVN với phong trào Việt kiều ở Pháp. Pháp giữ một vị trí đặc biệt, nếu không nói là tách biệt, trong khối Tây phương, vì nhiều lẽ:


- phong trào Việt kiều ủng hộ kháng chiến tồn tại hầu như cũng thời điểm với chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà

- quan hệ lịch sử lâu đời giữa ĐCS Pháp và ĐCS Việt Nam

- Pháp là nước duy nhất ở phương Tây có quan hệ ngoại giao với VNDCCH từ sau Hiệp định Genève năm 1954.


Do điều kiện đặc biệt đó, tuy ĐCSVN không có “tổ Đảng” trong Việt kiều, nhưng giữa phong trào Việt kiều và ĐCSVN trong nhiều thập niên có quan hệ mật thiết, dựa trên một mặt là sự tin tưởng tự nguyện, mặt kia là sự tin cậy có mức độ (đây là nói về mặt tổ chức, không nói về quan hệ cá nhân, có thể là hết sức tin cậy).


Ở các nước phương Tây khác (không chỉ ở Mỹ), trước năm 1975, không có cơ quan ngoại giao thường trú của VNDCCH. Quan hệ trực tiếp với người Việt Nam ở những nước này hoặc không có, hoặc ở mức “ngoại giao”. Phải đợi đến đầu thập niên 1970, và nhất là sau ngày kí kết Hiệp định Paris (tháng 1.1973), quan hệ về mặt hội đoàn mới được thiết lập một cách tương đối chặt chẽ giữa các địa bàn Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Cộng hoà liên bang Đức, Canada (riêng tại Mỹ, thông qua một cá nhân[9]). Từ đó, Ban Cán sự ở Pháp mới đặt quan hệ với các hội đoàn ở các nước này, và trong chừng mực có thể, khuyến khích thành lập những nhóm “nòng cốt”, ít nhiều theo mô hình của “nhóm Việt ngữ”. Song những “nhóm nòng cốt” này chỉ có thể thực sự vận hành khi đại sứ quán Việt Nam được đặt tại mỗi nước. Trong chừng mực nào, có thể nói là đã quá muộn, khi cuộc khủng hoảng toàn diện đã manh nha.

Thí dụ điển hình, về mặt này, có lẽ là phong trào ở Tây Đức. Sự tồn tại của một “hạt nhân lãnh đạo” không hề hạn chế, thậm chí có thể nói là đã có tác động ngược lại, xu thế đấu tranh cho một cuộc đổi mới thực sự, cho quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam, mà “đỉnh điểm” là “tâm thư” mùa xuân năm 1990.[10] Ở thời điểm này, có một sự đồng bộ hiển nhiên trong tình hình các phong trào, mặc dầu những khác biệt khá lớn trong quá trình hình thành và phát triển.

Tác động hạn chế, nếu không nói là không cần thiết, của một “nhóm nòng cốt” đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thể hiện rõ ràng nhất tại Nhật Bản: tại đây, cho đến ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt, không hề có một mối quan hệ (dù chỉ ở mức độ gặp gỡ, thư tín) giữa hội đoàn sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và các cơ quan hay đoàn đại biểu của Việt Nam dân chủ cộng hoà, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Toàn bộ các hoạt động phong phú và “có bài bản” của phong trào sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản từ 1960 đến 1975 đều hoàn toàn có tình chất tự phát hoặc được chỉ đạo từ một hạt nhân thành lập một cách tự phát.[11]


Ở trên, danh từ “phong trào” được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ những hội đoàn mà lập trường hiển thị là ủng hộ VNDCCH và MTDTGPMNVN trong cuộc đấu tranh chống chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hoà. Như đã thấy, ngay trong “phong trào” này, ĐCSVN không có và chủ trương không có đảng bộ. Dễ hiểu là trong những hội đoàn và nhóm mà lập trường có một khoảng cách nhất định với ĐCSVN – phần đông sẽ ít nhiều đồng hoá với “thành phần ba” mà Hiệp định Paris Việt Nam dành cho một vị trí nhất định, nếu nó được thi hành nghiêm chỉnh – ĐCSVN lại càng không có tổ chức. Có lẽ đó cũng là một lí do – không phải duy nhất – để ĐCSVN tìm cách “gài” người “nằm vùng”. Ở đây, câu tục ngữ Pháp “on ne prête qu’aux riches” (nói ở đầu bài) một lần nữa lại được chiêm nghiệm. Tại Tây Đức chẳng hạn, năm 1972, trong Đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam có sự bất đồng về quân đội miền Bắc ở phía nam vĩ tuyến 17. Một bên dứt khoát không đặt vấn đề này ra, và chỉ một mực đòi Hoa Kỳ phải rút quân khỏi miền Nam. Bên kia tuy không đánh đồng quân đội miền Bắc và quân đội Mỹ, đòi Mỹ rút quân và yêu cầu “quân đội miền Bắc, nếu có, hãy rút khỏi miền Nam vì lúc ấy đã có hai chính phủ: Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng”. Sự phân hoá gây căng thẳng và không ít anh em nghi ngờ người nọ người kia là do “Hội đoàn kết” đưa sang “nằm vùng”, “gây chia rẽ”. Ba mươi năm sau, có thể khẳng định không có chuyện ấy. Không phải vì “Hội đoàn kết” không chủ trương làm điều ấy, mà vì trong đầu óc anh em lãnh đạo hội, ý tưởng ấy không (chưa?) hề hiện ra.

Sự thật, qua các cuộc phỏng vấn anh chị em ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, có thể khẳng định chắc chắn: việc “nằm vùng” chỉ có ở Pháp, từ mùa hè năm 1967, và tiến hành có hệ thống từ 1968 với cuộc đàm phán diễn ra từ tháng 5-1968 ở Paris. Đây tất nhiên là chủ trương (và “đặc sản”) của ĐCSVN, được thực hiện qua Nhóm Việt ngữ. Người “của ta” đã có mặt ở hầu hết các nhóm và tổ chức chính trị Việt Nam ở Paris, từ “thành phần một”, nghĩa là các hội đoàn chống Cộng (Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Paris, Liên minh sinh viên Việt Nam tự do tai Âu châu...) qua các tổ chức “thành phần ba” (nhóm Âu Trường Thanh, Đảng xã hội, Công giáo và Dân tộc, Hội Phật tử, Đoàn sinh viên Phật tử, Hướng về Đất Việt...).[12] Không thiếu người, do khả năng và... nhiệt tình (!) đã giữ vị trí quan trọng (“cánh tay mặt”, có lẽ phải gọi là “cánh tay trái” cho phù hợp). Quy mô của kế hoạch này có thể tạo ra một hình ảnh “cường điệu” không đúng với thực tế. Thực ra, phần đông thành viên các tổ chức này cũng đủ tinh nhạy để nghi ngờ và cảnh giác. Vả lại, công tác “nằm vùng” này không có mục đích khuynh đảo, lèo lái định hướng, mà chủ yếu là để tìm hiểu thực chất và thực lực mỗi tổ chức. Mặt khác, một yếu tố ít ai ngờ là những mối quan hệ cá nhân, những tình bạn đã nảy nở và trường tồn cho đến ngày nay, vượt khỏi ranh giới chính trị và những thăng trầm sau 1975.

Thay lời kết

Sự hình thành và phát triển của một phong trào lớn mạnh, đa dạng mà đồng quy, của những người Việt Nam ở các nước phương Tây – ở Pháp từ 1945, và ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc trong thập niên 1960 – chống lại cuộc chiến tranh của Pháp rồi của Mỹ ở Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, trong lòng khối các nước tư bản chủ nghĩa, với sự tham gia tích cực của thành phần sinh viên, trí thức phần đông xuất thân từ miền Nam là một hiện tượng tự nó đáng được tìm hiểu và phân tích. Cũng hết sức thú vị là sự hình thành và vai trò của nhóm Việt ngữ tại Pháp và những nhóm tương tự ở mấy nước khác, trong kích thước hiện thực và nhất là kích thước huyền thoại, ám ảnh của nó.[13]

Thực ra, quá trình này hết sức lô gích, thể hiện sức mạnh của sự nghiệp độc lập và thống nhất. Lòng yêu nước là nhân tố cơ bản và xuyên suốt, quyết định sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa của những người tự nguyện tham gia những “nhóm nòng cốt” (khi họ có điều kiện). Nhìn lại lịch sử đầy “âm thanh và cuồng nộ” của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong ba thập niên 50, 60, 70, thoạt tiên, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy sự xung khắc và đối nghịch hầu như không tác động gì tới đời sống các “nhóm” nói trên. Cuộc tranh chấp Xô-Trung mệnh danh là cuộc đấu tranh giữa “chủ nghĩa xét lại” và “chủ nghĩa giáo điều” hầu như không hề phân hoá nhóm Việt ngữ ở Pháp vì đối với “Việt kiều yêu nước tiến bộ”, công cuộc giải phóng miền Nam (vũ trang kết hợp chính trị, ngoại giao) vừa là bức thiết, vừa không có chọn lựa nào khác. Mặt khác, cuộc “đại cách mạng văn hoá vô sản” cản trở vận chuyển viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam rất nhanh chóng đã trở thành liều thuôc văc-xin cho những ai cảm thấy chủ nghĩa Mao hấp dẫn. Tóm lại, ý thức dân tộc đã quy định lựa chọn xã hội chủ nghĩa, và ngược lại, cách ứng xử khôn khéo về mặt đối ngoại của ĐCSVN đã củng cố niềm tự hào dân tộc của các “nhóm viên”. Thực chất hay ảo tưởng, họ đã sống những năm tháng của sự “hài hoà” giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế.[14]


Sự phân hoá cũng không xảy ra ngay sau năm 1975, với việc thống nhất gấp gáp, cuộc cải tạo “xã hội chủ nghĩa” thô bạo ở miền Nam và chủ trương “học tập cải tạo” cũng như những hậu quả của chính sách này là cuộc vượt biên và vượt biển của hơn một triệu đồng bào. Tất nhiên, những chính sách này gây ra thắc mắc và thất vọng ngày càng sâu sắc, song trong một chừng mực nhất định chúng được cảm nhận như hệ quả của phương cách kết thúc chiến tranh: kết thúc bằng vũ trang, không qua giải pháp chính trị. Người ta có thể suy luận và hoài nghi về “thực tâm” của ĐCS, nhưng không thể nghi ngờ: chính Mỹ đã bác bỏ ngay từ đầu một giải pháp chính trị ở miền Nam, khoá chặt mọi khả năng hoạt động của thành phần ba.

Cuối cùng, sự giải thể của các “nhóm nòng cốt” cũng như của các hội “Việt kiều yêu nước”, “người Việt Nam” tại các nước phương tây (thành lập trong những năm 76-78) đã diễn ra một cách tiệm tiến và coi như kết thúc vào đầu thập niên 1990. Nó không bắt nguồn từ một sự kiện hay một chuỗi sự kiện, mà từ một vấn đề thực chất, cốt lõi: quan niệm xơ cứng của ĐCSVN – cũng như của tất cả các đảng cộng sản xây dựng theo mô hình Stalin và Mao – về các tổ chức quần chúng, triệt tiêu xã hội dân sự, phủ nhận tính tự chủ của nó đối với tổ chức Nhà nước. Ở trong nước, sự tồn tại về hình thức của những tổ chức này còn duy trì được với một bộ máy viên chức: điển hình thê lương nhất là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, một tổ chức trên nguyên tắc quy tụ hàng triệu “công nhân”, từ ngày “đổi mới” đến nay đã “hoàn thành xuất sắc” vai trò của một công đoàn vàng mà giai cấp tư bản thế kỉ XIX cũng chẳng dám mơ ước.[15] Ở nước ngoài, không thể, hay chỉ có thể với những thoả hiệp về quyền lợi khá nhỏ nhặt và lộ liễu, nên mất hoàn toàn tính thuyết phục.

Tất nhiên, tình trạng này chỉ có thể chấm dứt nếu như và khi nào xã hội dân sự Việt Nam tìm lại (hay tìm ra) được sức sống của mình, tồn tại tự mình và tổ chức cho mình. Bao giờ và như thế nào, điều ấy cũng gắn liền với quá trình dân chủ hoá của xã hội Việt Nam. Song đó nằm ngoài nội dung bài tham luận này.

Nguyễn Ngọc Giao

* Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2006 “Dân chủ và Phát Triển”, tổ chức tại Berkeley (California, Hoa Kỳ) ngày 28-29/7/2006.

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích

[1] Do sức ép của Mỹ, sau Hiệp định Genève 1954, Pháp triển khai quan hệ không cân đối với hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Ở Sài Gòn, Pháp đặt đại sứ quán; ở Hà Nội, một cơ quan Tổng đại diện (Délégation générale). Tại Paris, sau 1954, chỉ có một cơ quan bán chính thức của VNDCCH là Văn phòng Thông tấn xã Việt Nam – trong khi chế độ Việt Nam cộng hoà vẫn có đại sứ quán (kế thừa từ thời Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. Tới năm 1961, là cơ quan Đại diện thương mại (Délégation commerciale), đứng đầu là một nhà ngoại giao khá ... xa lạ với thương mại là ông Mai Văn Bộ. Từ khi Mỹ leo thang chiến tranh (1965), tướng De Gaulle, tổng thống Pháp, lên tiếng đòi Mỹ rút quân, ủng hộ “quyền tự quyết” và “trung lập” của Đông Dương. Chính quyền “đệ nhị cộng hoà” (Nguyễn Cao Kỳ) phản ứng bằng cách rút quan hệ ngoại giao xuống hàng tổng lãnh sự. Từ năm 1974, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam mới nâng lên hàng sứ quán. Từ đó cho đến 30-4-1975, tại Paris có 3 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam: đại sứ quán VNCH, đại sứ quán VNDCCH, cơ quan đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN (cơ quan này kế thừa Phòng thông tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, mở ra từ năm 1968 tại Paris).

[2] Xem trường hợp những đảng viên đã bị tù ở miền Nam trong thời kì 1954-75, mà trường hợp gay go nhất là trường hợp ông Nguyễn Tài, bị biệt giam 4 năm 4 tháng 10 ngày (1970-75), đã mất 11 năm để “minh oan” (xem Nguyễn Tài: Đối mặt với CIA Mỹ, Nxb Hội nhà văn, 1999, và: Khúc khuỷu đường đời - Mười một năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thừa nhận trên mạng http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5887&rb=08 ).

[3] Thật ra đây cũng không phải là “đặc sản” của phong trào cộng sản, mà của nhiều tổ chức quốc tế. Đầu tiên là Giáo hội Công giáo Roma: người Công giáo (bất luận quốc tịch) sinh sống ở nước nào thì thuộc Giáo hội Công giáo nước ấy. Trong những năm gần đây, việc này làm nảy sinh môt số cuộc xung đột giữa giáo dân Việt Nam với giám mục và linh mục Hoa Kỳ ở các giáo xứ sở tại. Trong lĩnh vực chính trị, truyền thống “đảng bộ từng nước” có từ thời Đệ nhị quốc tế (tức là Quốc tế xã hội): trong 50 đầu thế kỉ XX, Đảng xã hội Pháp mang tên chính thức là S.F.I.O. (Section Française de l’Internationale Ouvrière / Đảng bộ Pháp của Quốc tế Công nhân). Khi mới thành lập (cuối năm 1920) Đảng Cộng sản Pháp cũng mang tên tắt là S.F.I.C. (Đảng bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản). Đảng bộ Pháp không chấp nhận để cho một đảng “anh em” nào tổ chức đảng bộ của mình ở Pháp. Ngoại lệ duy nhất là tổ chức của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (sau cuộc nội chiến 1936-1939) và địa lý (nước Pháp là nước lân bang duy nhất mà người Tây Ban Nha cộng hoà, và cộng sản, có thể sang tị nạn). Vì vậy, trong các thập niên từ 40 đến 60, ĐCS Pháp chấp nhận để Đảng Cộng sản Tây Ban Nha hoạt động (bí mật) tại Pháp và kết nạp những người cộng sản Tây Ban Nha trên đất Pháp. Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng sản Ý cũng yêu cầu lập đảng bộ ở Pháp (số kiều dân Ý ở Pháp lên tới nửa triệu người) song ĐCS Pháp vẫn kiên quyết từ chối.


[4] Quy tắc này áp dụng cho những người về miền Bắc từ 1954 đến 1958. Từ năm 1958 trở đi (như giải thích ở đoạn dưới của bài), không còn sự “chuyển đảng” nữa. Theo chúng tôi biết, biệt lệ duy nhất là trường hợp ông Nguyễn KhắcViện. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gia nhập ĐCS Pháp (và “Nhóm Việt ngữ”) năm 1949 (trước đó, ông có cảm tình với nhóm trốt kít đối lập). Sau khi các ông Phạm Huy Thông, Trần Thanh Xuân bị trục xuất, Nguyễn Khắc Viện trở thành người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Việt kiều tại Pháp. Mùa xuân năm 1963, để chuẩn bị những “con bài” của mình ở miền Nam Việt Nam trong viễn tượng một thay đổi chính trị, chính phủ Pháp trục xuất Nguyễn Khắc Viện. Về nước, ông được đặc cách “chuyển đảng” và được tính tuổi đảng từ 1949. Đáng chú ý là thời điểm 1949: một năm sau khi ông Trần Ngọc Danh “tự ý” đóng cửa cơ quan Tổng đại diện VNDCCH tại Paris để đi Praha (xem Hoàng Văn Hoan: Giọt nước trong biển cả). Em trai của tổng bí thư Trần Phú, được đào tạo ở Moskva, uỷ viên dự khuyết trung ương, trong thời gian 1946-48 tại Pháp, ông Danh đã thẳng tay đàn áp những phần tử trốt kít lãnh đạo phong trào Việt kiều tại Pháp. Tại Praha, ông đã ít nhất hai lần gửi báo cáo cho “Phòng thông tin quốc tế”, tức là cho J. Stalin (năm 1948 và năm 1950), tố cáo “những sai lầm tai hại” của “đường lối Hồ Chí Minh” (xem Sophie Quinn-Judge: Ho Chi Minh, The Missing Years, University of California Press, 2003).


Cũng cần nêu lên trường hợp một đảng viên ở Pháp nữa là nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Bà đã về Sài Gòn năm 1954 (sau năm 1960 đã bí mật tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, năm 1968 rời Sài Gòn ra vùng giải phóng để thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam). Trong thời gian học y khoa ở Pháp, Dương Quỳnh Hoa đương nhiên ở trong Nhóm Việt ngữ.


[5] Về quan hệ “tế nhị” giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Pháp (kéo dài ít nhất đến cuối năm 1967), có thể xem Charles Fourniau: Le Vietnam que j’ai vu, Les Indes Savantes, 2003.


[6] Việc “chuyển giao” này được thực hiện nhân chuyến đi thăm Hà Nội của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp mà trưởng đoàn là uỷ viên Bộ chính trị Jeannette Vermeersch (vợ của tổng bí thư Maurice Thorez). Lẽ ra nó có thể trở thành một “biệt lệ” thứ nhì, sau biệt lệ Tây Ban Nha, nhưng không thành, do chủ trưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.


[7] Ông Nguyễn Ngọc Hà (bí thư NhómViệt ngữ trong thời gian 1963-1976) trong nhiều năm đã tuyên bố được ĐCSVN gửi sang Pháp để tổ chức phong trào và nhóm. Đầu tháng 5-2005, trả lời một cuộc phỏng vấn của mạng Người viễn xứ, ông khẳng định: “Tháng 7.1948, tôi được tổ chức Đảng đưa sang Pháp với hai nhiệm vụ: vận động các trí thức tương lai để góp phần xây dựng đất nước và vận động người lao động Việt Nam ở các nước góp phần cho công cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc.” (Xem

http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2005/05/420021/ ). Nhưng một năm trước đó, cũng nhà báo ấy (Nguyệt Quế) lại viết khác: “Tháng 05.1948, Ngọc Hà lại bị Pháp bắt và gia đình một lần nữa tiếp tục lo lót để anh được trả tự do. Được tổ chức Đảng đồng ý, gia đình đưa chàng thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết sang Pháp du học.” (Xem http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/05/107904/ )


Thoại thứ nhì là trường hợp khá phổ biến mỗi lần phong trào “nội thành” ở Sài Gòn hay Hà Nội bị đàn áp, tổ chức bị phá vỡ. Nó cũng phù hợp hơn với những gì người ta biết về chủ trương của ĐCSVN (không gửi đảng viên ra “tổ chức” ở nước ngoài).

Cuối cùng, mở đầu bài viết đề ngày 9.1.2006, mang đầu đề “Vài suy nghĩ về công tác kiều bào ở Pháp từ năm 1948 đến nay” trong cuốn sách 968 trang Kiều bào và Quê hương (Nhà xuất bản Trẻ & Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài / TP. Hồ Chí Minh, 2006), chính ông Nguyễn Ngọc Hà đã xác nhận là ông sang Pháp (tháng 7/1948) là do “được sự đồng ý của tổ chức và gia đinh” (sđd, tr. 280). Bài viết này coi như đã kết liễu huyền thoại “Đảng cử người sang Pháp tổ chức” cũng như “tổ chức đảng tại Pháp”.


Nhân đây cũng xin mở ngoặc để kể lại lời khẳng định của ông Trần Bạch Đằng, thành uỷ viên Sài Gòn – Chợ Lớn trong thời Kháng chiến lần thứ nhất: người duy nhất được ĐCS cử sang Pháp là ông Võ Gia Phục Quốc với nhiệm vụ thi hành bản án tử hình của Toà án Nam Bộ đối với Văn Tân vì tội đào nhiệm và biển thủ quỹ kháng chiến (chứng từ của anh P., một Việt kiều đã về nước công tác từ đầu thập niên 1970, ghi lại tháng 11.2001). Sau khi chịu án tù, ông Võ Gia Phục Quốc định cư ở Pháp và trong nhiều năm lãnh đạo phong trào Việt kiều ở Marseille (miền Nam nước Pháp).


[8] Ngoại trừ một vài biệt lệ đếm trên một bàn tay, những người trong “nhóm Việt ngữ” về nước chẳng mấy ai được kết nạp vào ĐCSVN, kể cả người do trình độ chuyên môn được cử vào chức vụ cao, và do yêu cầu chính trị, được đề cử vào quốc hội. Điều này trái ngược hẳn với quyết định của Bộ Chính trị ĐCSVN, do ông Lê Đức Thọ phổ biến năm 1973 cho Ban cán sự và Ban thường vụ nhóm Việt ngữ: “Nhóm Việt ngữ là nhóm những người cảm tình của Đảng Lao động Việt Nam; sau này khi về nước, nhóm viên được xét chuyển thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam hoặc được ưu tiên kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam” (xem Võ Văn Sung, sđd)


[9] Ông Nguyễn Văn Lũy. Trong thời đại chiến lần thứ nhì, thuỷ thủ Nguyễn Văn Lũy đi lại ở Địa Trung Hải và nhận làm tình báo cho đồng minh (O.S.S.). Sau đó, ông được nhập tịch Mỹ nên có thể đi lại dễ dàng giữa Hoa Kỳ và Pháp. Quan hệ của ông với những sinh viên đi từ miền Nam sang Mỹ từ cuối thập niên 1960 do đó không đơn giản. Và trong tình hình hiện nay, rất khó tìm hiểu một cách chính xác quan hệ của một phong trào tự phát và tự tại như phong trào tại Mỹ với bộ máy chỉ đạo của ĐCSVN thông qua một cá nhân (điều gì là “chủ trương”? điều gì là diễn dịch tuỳ tiện và võ đoán của một cá nhân mà trình độ và nhiệt tình chênh lệch nhau một cách đáng kể?). Khi nói về những “nhóm tâm giao, nhóm phụ trách, nhóm nòng cốt” ở các nước ngoài Pháp, ông Võ Văn Sung nói một cách “mập mờ nghệ thuật” là “ban cán sự cũng đã chủ trương lập các nhóm gọi là những nhóm nòng cốt” (tr.36). “Đã chủ trương lập ra”, song đã “lập” ra chưa? Trong trường hợp phong trào ở Hoa Kỳ, ta cần căn cứ vào những dữ kiện sau đây:

- Mãi đến năm 1995, quan hệ Việt-Mỹ mới được bình thường hoá nghĩa là khi “phong trào” (theo nghĩa một tập hợp có tổ chức, có hoạt động chính trị với mục tiêu hiển minh) đã từ nhiều năm không còn tồn tại (ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây khác).


- Cho đến cuối thập niên 90, Việt Nam và Hoa Kỳ mới mở sứ quán. Trong suốt 15 năm trước đó (từ 1977), Việt Nam chỉ có phái đoàn đại diện ở trụ sở Liên Hiệp Quốc đặt tại New York, các nhà ngoại giao Việt Nam chỉ có quyền di chuyển trong vòng bán kính 25 dặm chung quanh bán đảo Manhattan. Khỏi cần nói họ bị theo dõi chặt chẽ. Bản thân họ tin rằng họ bị nghe lén 24g trên 24g bằng những phương tiện hiện đại nhất và nhiều người bị bệnh nặng, kể cả bà Diệu Hương, vợ đại sứ Hà Văn Lâu (xem Trần Công Tấn: Hà Văn Lâu người đi từ bến Làng Sình, nxb Phụ Nữ, 2004, tr 573-576).


- Người tiền nhiệm của đại sứ Hà Văn Lâu ở New York (1978-1982) là đại sứ Đinh Bá Thi (Việt Nam gia nhập LHQ vào tháng 9-1977). Đầu năm 1978, Mỹ liên minh với Bắc Kinh, viện cớ “vụ gián điệp Trương Đình Hùng” để trục xuất ông Đinh Bá Thi.

- Khác với tình hình ở Canada và các nước Tây Âu, hội Việt kiều ở Hoa Kỳ trải qua “khủng hoảng” rất sớm, chủ yếu là do hội viên không tin vào sự lãnh đạo của một cá nhân tự nhận là người truyền đạt “quyết định của Đảng và Chính phủ”. Vì vậy, và do truyền thống độc lập hành động ở mỗi vùng (do kích thước địa lí của nước Mỹ), nên sự “lãnh đạo của trung ương”, và sự “lãnh đạo từ xa” của ĐCSVN thông qua bộ máy trung ương của hội (giả định là có chăng nữa) đã nhanh chóng bị vô hiệu hoá. Khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở Canada, Đức, Bỉ, Pháp (cuối thập niên 80), dẫn tới sự giải thể trên thực tế, thì tại Mỹ, nó đã thuộc về quá khứ. Những hoạt động rất đa dạng, thực tế và hiệu quả vẫn tiếp tục, nhờ thoát khỏi vòng kiềm toả của mọi ràng buộc có tính chất bộ máy.


Từ những dữ kiện kể trên, và căn cứ vào một số cuộc phỏng vấn trực tiếp tiến hành trong thời gian gần đây, tôi cho rằng ở Hoa Kỳ, chưa hề có một “nhóm nòng cốt” thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự tại Pháp và hoạt động dưới sự lãnh đạo nhất định của ĐCSVN. Tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng một cá nhân “báo cáo” là “đã thành lập nhóm nòng cốt”. Mong rằng một ngày kia, các nhà nghiên cứu sẽ có thể tham khảo hồ sơ lưu trữ của ĐCSVN và Công an để biết bộ máy ĐCS tin hay không vào lời “báo cáo”, và nếu tin, thì tin tới mức nào.


[10] “Tâm thư gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị” kêu gọi “các nhà lãnh đạo hiện nay của Việt Nam vốn đã có công lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước” hãy “vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị” trong tinh thần “dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng... ”. Lá thư này được công bố ngày 22 tháng 1.1990 với chữ ký của 34 Việt kiều đã tham gia phong trào chống Mỹ cứu nước ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Úc. Trong vòng 3 tháng, nó đã được sự hưởng ứng của hơn 700 người trong “phong trào Việt kiều”. Thay vì bình tĩnh tìm hiểu và đối thoại với những người đã từng góp phần vào cuộc đấu tranh chung, nhà cầm quyền đã phản ứng bằng những biện pháp trấn áp, hù doạ những người kí tên, chia rẽ hàng ngũ các hội đoàn, cô lập những người mà họ cho là “chủ mưu” (đưa tên họ vào danh sách đen ở “Viện bảo tàng tội ác Mỹ-nguỵ” trong hơn 10 năm trời!). Chủ trương này cho thấy sự lo sợ và mất phương hướng của giới lãnh đạo ĐCSVN trong những năm 1990-1991, khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, một bộ phận muốn bám chặt vào Trung Quốc (xem hồi kí của ông Trần Quang Cơ: http://zdfree.free.fr/diendan/dossiers/HoikyTQC.html ). Nó cũng là hồi chuông báo tử cho các hội đoàn “thân chính quyền”.


[11] Xem H.L.T.: “Vài nét về Phong trào yêu nước tại Nhật Bản (từ 1960-1975)”, trong Kiều bào và Quê hương, đã dẫn, tr. 542-550; phỏng vấn anh Huỳnh Mùi, Hà Nội tháng 8-2005.

[12] Đồng thời, một số người đã được gửi về Sài Gòn (từ 1972 đến đầu 1975), chủ yếu để chuẩn bị khả năng có giải pháp “chính phủ liên hiệp” ở miền Nam. Trong số những anh chị em này, có thể kể Tôn Nữ Thị Ninh (về Sài Gòn dạy tại Trường cao đẳng sư phạm, sau 1975 làm việc ở Bộ ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên hiệp Châu Âu, hiện nay là đại biểu quốc hội, phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội).


[13] Huyền thoại về một “tổ chức Đảng” ở Pháp và các nước không chỉ tồn tại trong não trạng của những người chống hay không ưa cộng sản, mà có cả trong nội bộ các phong trào. Tình trạng này có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân: sự suy luận của các hội viên, ứng xử “nửa kín nửa hở” của chính những người mà hội viên nghĩ là “đảng viên”. Thậm chí, ở Canada, cuối thập niên 60, một Việt kiều ở Pháp qua, đã tự nhận là “phái viên” của “phong trào Việt kiều tại Pháp” và đã “hùng cứ” một thời gian. Tất nhiên, anh ta không hề do ai “phái” qua Canada cả. Cũng không phải là thành viên của “phong trào”, tuy có tham gia hội ái hữu thể thao. Tác phong “sứ quân” và cực quyền của anh cuối cùng đã giúp anh chị em ở Canada nhận ra thực chất “vấn đề”, nhưng sự việc anh ta đã tác động trên một số người trong một thời gian chứng tỏ nhiệt tâm và ước muốn của anh em, sau một quá trình tự tìm đường.


[14] Trong thập niên 1960, tất nhiên ở bên ngoài (Việt kiều cũng như CIA) hoàn toàn không biết gì về bầu không khí mao-ít ở miền Bắc và trong nội bộ Đảng Cộng sản, cũng như về cuộc đàn áp mệnh danh “chống xét lại” nhằm đánh đổ những phần tử chống chủ nghĩa Mao trong đảng. Cuộc thảo luận “học tập nghị quyết 9 (tháng 12-1963)” trong Nhóm Việt ngữ chủ yếu xoáy quanh phương thức đấu tranh “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Theo trí nhớ của người viết bài (có phối kiểm với hai người khác) thì trong thời kì 1963-64 này, chỉ có một người rút ra khỏi Nhóm Việt ngữ. Anh ngừng mọi sinh hoạt chính trị, song cho đến ngày mất, vẫn tích cực hoạt động thiện nguyện trong tổ chức S.P.F. (Secours Populaire Français). Tại các nước khác, các “nhóm cảm tình” hình thành sau năm 1970, do đó không chịu tác động nào của cuộc xung đột Xô-Trung (lúc đó đã rõ ràng không phải là một xung đột tư tưởng mà thực chất là xung đột quốc gia). Tại Canada, cuối năm 1972 có xảy ra một cuộc xung đột về đường lối trong nội bộ phong trào. Những từ ngữ “xét lại” và “Mác-Lê” được tung ra, nhưng không liên quan gì tới xung đột Xô-Trung. Sau cuộc hoà giải (mùa hè 1973), “nhóm cảm tình” mới được thành lập.


[15] Về vai trò thực chất hiện nay của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chỉ cần nghe bà Cù Thị Hậu, Anh hùng Lao động, Chủ tịch TLĐ, uỷ viên trung ương ĐCSVN, nói về cuộc đình công cuối năm 2005, đầu năm 2006: “(...) chủ tịch công đoàn cơ sở dưới quyền ông chủ, cũng là làm thuê, ăn lương của ông chủ. Bây giờ đứng ra lãnh đạo đình công thì tất nhiên họ sẽ bị chủ sa thải, mất việc làm. Trong trường hợp đó, ai đứng ra bảo vệ họ? Mặt khác, ở cơ sở có Đảng bộ, công đoàn lãnh đạo công nhân đình công thì phải xin ý kiến của Đảng. Đảng liệu có đồng ý? Với ràng buộc như thế, công đoàn không thể lãnh đạo đình công đúng luật” (xem http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/01/3B9E5CFE/ ).

© Thời Đại Mới
http://www.thoidai.org/ThoiDai9/200609_NNGiao.htm

No comments: