Có nên đi bầu cử hay là không?
Phạm Mai Hoa
Viết từ Hưng Yên
Phạm Mai Hoa "Đảng Cộng Sản vẫn điều khiển quốc hội"
Thời gian qua, qua theo dõi những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội (QH) sắp tớ chúng ta có thể nhận thấy về cơ bản QH khoá 12 vẫn là QH của ĐCSVN, tức là ĐCS vẫn điều khiển QH một cách tuyệt đối.
Điều này là dễ hiểu vì thành phần trong QH số đông vẫn là quan chức trong bộ máy công quyền (và cũng là ĐVCS).
Chỉ cần so sánh số đại biểu ngoài đảng đã bị không chế trong 10 % trước khi cuộc bầu cử sắp diễn ra, so với số còn lại thì thử hỏi các ĐBQH sẽ hoạt động và tranh luận như thế nào?
Mà giả sử có tranh luận gay gắt thì cuối cùng cũng không thắng nổi số đông (của đảng) qua biểu quyết bất cứ một điều luật nào.
Các ĐVCS ngoài đi họp QH còn có các cuộc họp kín với nhau, họ phải tuân thủ các nghị quyết đảng của họ (ví dụ như ông Đặng Hùng Võ khi có ý kiến của đảng là phải rút khỏi danh sách tự ứng cử…).
Đó là chưa nói đến trình độ của các ĐB… Cho nên về cơ bản QH vẫn hoạt động như các nhiệm kỳ trước, cho dù có tăng số đại biểu chuyên trách.
Những người mong muốn cải cách chính trị ở VN đã kỳ vọng vào cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ có nhiều các ứng cử viên tự do.
Đặc biệt là trong số đó sẽ có các nhà đấu tranh cho dân chủ hoặc ít ra là mở rộng thành phần ngoài đảng.
Nhưng với 223 người đăng ký tự ứng cử mà phần đông trong số đó cũng lại là ĐVCS, sẽ khó có cơ hội cho những người tự ứng cử theo đúng nghĩa của nó.
Chúng ta hãy cùng xem lại chuyện này ngõ hầu có thể đánh giá thực chất hơn về cải cách bầu cử và hoạt động của QH trong thời gian tới.
Như chũng ta đã biết, có hai cách đấu tranh chính để xã hội VN trở thành một xã hội dân chủ như đại đa số các nước trên thế giới:
Cách thứ nhất là đòi tự do báo chí, đòi đa đảng ngay lập tức. Những người chọn cách này đã họp nhóm lại, tuyên bố thành lập đảng và ra cương lĩnh hành động.
Cách này động chạm trực tiếp đến những đặc quyền đặc lợi mà giới nắm thực quyền đang thao túng, kiểm soát mọi mặt trong xã hội, cho nên luôn gặp phải sự theo dõi và khống chế gắt gao nhất.
Mặt khác các hạt nhân của phong trào này chưa có uy tín trong xã hội nên cũng chưa được giới trí thức và một bộ phận dân chúng hưởng ứng.
Họ có thể bị ghép vào bất cứ tội danh nào, trong đó có tội gây mất an ninh, mất đoàn kết dân tộc và nặng hơn là tội phản bội Tổ quốc.
Có vẻ họ đang ở thế cô trong một xã hội mà con người luôn có thói quen ỉ lại, phó mặc mọi cái cho chính quyền.
Giới trí thức có thể có ngầm ý ủng các nhà dân chủ thì việc lôi kéo được họ tham gia hay không thì lại là một chuyện khác.
Dù sao họ cũng đã là một lực lượng và đang đấu tranh đòi dân chủ trong mối tương quan lực lượng không cân sức.
Trong cái bối cảnh mà ngay cả Mỹ, một quốc gia luôn muốn truyền bá và áp đặt tư tưởng dân chủ lên các nước cũng còn đang bị sa lầy ở khắp mọi nơi.
Có chăng chỉ một vài các tổ chức phi chính phủ và cơ quan ngoại giao ở cấp nào đó lên tiếng lấy lệ.
Chính quyền CSVN lại có nhiều kinh nghiệm để hoá giải mọi sự bao vây, gây sức ép từ bên ngoài.
Điều quan trọng nhất đối với các nhà đấu tranh cho dân chủ là họ phải được một bộ phận dân chúng và giới trí thức trong nước ủng hộ.
Phải chăng giới trí thức đang quay lưng lại với họ? Hay là do các nhà đấu tranh cho dân chủ đã nhận tài trợ từ nước ngoài, đấu tranh cho dân chủ trở thành vận động nói xấu bôi nhọ… nên không được số đông trí thức ủng hộ? Hoặc có thể do họ đấu tranh công khai quá sớm chăng?
Đây có thể là những toan tính quá nóng vội và cũng là cái cớ để chính quyền CS khống chế họ.
Cách thứ hai là vận động đấu tranh trong lòng xã hội VN. Lực lượng trí thức trong nước đã và đang phát triển rất mạnh cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Chính họ do được đào tạo từ nhiều nguồn, cộng thêm những trải nghiệm trong một thời đại hội nhập diễn ra nhanh chóng, đã phát hiện ra những bất cập từ trong lòng xã hội.
Họ đã và đang gây áp lực ngày càng mạnh trên các mặt báo, trên các diễn đàn và trên nghị trường của Quốc hội để buộc chính quyền và ĐCS phải thay đổi.
Cách này sẽ làm cho VN trở thành một nước dân chủ chậm hơn nhưng lại giữ cho đất nước luôn luôn ổn định, xã hội không có bạo động bạo loạn; Quan chức dễ bề tham nhũng nhũng nhiễu.
Đồng thời những vẫn nạn của xã hội tồn đọng hết năm này qua năm khác và chẳng bao giờ biết mẫu hình dân chủ nhằm tới là đâu.
Nếu để ý trên các mặt báo và truyền hình hiện nay, chúng ta thấy đã có rất nhiều các bài viết, các cuộc trả lời phỏng vấn… mà trong đó các trí thức và cả một số quan chức đã có những phát biểu bộc lộ quan điểm mạnh dạn xung quanh cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Đây là tín hiệu đáng mừng vì giới trí thức đã không còn sợ sệt hay thờ ơ với thời cuộc.
Để ý kỹ hơn ta cũng thấy, nhiều trí thức và cả các quan chức đương nhiệm không ít lần nói đến các cụm từ như ‘dân chủ’, ‘đa nguyên’, ‘tự do báo chí’…
Theo quy luật của tự nhiên thì phải có cạnh tranh thì mới có phát triển. Xã hội con người cũng không tránh khỏi quy luật đó.
Để có sự cạnh tranh trong chính trị thì lại phải có đa đảng và tự do báo chí. Tôi không hiểu VN sẽ đấu tranh chống tiêu cực và cải cách thủ tục hành chính… như thế nào nếu thiếu hai điều kiện trên.
Từ xưa đến nay các vụ tham nhũng lớn ở VN đều do chính người dân và các nhà báo phát hiện. Trong khi ở bất cứ thời điểm nào cũng có các cơ quan chuyên về phòng chống tham nhũng.
Rồi cả một bộ Công an đồ sộ mà không phát hiện ra các vụ tham nhũng thì kể cũng là lạ. Cũng đã có những dư luận cho rằng chính họ đang đồng loã với tham nhũng nhũng nhiễu.
Riêng tôi rất đồng ý với luồng dư luận hiện nay rằng, việc ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch QH là một bước thụt lùi hoạt động QH của VN.
Mỗi lần ông phát biểu đều ít nhiều mang tính áp đặt và đầy tính bảo thủ.
Ông cũng hay có những lời nói làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên tiến trình dân chủ hoá đất nước ở VN đã đang trên bệ phóng, nó có thể nhanh hay chậm chứ không một thế lực hoặc cá nhân nào có thể ngăn cản nổi.
Giới trí thức sẽ không làm ngơ để những lãnh đạo bảo thủ muốn làm gì thì làm.
Bởi xét cho cùng, các nhà lãnh đạo của VN hiện nay đều không có tính chính danh. Họ tự bầu bán, giàn xếp với nhau rồi mang ra Quốc hội của đảng thông qua.
Với QH của VN hiện nay thì các đại biểu cũng phải “gật” chứ còn biết làm thế nào? Mấy ý kiến “trái chiều” cũng chỉ để lấy lệ chứ không thể làm thay đổi được các nghị quyết của ĐCS.
VN hiện nay vẫn tồn tại kiểu sử dụng cán bộ không giống ai, vẫn là tình trạng cờ đến tay người ấy phất, vẫn là sự phân chia trong nội bộ ĐCS (người dân không có quyền).
Sự chênh lệch về trình độ, về kinh nghiệm cũng như về uy tín giữa những lãnh đạo hiện thời với nhiều trí thức khác ở trong nước là không đáng kể.
Nếu ở một môi trường có tính cạnh tranh bình đẳng thì chưa biết ai hơn ai, chẳng qua là họ không hề có cơ hội mà thôi.
Một khi ‘anh’ làm lãnh đạo không phải qua dân bầu thì tiếng nói của anh đối với giới trí thức không có tính thuyết phục, nhất là trong thời đại hội nhập hiện nay.
Chưa kể ‘anh’ để cho xã hội loạn: Quan chức thì giàu có hết sức phi lý; Công chức bình thường không tham nhũng được thì sống với mức lương rẻ mạt không đủ nuôi sống gia đình; Sự phân hoá giàu nghèo là bởi tham nhũng, bởi quyền hành chứ không phải bởi tài năng…
Thật khó mà thuyết phục giới trí thức trong hoàn cảnh như vậy!
Lẽ ra trong QH giới trí thức phải ngày càng phản ứng quyết liệt hơn, các Đại biểu QH sẽ tranh cãi ngày càng càng căng thẳng hơn chứ không “đoàn kết” như từ xưa đến nay.
Đến lúc đó tất nhiên để thông qua một điều luật nào đó sẽ ngày càng phức tạp hơn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận dân chúng trong xã hội.
Thật kỳ quặc là các điều luật hiện nay đều do các quan chức ngồi phòng giấy soạn thảo.
Chúng hoàn toàn xa rời với thực tiễn cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là đối với tầng lớp thấp cổ bé họng như nông dân và công nhân.
Nhưng điều này lại không thể xảy ra khi trong QH các đại biểu số đông lại là những người đương quyền chức và là ĐVCS.
Trở lại với các nhà dân chủ, trong danh sách của khối 8406 chúng ta thấy hơn 2000 người. Vậy trong tổng số 223 người tự ứng cử trên cả nước thì có mấy ‘nhà dân chủ’?
Điều này thôi cũng phản ánh thực lực của họ là như thế nào. Nếu như họ mong muốn có một tờ bào độc lập (nhưng không được chấp thuận) thì họ lại bỏ qua diễn đàn rất quan trọng là Quốc hội hay sao?
Mặc dù vẫn biết rằng với 10% người ngoài đảng trong QH thì xác suất để các nhà dân chủ trúng cử là rất ít.
Cho nên theo tôi, cải cách dân chủ ở VN phải do chính giới trí thức trong nước làm đầu tầu.
Ngoài ra phải kể đến những người đương quyền đương chức có tư tưởng tiến bộ.
Nó chỉ đến khi chính giới trí thức không có cái nhìn về chính trị một cách quá ấu trĩ, những người không thoả hiệp hay đồng loã với một nền chính trị độc tài phản khoa học.
Cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết là mình có nên tham gia bỏ phiếu bầu cử QH lần này hay không.
Qua phân tích những gì đang diễn ra tôi vẫn chưa thấy có gì mới trong ứng cử, bầu cử để mà từ đó có cái nhìn lạc quan hơn về đổi mới hoạt động của QH.
Hiện trên Đài truyền hình VN và Đài tiếng nói VN đang hàng ngày phát đi thông điệp kêu gọi mọi người đi bầu cử.
Nếu tôi không đi bầu thì cũng chẳng ảnh hưởng lắm đến tỷ lệ cử tri đi tham gia bỏ phiếu, vì ở VN vẫn có câu rằng: “vắng cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui” cơ mà.
Quan trọng nhất tôi thấy lá phiếu bầu của mình không hề có giá trị, mặc dù tôi tự nghĩ rằng mình cũng có ý thức và muốn làm nghĩa vụ của một công dân như các công dân khác trên thế giới.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/04/070402_vietelection.shtml
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment