Chuyển biến trong lãnh đạo và hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam từ sau 1945: Khả năng cải cách thể chế quyền lực để chống tham nhũng
Vũ Quang Việt
Lời nói đầu: Trong bài này, tác giả không nhằm phê phán cá nhân, nhưng nhu cầu phân tích đòi hỏi nhận định hoặc đánh giá dựa vào những thông tin mà tác giả có được. Những nhận định này có thể thay đổi khi điều kiện lịch sử cho phép giới chuyên gia có được những thông tin về lịch sử chính xác hơn. Tác giả viết bài này không chỉ dưới con mắt của một người ưa thích phân tích mà với tư cách một người Việt Nam muốn làm sáng tỏ vấn đề với hy vọng đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước. Bài viết này đã được sửa khá nhiều sau Hội thảo Hè 2006 tại Berkeley, California (USA) hai ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2006, nhất là thêm phần hai. Tác giả xin cám ơn những góp ý của các anh Cao Huy Thuần, Lương Bá Hùng, Hoàng Thái Việt, Nguyễn Ngọc Giao, chị Đỗ Tuyết Khanh, và một số người khác nữa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các anh chị trên nhất thiết đồng ý với những nhận định, thông tin trong bài viết.
Các đảng cộng sản theo quan điểm Quốc tế Ba của Lênin được thành lập với mục đích làm cách mạng nhằm lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập chính quyền chuyên chế của Đảng và trấn áp các phần tử chống đối. Với mục đích như thế, quyền quyết định trong Đảng về nguyên tắc tập trung chủ yếu vào Bộ Chính trị và thực tế là vào một hay vài người trong Bộ Chính trị với vai trò thứ yếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cơ quan Nhà nước. Vừa làm chiến tranh giải phóng vừa nhắm vào việc thực hiện một chính quyền dưới sự lãnh đạo độc tôn của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cũng được tổ chức tương tự. Sau năm 1975 và nhất là sau sự mở đầu của một chính sách cải cách khá triệt để năm 1990, và nhất là Đại hội 10 năm 2006, thì mục tiêu chính của Đảng và Nhà nước cũng đã khác hẳn. Đảng không chỉ đại diện giai cấp công nhân mà là mọi tầng lớp lao động kể cả chủ tư bản với mục tiêu tối hậu là: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Quá trình đổi mới ở Việt Nam không mang tính chủ động mà là một chuỗi những phản ứng thụ động trước những đòi hỏi bức bách của tình thế, khi những kế hoạch mang tính chủ động nhưng nằm trong khuôn khổ của tư duy cũ như chính sách giá lương tiền đã đưa đến kết quả tệ hại hơn trước. Việc xin gia nhập tổ chức WTO, vì không thể tiếp tục đứng lẻ loi, cũng không thể nói là mang tính chủ động vì Việt Nam có thể xin gia nhập tổ chức này từ trước khi WTO ra đời vào năm 1995, ít nhất là khi Trưng Quốc làm đơn xin gia nhập vào năm 1986, thay vì mãi đến năm 1995 mới nộp đơn. Việc xin vào chậm đưa đến việc Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi so với Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực hàng may dệt vì không đuợc hưởng những cơ hội mở cửa thị trường thế giới khi các hạn ngạch áp dụng lên các nước xuất khẩu đuợc bãi bỏ từ đầu năm 2005 cho các thành viên, với sự chấm dứt của Hiệp ước về dệt may ATC. Quá trình đổi mới này thể hiện qua vai trò ngày càng quan trọng của địa phương ở cả trong Đảng lẫn chính quyền, đưa dần đến sự suy thoái ảnh hưởng của vài “công thần” chế độ trong Bộ Chính trị Đảng mà kết quả có thể là tốt đẹp nếu nó dẫn tới việc hoạt động mang tính tập thể của Bộ Chính trị. Quá trình đổi mới cũng thể hiện bằng sự phát triển tự phát nhằm dần dần khẳng định quyền lực của Quốc hội đã được ghi trong Hiến pháp. Quyền lực này mang tính đối trọng với Đảng và Chính phủ. Nhưng chính vì tính tự phát, phá rào để tự giải quyết đời sống đã đưa đến tình trạng trạng tự “làm luật” để tự thu tự chi nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Thu nhập của công chức đã không còn mang tính thống nhất mà được chia thành hai phần: phần lương chính thức và phần thu nhập thêm (có thể bằng hoặc vượt lương chính thức). Việc tăng thu nhập bằng mọi cách tất yếu dẫn đến những hành động “phi pháp” tập thể kể cả tham nhũng tập thể. Nhưng tiêu cực cơ bản là tình trạng “phi pháp” này phá hoại tính hoàn chỉnh và thống nhất của ngân sách quốc gia và tính chân thật của công chức. Ngân sách không còn phản ánh đúng thu chi của Nhà nước, nhất là công của người lao động trong hệ thống nhà nước. Việc Nhà nước hợp pháp hoá thu nhập tự phát này chỉ là hành vi chấp nhận sự đã rồi, và sẽ thật tệ nếu nhu cầu cải cách tiền lương và ngân sách không phải là ưu tiên số một. Chính việc hợp thức hoá này thực chất đã trao quyền cho cấp lãnh đạo ở các cấp có thể tự làm luật, kéo theo bè đảng tham nhũng. Nhiều người vì đem một ít quyền lợi cho cấp dưới (và nhiều quyền lợi cho chính mình) lại được coi là người có đầu óc tiến bộ, đảng viên tiên tiến. Do công chức không được tuyển chọn độc lập và lại không có luật bảo vệ tính chuyên nghiệp của công chức, cho nên họ luôn luôn “e dè” cấp trên do Ban Tổ chức ở Trung ương, Ban Cán sự ở các Bộ và Ban Tổ chức ở các tỉnh sắp đặt sẵn. Về mặt chính trị, chống tham nhũng đòi hỏi xây dựng một hệ thống công chức mang tính chuyên nghiệp được luật pháp bảo đảm để phân biệt giữa cán bộ chính trị được Đảng hay chính phủ cử với công chức được tuyển dụng (sẽ không bàn đến trong bài này). Nó cũng đòi hỏi sự phân quyền và hệ thống độc lập của kiểm sát và toà án - nghĩa là tạo một bước quan trọng trong quá trình dân chủ hóa. Về mặt kinh tế, nó đòi hỏi cải tổ ngân sách với lộ trình xoá bỏ một cách cơ bản thu nhập thêm ngoài ngân sách và bảo đảm tiền lương trong ngân sách đủ sống. Bài này nhằm xem xét quá trình đổi mới vừa qua và khả năng đổi mới sắp tới trong hệ thống chính trị Việt Nam để từ đó xem xét khả năng đáp ứng với mục tiêu phát triển dân chủ và chống tham nhũng của hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước Việt Nam.
PHẦN I
SỰ CHUYỂN ĐỔI TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TỪ NĂM 1975
1. Quyền lãnh đạo không tập trung vào một cá nhân, nhưng cũng không phải là lãnh đạo tập thể mà tập trung vào một vài cá nhân kéo dài suốt từ 1975 đến Đại hội 10 (2006)
Trước năm 1975, mục tiêu chính của tổ chức Đảng và Nhà nước miền Bắc Việt Nam là lãnh đạo chiến tranh giải phóng, với mục đích tối hậu là thực hiện một xã hội thủ tiêu tư bản tư nhân dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Đứng đầu và có thể quyết định mọi chuyện trong Đảng và Nhà nước thực chất là một số uỷ viên Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương và Nhà nước chỉ là cánh tay nối dài nhằm thực hiện mọi quyết định của Bộ Chính trị. Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960 bầu Bộ Chính trị gồm 11 người thêm 2 ủy viên dự khuyết, trong đó quan trọng nhất phải kể đến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 người, thêm 31 dự khuyết. Hệ thống lãnh đạo này được duy trì suốt 16 năm cho đến năm 1976.
Sau 16 năm, Đại hội Đảng lần thứ 4 họp năm 1976 khi đất nước thống nhất; mục đích tối hậu được xác định rõ ràng hơn: một chế độ không còn tư bản tư nhân, thị trường bị xoá bỏ. Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Đảng điều động và lên kế hoạch mọi hoạt động của đời sống. Số ủy viên Bộ Chính trị tăng lên 14 với 3 dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 người với 32 dự khuyết. Số ủy viên được tăng là nhằm đưa vào Ban Chấp hành Trung ương những người lãnh đạo tỉnh, ngành trọng yếu trên khắp miền Nam và miền Bắc. Thực chất lãnh đạo toàn diện vẫn nằm trong tay một vài người trong Bộ Chính trị. Sự mở rộng Ban Chấp hành Trung ương là nhằm mở rộng vai trò điều hành của Đảng ở mọi nơi.
Bảng 1. Các Đại hội Đảng từ 1960-2006[1]
Năm
Các Đại hội
Số ủy viên Bộ Chính trị,
Ban Chấp hành Trung ương
Tổng bí thư, Thủ tướng
1960
Đại hội 3
Bộ Chính trị: 11+2
Ban Chấp hành Trung ương: 47+31
Bí thư thứ nhất: Lê Duẩn
Thủ tướng: Phạm Văn Đồng
1976
Đại hội 4
Bộ Chính trị: 14+3
Ban Chấp hành Trung ương: 101+32
Tổng bí thư: Lê Duẩn
Thủ tướng: Phạm Văn Đồng
1982
Đại hội 5
Bộ Chính trị: 13+2
Ban Chấp hành Trung ương: 116 + 36
Tổng bí thư: Lê Duẩn
Thủ tướng: Phạm Văn Đồng
1986
Đại hội 6
Bộ Chính trị: 13+1
Ban Chấp hành Trung ương: 124+ 49
Tổng bí thư: Nguyễn Văn Linh:
Thủ tướng: Đỗ Mười
1991
Đại hội 7
Bộ Chính trị: 13
Ban Chấp hành Trung ương: 146
Tổng bí thư: Đỗ Mười
Thủ tướng: Võ Văn Kiệt
1996
Đại hội 8
Bộ Chính trị: 19
Ban Chấp hành Trung ương: 170
Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu
(Ban Chấp hành Trung ương bầu cuối năm 1997)
Thủ tướng: Võ Văn Kiệt
2001
Đại hội 9
Bộ Chính trị: 13
Ban Chấp hành Trung ương: 150
Tổng bí thư: Nông Đức Mạnh
Thủ tướng: Phan Văn Khải
2006
Đại hội 10
Bộ Chính trị: 14
Ban Chấp hành Trung ương: 160+21
Tổng bí thư: Nông Đức Mạnh
Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng
Bắt đầu từ năm 1977, Đảng chủ trương “cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp” ở miền Nam mà thực chất là xoá bỏ tư bản tư nhân và cưỡng bách nông dân vào hợp tác xã. Mới đây, trong góp ý với Đại hội 10 (2006),[2] Võ Văn Kiệt cho rằng đây là sai lầm tả khuynh mà đến nay những cá nhân ra quyết định vẫn không bị phê phán. Ông cho rằng đây là “nguyên nhân chính dẫn tới khủng khoảng và ách tắc, gây những thiệt hại rất lớn lao cho kinh tế…”, tạo ra “hiện tượng ‘di tản’, ‘thuyền nhân’” “những vết thương trên cơ thể đất nước, để lại những di chứng trong tâm hồn của không ít đồng bào ta.” Điều này đưa đến việc Nguyễn Văn Linh từ chức ủy viên Bộ Chính trị, có lẽ vì không đồng ý với quyết sách đó. Dựa vào lời phê phán của ông Kiệt thì nhiều quyết định của Bộ Chính trị không hẳn là mang tính tập thể.
Cả một thời gian dài từ 1975 đến 1986 khi Lê Duẩn qua đời, việc quyết định vận mệnh đất nước có lẽ chỉ nằm trong tay vài người. Và có lẽ những quyết định ấy không phải là những quyết định tập thể, dựa trên chương trình làm việc tập thể và thường xuyên bởi vì tập thể Bộ Chính trị chỉ họp quyết định về một vấn đề quan trọng nào đó khi vài nhân vật chủ chốt đồng ý họp bàn về vấn đề đó. Dù nhận xét này cần được sử liệu làm rõ thêm, nhưng hồi ký của một số người cũng phần nào xác nhận sự tin cậy của nhận xét này là quyền hành quyết định cao nhất về một số vấn đề đã được phân chia ranh giới đến mức chỉ khi nào người có quyền tối hậu đồng ý thì mới có thể đi đến cái gọi là quyết định tập thể. Tất nhiên đây là điều được nhiều người giải thích là nguyên tắc không thành văn: “chờ đợi nhau đồng thuận" của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhờ nó mà Đảng tránh được những cuộc tranh giành quyền hành đẫm máu xảy ra ở những Đảng Cộng sản khác. Hồi ký của Anh hùng tình báo Nguyễn Tài[3] cho thấy là việc ông ta bị nghi ngờ hợp tác với địch khi bị bắt ở miền Nam kéo dài từ 1977 đến 1988 chỉ được giải quyết khi người trách nhiệm về nhân sự và an ninh là Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Trung Ương) gật đầu cho trắng án. Trong suốt thời gian 10 năm, mọi đề nghị của cá nhân, cơ quan điều tra, hoặc Ban Bí thư chỉ có tác dụng là tránh được cho ông ta phải nằm nhà đá. Ngoài ra cũng được báo chí nước ngoài nói tới là sự kiện hoãn ký kết Hiệp định Thương mại Việt Mỹ giữa Bill Clinton và Phan Văn Khải vào phút chót ngay tại Tân Tây Lan khi hai bên đã sửa soạn ký[4] với lý do là Việt Nam muốn làm rõ thêm vài điểm, trong khi thực tế lý do chính là một lãnh tụ đã về hưu đòi hỏi xem xét. Nhận xét này cho thấy tầm ảnh hưởng cá nhân, kiềm chế hoặc vượt lên quyết định của tập thể là ở mức cao.
Sơ đồ 1: Tổ chức Đảng
(có một chỗ khác với tổ chức hiện nay là Ban Kiểm tra Trung Ương không do đại hội bầu)
Trao đổi giữa tác giả với một số người có quyền trong lúc đó cũng cho thấy là việc giam giữ người trong bộ máy chính quyền miền Nam trong những trại tù binh (được gọi là trại học tập cải tạo) kéo dài quá lâu, vi phạm lời hứa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam cũng chỉ vì một số người chủ chốt trong Bộ Chính trị chưa đồng ý vì lo sợ sự phá hoại của họ nếu được thả ra. Việc để quân Việt Nam ở Cam-pu-chia quá lâu, thay vì giao lại cho Liên Hợp Quốc, cũng thế: nó đòi hỏi Lê Đức Thọ và sau đó là Lê Đức Anh gật đầu. Nhận xét này không nhằm phê phán cá nhân mà nhằm đưa tới một phân tích quan trọng mà tác giả sẽ trình bày sau này: đó là do cách làm việc như trên mà các quyết định, đặc biệt là về kinh tế, không thể nhanh chóng và phải chờ đợi đến lúc tình thế bức bách tới mức có thể tạo thành nguy cơ sụp đổ chế độ thì các lãnh tụ mới lấy quyết định. Tại sao phải chờ đợi: Cần đồng thuận? Không nắm được thông tin? Độc quyền thông tin? Không tin dùng người có khả năng phân tích? Đánh giá chính trị bất lợi bất cứ những ai có ý kiến ngược chiều? Sự ngạo mạn của kẻ chiến thắng?
Vâng, không thể bỏ qua yếu tố ngạo mạn của kẻ chiến thắng, nhất là từ một số lãnh đạo tối cao. Thái độ thách thức biến Trung Quốc thành kẻ thù sau chiến tranh rõ ràng có nguyên nhân từ thái độ của Trung Quốc và ý đồ của họ nhằm đổi chác quyền lợi của Việt Nam để tạo mối giao hảo với Mỹ. Xa hơn, nó có nguyên nhân sâu xa là Trung Quốc có ý đồ chiến lược lâu dài nhằm kiểm soát toàn bộ biển Đông. Do đó, Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa trước khi Mỹ và miền Nam hoàn toàn thất bại, và chiếm thêm một vài hòn đảo ở khu vực Trường Sa sau giải phóng. Tuy nhiên sự thù nghịch với Trung Quốc cũng có thể có nguyên nhân từ tính ngạo mạn sau chiến tranh chống Mỹ của một số lãnh đạo cao cấp và có thể là toàn ban lãnh đạo đảng, tưởng rằng kẻ thù nào cũng phải run sợ vì cho rằng Việt Nam có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào. Nhưng, dù đánh bại Cam-pu-chia hay đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào năm 1979 thì chính Việt Nam lại rơi đúng vào cái bẫy mà Trung Quốc đã gài sẵn: đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh dài lâu nhằm cô lập Việt Nam và làm nền kinh tế của Việt Nam kiệt quệ. Hơn nữa do thiếu tầm nhìn chiến lược dài lâu, cho nên dù trước tình hình quan hệ với Trung Quốc xấu như thế, Lê Duẩn và có thể các nhà lãnh đạo khác lúc đó cũng vẫn không thấy sự cần thiết phải liên hệ với Mỹ để cân bằng sự đe doạ của Trung Quốc. Thay vì chấp nhận lập lại ngoại giao với Mỹ theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Carter thì lại đòi họ bồi thường chiến tranh như là điều kiện để có ngoại giao.[5] Điều gì đã đưa đến quyết định trên – vượt khỏi truyền thống được chấp nhận gần cả ngàn năm của cha ông ta từ thời Lý, Trần và gần nhất là thời Quang Trung Nguyễn Huệ là gửi sứ thần sang Trung Quốc xin triều cống để tránh việc họ gửi quân trở lại sau khi quân xâm lược của họ bị Việt Nam đánh bại? Chính sách sai lầm này đưa đến việc Việt Nam hoàn toàn bị cô lập trên thế giới cho đến khi rút quân khỏi Cam-pu-chia và giải quyết với Trung Quốc. Hàng chục năm chiến tranh để chỉ trở lại chỗ cũ!
Võ Văn Kiệt đã viết rằng: “Các cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương là nơi phát huy dân chủ và trí tuệ của Ban Chấp hành Trung ương để thảo luận, ra các quyết định và chính sách…Không nên tái diễn lại tình trạng có lúc Ban Chấp hành Trung ương biến thành nơi ‘quán triệt’ một chủ trương chính sách đã định trước…”[6] Phát biểu này cũng khẳng định thêm nhận xét ở trên về vai trò lãnh đạo tối cao của Bộ Chính trị. Chỉ có điều Võ Văn kiệt không cho biết rõ là tình trạng đã bắt đầu từ khi nào. Võ Văn Kiệt nhắc lại nguyên tắc của Đảng là Đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất và cho rằng Uỷ Ban Kiểm Tra Trung ương phải do Đại hội bầu (Góp ý về điều lệ Đảng, thư 2/7/2005). Sơ đồ 1, khác với sơ đồ tổ chức hiện nay của Đảng ở chỗ nó phản ánh ý kiến đề nghị của Võ Văn Kiệt là Uỷ Ban Kiểm Tra Trung ương nên được đại hội bầu ra. Trong khi theo sơ đồ này, như Võ Văn Kiệt phát biểu, Bộ Chính trị không phải là cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương (vì được Ban Chấp hành Trung ương bầu ra) và Ban Kiểm tra Trung ương nên do Đại hội bầu (nhưng ý kiến này không thành hình, Uỷ Ban Kiểm Tra Trung ương theo điều 17 Điều lệ Đảng hiện nay vẫn do Ban Chấp hành Trung Ương, khác với sơ đồ 1). Tuy nhiên ở đây cũng cần phân biệt rõ đâu là cơ quan làm chính sách và đâu là cơ quan lấy quyết định thực hiện chính sách nếu không tính hiệu quả của hệ thống sẽ không còn.
2. Đổi mới từ năm 1988 đưa đến sự tăng cường quyền lực của địa phương và sự suy yếu quyền lực của Bộ Chính trị
Đổi mới, chủ yếu về chính sách kinh tế, chỉ bắt đầu mang tên gọi rõ nét này khi Trường Chinh lên chức Tổng bí thư vào tháng 7 năm 1986 với khẩu hiệu “đổi mới”, tức là trước đó vẫn còn một vài người lãnh đạo chủ chốt chưa chịu gật đầu. (Vấn đề này thường được giải thích là lãnh đạo cần chờ đợi nhau vì yêu cầu đoàn kết nhất trí). Tuy nhiên, quá khứ đè nặng, đồng thời với sự không đồng tình ủng hộ của Lê Đức Thọ, Trường Chinh không tiếp tục được ngôi vị. Ba lãnh tụ cao cấp nhất, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và đặc biệt là Lê Đức Thọ về hưu, như một giải pháp nhân danh "đoàn kết nội bộ". Nhưng dù về hưu họ vẫn muốn giữ “uy” (chữ của Võ Văn Kiệt) trong vai trò cố vấn, và sau này dù không còn ban cố vấn trung ương, các nhân vật quan trọng vấn tìm cách giữ cái “uy” . Đại hội 6 vào tháng 12 năm 1986 bầu Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư. Số ủy viên Bộ Chính trị không tăng so với trước đó nhưng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tăng lên 124 chính thức + 49 dự khuyết.
Nguyễn Văn Linh lên chức vị Tổng bí thư năm 1986 được sự ủng hộ của địa phương, đặc biệt là ở miền Nam, vì uy tín của ông trong việc không chấp nhận và tiếp tục phản bác sau đó chính sách cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975.[7] Cũng do hậu thuẫn của địa phương mà ông lên nắm quyền, ông ta càng muốn tăng hoặc ủng hộ đòi hỏi tăng số đại diện của địa phương trong Ban Chấp hành Trung ương và tăng cường vai trò tự chủ trong quản lý kinh tế của địa phương. Trước năm 1975, cả nước có 70 tỉnh (41 tỉnh ở miền Nam và 29 tỉnh ở miền Bắc).[8] Sau khi thống nhất, với chính sách tập trung và kế hoạch hoá, năm 1979 số tỉnh bị gộp lại thành 37 tỉnh và 3 thành phố. Do chủ trương tản quyền đồng thời với đòi hỏi của địa phương, bắt đầu từ năm 1986, số tỉnh được từ từ chia ra theo giới tuyến trước giải phóng. Thí dụ Bình Trị Thiên tách ra lại thành ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; Hà Nam Ninh tách ra lại thành Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Vào năm 1990 số tỉnh và thành phố tăng lên con số 44, năm 1996 tăng lên 53, 1997 là 61, và từ năm 2004 là 64 tỉnh và thành phố. Số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do đó tăng lên, đạt mức cao nhất là 170 uỷ viên chính thức (không còn dự khuyết) thời Lê Khả Phiêu năm 1996.[9]
Quyền lực của địa phương tăng cường có nguyên nhân tất yếu từ sự phá sản của chính sách xoá bỏ kinh tế thị trường của trung ương và tập trung kế hoạch và từ sự suy yếu quyền lực của Bộ Chính Trị do những thất bại từ sau 1975. Do các chính sách sai lầm về nhiều mặt của trung ương, Việt Nam bị bao vây kinh tế, cô lập về chính trị trên trường quốc tế, viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ giúp Việt Nam khỏi chết đói. Để tự sống, địa phương đã phá rào, điển hình là Công ty lương thực của Thành phố Hồ Chí Minh do bà Ba Thi, một thời nổi tiếng, làm giám đốc. Bà Thi sẵn sàng mua lúa gạo với giá thị trường, kể cả tự xuất khẩu để có ngoại tệ nhập hàng bán cung cấp hàng hoá cho nông dân. Bà được phong Anh hùng lao động vì có công phá rào. Tiếp đó là các chính sách vượt rào của Long An và khoán sản phẩm của Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng.
Công ty bà Ba Thi cuối cùng mang nợ nước ngoài tới hơn 10 triệu USD vì thiếu khả năng tính toán kinh tế. Công ty của bà cuối cùng gần như phá sản.[10] Đó là mặt trái của vấn đề phá rào. Vô kỷ luật có lúc được coi là anh hùng, và thực tế nó đòi hỏi thế khi hệ thống mất tính logic không còn đáp ứng nổi với đòi hỏi của cuộc sống, nhất là khi hệ thống đưa con người tới chỗ không tự nuôi nổi mình để có thể phải hành động mất nhân tính, nhưng mặt trái của nó là phá hỏng tính thống nhất và kỷ cương của hệ thống. Tình trạng vô kỷ luật, coi thường pháp luật, địa phương chủ nghĩa phát triển và kéo dài sau đó. Các cuộc cải cách sau này là những cố gắng xây dựng một hệ thống mới. Tuy nhiên như đã nói, vì lãnh đạo mất thời gian “chờ đợi nhau” đồng thuận, và vì họ chỉ bàn bạc tìm giải pháp khi phải đối phó khi tình hình trở nên nghiêm trọng, cho nên việc tìm kiếm mô hình mới không mang tính tự giác dựa trên nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu của chuyên gia, kết quả là ngay trong thời điểm hiện nay mô hình quản lý nhà nước và sự liên hệ giữa đảng và chính quyền không thể rõ ràng. Liên hệ trong hệ thống quyền lực chưa rõ ràng thì tham nhũng, tình trạng thiếu hiệu quả trong việc quản lý nhà nước là khó lòng tránh khỏi. Điều này sẽ được phân tích sâu hơn ở phần II.
Trong thời phá rào, nổi bật từ năm 1986 đến đầu năm 1989, kinh tế địa phương có khá hơn nhưng nền tài chính quốc gia đi gần đến suy sụp gần như toàn diện. Trung ương rỗng túi. Địa phương thu thuế nhưng không muốn nộp về trung ương vì họ cần giữ lại để cứu đói hoặc cứu nguy nền kinh tế địa phương. Tỷ lệ thuế thu được trên GDP lúc đó cũng ở mức rất thấp khoảng 4% năm 1989-1990 so với năm 2005 là 16.7%. Tổng thu của Nhà nước từ nội địa chỉ là 13% so với hiện nay là 23.7% GDP.[11] Vào khoảng thời gian này, lạm phát tăng phi mã vì nguồn chi chủ yếu là in khống tiền, nhất là khi viện trợ của Liên Xô chấm dứt.
Không còn cách nào khác, công cuộc cải cách cuối năm 1988 (thực hiện từ đầu năm 1989) do đó mang tính triệt để hơn; thị trường và giá cả tự do được chấp nhận. Người ta thường cho rằng cải cách ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, nhưng cho đến cuộc cải cách cuối 1988, các cuộc cải cách trước đó chỉ mang tính nửa vời, vì mục tiêu vẫn là bảo đảm vai trò quyết định tuyệt đối trong sản xuất (cả công nghiệp và nông nghiệp) liên quan đến sản phẩm cần sản xuất, nguồn cung ứng vật tư và giá cả sản phẩm, người nông dân vẫn chỉ là người làm thuê, nộp sản, và chỉ được quyền bán cho nhà nước theo giá nhà nước quyết định. Với “cải cách” cuối năm 1988, nông dân được tự chủ trong sản xuất, kinh tế tư nhân ở một mức độ giới hạn được chấp nhận và Việt Nam cũng đồng thời chấp nhận mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đưa chữ “cải cách” vào trong ngoặc là nhằm cho thấy cuộc cải cách này cũng là việc chấp nhận sự đã rồi nhất là về giá cả, sau khi siêu lạm phát xảy ra do sự thất bại của chính sách “giá lương tiền”[12] (lạm phát là 874% năm 1986, 323% năm 1987, 493% năm 1988).[13] Nhưng do tác dụng của việc chấp nhận giá thị trường, cuộc “cải cách” này đã tạo một bước tiến thần kỳ trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế. Từ một nước thiếu gạo, đa số dân chúng ở mức thiếu ăn, năm 1989 và 1990 Việt Nam trở thành một nước xuất gạo tới gần 1.5 triệu tấn, so với một số năm trước đó, gạo nhập có lúc lên tới nửa triệu tấn.[14] Việc áp dụng giá thị trường tự do cho phép nông dân thấy việc bán luá gạo ra thị trường lợi hơn là tồn kho. Ngoài ra việc nâng lãi suất cao hơn tốc độ lạm phát có tác dụng thu hút tiền vào ngân hàng và do đó giảm cầu, đưa mức lạm phát xuống thấp hơn trước. Mặc dù do thúc bách của tình thế, cuộc cải cách này cũng phần nào mang tính chủ động nhất là về chính sách lãi suất. Đòi hỏi cải cách chín muồi, nhưng cũng không dễ thực hiện. Tại sao thế? Quyết định chấp nhận cuộc cải cách triệt để này đi từ chính Đỗ Mười, một vị Thủ tướng được coi là bảo thủ, và được sự đồng tình của đại đa số Ban Chấp hành Trung ương đại diện quyền lợi thiết thân của địa phương, trước sự phản bác của Nguyễn Văn Linh, một Tổng bí thư lãnh đạo cải cách vì sợ mất chủ nghĩa xã hội.[15] Có lẽ đây là đóng góp duy nhất về cải cách của ông Đỗ Mười, còn sau đó thì ông ta tiếp tục quán tính bảo thủ là chính. Chuyện như đùa nhưng là thật. Thật đến mức nào thì lịch sử sẽ làm sáng tỏ. Nhưng chính vì sự thay đổi này mà kinh tế phát triển vượt bậc từ 1989 đến 1997. Quyền thu thuế sau đó cũng được tập trung vào Bộ Tài chính với các bộ phận như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tại trung ương và Cục thuế tại các tỉnh theo luật Ngân sách ra đời năm 1996. Chính sự tập trung tài chính này, và sau đó được phân phối trở lại cách tỉnh yếu kém, đã tạo nên sức mạnh của nền kinh tế.
3. Sự thoái trào của chủ nghĩa công thần?
Thời kỳ sau Đại hội 7 là thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ mà có người đã gọi là “thời hoàng kim” của đổi mới, với sự cổ võ nhiệt tình cho việc mở rộng cánh cửa giao lưu với nước ngoài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tất nhiên cũng gặp phản ứng mạnh từ những công thần lo sợ “diễn biến hoà bình”, thực chất là lo sợ Mỹ lật đổ chế độ. Xung đột ý kiến giữa các “công thần” của chế độ lên cao điểm ở Đại hôi 8 và sau đó. Chữ “công thần”, được dân gian sử dụng, có thể bắt nguồn từ chữ “khai quốc công thần” tức là những người có công lớn, đóng góp vào việc dựng lên một triều đại và sau đó lạm dụng quyền thế. Từ này, vừa qua, ám chỉ những người dùng ảnh hưởng chính trị và tổ chức nhằm xếp đặt người thân cận vào những vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, và sẵn sàng vận động chặn đứng đổi mới. Vấn đề công thần như một ý niệm mang tính khái quát thật ra không chỉ là hiện tượng đặc biệt ở Việt Nam mà là hiện tượng phổ biến ở các nước có đảng cộng sản lãnh đạo, cùng với quán tính bảo vệ ghế lãnh đạo suốt đời trước đây, và tìm cách duy trì ảnh hưởng sau khi về hưu thời gian gần đây. Ông Võ Văn Kiệt, có lẽ cũng không thoát khỏi quán tính đó, trong thư góp ý với Đại hội đã diễn giải nó như là tình trạng một số lãnh đạo không còn tại chức muốn tiếp tục xác quyết cái “uy” của mình nhằm tạo ảnh hưởng vượt khỏi sự bàn bạc và quyết định tập thể. Tất nhiên sẽ có tình trạng sử dụng “uy” của công thần này để chống lại “uy” của công thần khác. Lạm dụng quyền uy như thế, nhất là nhằm triệt hạ uy tín của các đại công thần khác, như trường hợp xảy ra cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tất nhiên gặp sự phản ứng của các công thần khác, nhất là của hàng triệu công thần bình thường khác, trong đảng và ngoài đảng, đã tham gia vào hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Phân tích này cũng cho thấy là uy công thần sẽ phải đến hồi kết thúc bởi vì thời thế tạo ra những người có công lớn đến mức đạt được thế công thần sẽ không còn.
Vai trò của địa phương tăng nhưng vẫn chưa đủ sức mạnh để chấm dứt được vai trò quyết định của “một số cá nhân” thường được dư luận gọi là “công thần” trong Bộ Chính trị và ngay cả khi họ không còn ở trong Bộ Chính trị. Trên ý niệm khái quát trên, ảnh hưởng của vài cá nhân tiếp tục tăng tới đỉnh điểm ở Đại hội 8 (1996). Do vậy, đây là lần đầu tiên chức Tổng bí thư của Lê Khả Phiêu không được bầu ngay tại Đại hội mà được các công thần dàn xếp sau đó, với danh nghĩa Ban Chấp hành Trung ương bầu năm 1997. Khi ba vị công thần trong Ban Cố vấn là Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt còn ngồi đó, Lê Khả Phiêu không khác gì một nhà lãnh đạo bị trói tay, lại phải đối phó với nền kinh tế bắt đầu gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính ở Á châu năm 1997, đưa đến tình trạng số lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm hẳn. Lê Khả Phiêu là một người không có kinh nghiệm gì về kinh tế và hành chính mà chỉ là một thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một chính trị viên được đánh giá là trong sạch. Sự xuất hiện của Lê Khả Phiêu có vài lý do: (a) sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đòi hỏi một người trung thành và cứng rắn, (b) Nông thôn và Tây nguyên nổ ra những cuộc biểu tình phản đối việc chiếm đoạt đất đai và nạn tham nhũng ngày càng tràn lan.
Vào thời điểm 1997, tác dụng tích cực lúc đầu của chính sách tự do giá cả lương thực và sự xoá bỏ các hợp tác xã của đổi mới không còn nữa. Không những thế đời sống nông thôn ngày càng thấp kém so với thành phố vì đầu tư của nhà nước và của nước ngoài chỉ tập trung vào thành phố. Thêm vào đó là quyền hành không kiềm chế của Đảng và chính quyền địa phương được mở rộng trong thời trước đổi mới đưa đến việc thao túng quyền lực như tự “làm thuế” ở địa phương, áp dụng lao động cưỡng bách, cùng với việc đòi nhân dân đóng góp quá đáng để xây đường, làm đường tải điện (như ở Thái bình mỗi cá nhân bị ép đóng góp lên tới 200 ngàn đồng theo giá thời điểm 1997) nhưng lại bị tham ô đục khoét. Các cuộc biểu tình của nông dân xảy ra khắp nơi, cao điểm nhất là cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình vào tháng 4 và tháng 7 năm 1997, mở rộng đến 128 làng ở 6 trong 7 huyện.[16] Theo báo Nhân Dân (6/11/1992), từ 1988 đến 1992 có 50 vụ xung đột nghiêm trọng phản đối việc phân chia ruộng đất không bình đẳng. Kết quả của các cuộc biểu tình này là sự tham gia phản kháng của một số người, trong đó có tướng Trần Độ.[17]
Thay vì đặt vấn đề phát triển cả kinh tế lẫn cải cách bộ máy nhà nước để chống tham nhũng là mục tiêu đồng thời, Lê Khả Phiêu lại chỉ đưa chủ trương chống tham nhũng với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) năm 1999 và tỏ thái độ nghi ngờ Tây phương và lực lượng “diễn biến hoà bình” cả trong và ngoài nước. Nghị quyết này không đả động gì đến việc cải cách thể chế quyền lực theo hướng phân quyền, kiểm soát và cân bằng quyền lực trong hệ thống Đảng và nhà nước để chống tham nhũng. Chỉ mới đây ông ta mới than phiền là Đảng “chưa xây dựng được thiết chế để nhân dân tham gia giám sát đảng viên và giám sát Đảng…Rồi toàn Đảng giám sát Trung ương. Trung ương giám sát Bộ Chính trị ra sao?”.[18] Thời gian đó một số người liên quan đến tham nhũng bị phê phán như ủy viên trung ương, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc, ủy viên trung ương và Thống đốc ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm; hai bí thư tỉnh ủy (trong đó có tỉnh Thái Bình) bị cách chức. Ngoài ra là các vụ Tân Trường Sanh (1999), Minh Phụng EPCO (2000) và hàng loạt đảng viên cấp cao bị lật tẩy ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài phỏng vấn nhắc đến ở trên Lê Khả Phiêu kể rằng “khi tôi còn làm TBT, có anh mang đến 5.000USD, tôi gọi anh Trần Đình Hoan lúc đó là Chánh văn phòng Trung ương lên, ghi biên bản. Tôi không muốn đưa ra công khai việc này nhưng muốn cảnh cáo người mang tiền đến xem anh đưa mấy nghìn USD để làm gì, có phải để chạy chức, chạy quyền không. Không phải ít những trường hợp như vậy đâu.” Tiền hối lộ tận tay mà không đưa ra công khai thì đúng là người lãnh đạo cao nhất cũng còn không áp dụng theo tinh thần luật pháp. Khi Lê Khả Phiêu, người cổ võ chống tham nhũng mất chức, tham nhũng được thể tiến tới, thậm chí dư luận phổ biến trong quan chức cho rằng đó là “chất nhờn” cần thiết cho bộ máy Nhà nước. Xì căng đan PMU18 trước Đại hội 10 (2006) là dễ hiểu.
Có nhiều lý do được giới quan sát nước ngoài,[19] do ảnh hưỏng bởi tin đồn từ những người chống Lê Khả Phiêu, đưa ra giải thích để sự mất chức của Lê Khả Phiêu như việc dùng Cục An ninh Quân đội để theo dõi hoạt động của các ủy viên Bộ Chính trị, việc bị kết án bởi những tin đồn là nhượng đất cho Trung Quốc, việc tiến cử người cùng quê Thanh Hoá và ý muốn kết hợp chức Tổng bí thư với chức Chủ tịch nước. Tất nhiên cũng có tin đồn ngược lại là Lê Khả Phiêu dùng bộ phận A10 để điều tra của cải đặc biệt của gia đình các công thần. Sự thật như thế nào thì phải đợi các sử gia sau này trả lời. Lê Khả Phiêu bị thay thế trong Đại hội Đảng năm 2001 và người thay thế là Nông Đức Mạnh, lần này được bầu trong Đại hội.
Ở Đại hội 8 năm 1996, Bộ Chính trị vẫn không giải quyết được vấn đề lãnh đạo cao cấp như một tập thể, điều này thể hiện rõ nhất qua việc các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt bị áp lực về hưu một năm sau đại hội (lần đầu tiên xảy ra) để nhường chức cho ông Lê Khả Phiêu lên nắm chức Tổng bí thư vào cuối năm 1997. Dù về hưu, ba vị trong Ban Cố vấn, những nhân vật chủ chốt trong Bộ Chính trị cũ, vẫn tìm cách khống chế Tổng bí thư. Cuộc tranh dành ảnh hưởng này đưa đến việc ông Lê Khả Phiêu bị loại ở Đại hội 9 vào năm 2001 và ông Nông Đức Mạnh lên thay thế. Sự việc này đánh dấu sự suy yếu thực quyền của Bộ Chính trị.
Chống tham nhũng thất bại bởi vì tham nhũng không phải chỉ do người có quyền tạo ra mà còn do cơ chế và chính sách. Chống tham nhũng chí ít đòi hỏi việc bảo đảm hoạt động dân chủ trong trong quá trình đổi mới cơ chế và chính sách. Điều này sẽ được phân tích thêm ở Phần II.
Kết quả Đại hội 10 (2006) cho thấy vai trò nòng cốt của địa phương. Trong 64 tỉnh thì Bí thư Tỉnh ủy của 63 tỉnh trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và riêng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi tỉnh còn được thêm 1 ghế nữa. Số ghế dành cho địa phương như vậy chiếm 40% tổng số ghế Ban Chấp hành Trung ương, số ghế quan trọng thứ hai là 28 ghế dành cho đầu não trong hệ thống hành chính như các bộ ngành trung ương, rồi đến Quân đội dành được 18 ghế, Công an 7 ghế; tổng số này có thể chiếm 40% ghế Ban Chấp hành Trung ương. Các đoàn thể mặt trận, phụ nữ, lao động, đoàn thể quần chúng khác, đại biểu chuyên biệt trong quốc hội chỉ chiếm khoảng 20%. Vai trò địa phương này đối với sự phát triển của kinh tế và xã hội thật sự là điều cần thiết cho dân chủ nhằm phát triển tính năng động và cạnh tranh trong quá trình phát triển, miễn rằng nền tài chính quốc gia và tiền tệ được quản lý tập trung và thống nhất và luật pháp quốc gia được tôn trọng. Vấn đề địa phương hoá Đảng đặt ra câu hỏi mới: cái gì về dài lâu làm hệ thống Đảng gắn kết với nhau ngoài mục tiêu tiếp tục nắm chính quyền?
4. Sự chuyển hướng triệt để trong mục tiêu phát triển của Đảng
Các Đại hội Đảng trước đây còn xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong Đảng. Đại hội 10 (2006) về thực chất bỏ hẳn mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa theo nghĩa một Nhà nước Cộng sản, không có giai cấp, qua việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, việc chấp nhận mọi thành phần kinh tế, và việc cho rằng Đảng là của tất cả mọi người lao động, Đại hội Đảng 2006 đã đánh dấu một cách dứt điểm sự chuyển hướng mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng đã rũ bỏ vai trò làm cách mạng chuyên nghiệp dưới sự lãnh đạo của thành phần ưu tú nhất trong Đảng sang một Đảng chính trị thuần túy trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đảng ngày càng mang tính chất đại diện địa phương, thành phần xã hội và cơ quan hành chính, cơ bản là từ dưới cử lên. Chỗ ngồi lãnh đạo địa phương và ngành nghề đã được định sẵn từ vòng bỏ phiếu ở đại hội cấp dưới trước Đại hội toàn Đảng. Thậm chí việc bầu người vào Ban Chấp hành Trung ương xảy ra trước khi Đại hội bàn về phương hướng và chính sách của Đảng. Tinh thần và mục tiêu cách mạng, tính ưu tú và tầm nhìn chiến lược gần như không còn chỗ đứng. Trước Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương cũ đã sắp đặt sẵn hoặc chấp nhận tính đại diện hành chính đã được địa phương sắp đặt sẵn. Trong Đại hội, gần như chỉ có 2 người được sắp đặt sẵn không trúng cử vì có vấn đề.
Đến Đại hội 10, vai trò và ảnh hưởng của các công thần không còn mang tính quyết định. Điển hình là quan điểm thủ cựu giáo điều của một số công thần dùng chiêu bài chống diễn biến hoà bình và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê đến cùng (được đăng tải rộng rãi trên báo chí) đã không còn được chấp nhận. Đảng đã chấp nhận cho việc đảng viên làm nhà tư bản, và chấp nhận xem xét, bổ sung và sửa đổi các tín điều của chủ nghĩa. (Sẽ bàn thêm ở phần sau). Qua đó cũng thấy các công thần đã mất khả năng điều động Ban Chấp hành Trung ương và xã hội một cách toàn diện như trước đây, do đó cũng mở ra cơ hội cho phép Bộ Chính trị hoạt động trong tương lai theo nguyên tắc tập thể cá nhân phụ trách.[20] Võ Văn Kiệt cho rằng Bộ Chính trị không phải là cấp trên của Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng trên thực tế Bộ Chính trị chỉ có sức mạnh nếu như nó dám lấy quyết định dựa vào phương hướng mà Ban Chấp hành Trung ương đề ra. Về thực tế, theo tác giả nghĩ, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục mang tính đại diện địa phương và ngành nghề, do đó thành viên Bộ Chính trị phải vượt lên trên tính địa phương và chuyên ngành, phải là trí tuệ ưu tú, mang tầm nhìn chiến lược cho toàn quốc gia, đặt lợi ích toàn thể trên lợi ích cục bộ thì Đảng mới tạo được sức mạnh, mới đóng nổi vai trò lãnh đạo trong giai đoạn tới. Người ta có cảm tưởng thành viên Bộ Chính trị vẫn chỉ gồm những người dĩ hoà vi quí để không mất lòng ai. Chỉ trích của Võ Văn Kiệt nói chung là đúng đắn, nhưng về thực tế cái gút của vấn đề là Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương sẽ chỉ đóng vài trò bổ nhiệm những người ưu tú vào Bộ Chính trị và kiểm soát Bộ Chính trị. Tất nhiên cũng phải cần cơ chế kiểm soát Ban Chấp hành Trung Ương.
Đại hội 10 cũng đánh dấu một điểm thay đổi nhỏ khác mà nếu phát huy đúng sẽ mang lại sự cân bằng cần thiết về quyền lực: đó là lần thứ hai Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Nguyễn Văn Chi, là một ủy viên Bộ Chính trị. (Trước đây, bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ cũng là Uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng rõ ràng là vai trò của Ban Kiểm tra Trung ương đã không được đặt đúng mức vì bà không được coi là người có vị thế mạnh). Điều này xảy ra có lẽ là do sự nổi cộm của vụ tham nhũng PMU18. Trước đây Ban Kiểm tra Trung ương chỉ gồm những người trong Trung ương. Để tạo được tính độc lập của Ban Kiểm tra Trung ương, Sơ đồ 1 cho thấy ít nhất Ban này phải do Đại hội trực tiếp bầu ra thì mới có đủ tư cách độc lập để kiểm tra Đảng.
Có thể tóm lược một số chuyển biến quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện rõ ràng hơn trong Báo cáo chính trị ở Đại hội, nhưng lại không được thể hiện trong Điều lệ Đảng.[21] Điều này có thể trong tương lai đưa đến việc diễn giải của đảng viên khác nhau, một đàng dùng Báo cáo và một đàng dùng Điều lệ, nhưng cần để ý là Báo cáo không chỉ là tuyên ngôn với đảng viên mà còn là lời hứa với dân chúng, còn Điều lệ chủ yếu dành cho đảng viên:
Trong Báo cáo chính trị thì mục đích của Đảng đã thay đổi, trọng tâm đặt vào mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trong đó tư hữu được tôn trọng và mọi thành phần kinh tế kể cả tư bản tư nhân trong và ngoài nước được bảo vệ (đã có trong Hiến pháp 1992). Còn trong Điều lệ mới, thì vẫn xác định mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản, tức là xoá bỏ giai cấp, xoá bỏ quyền tư hữu: "Mục đích của Ðảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản."
Báo cáo chính trị đã được thông qua trong Đại hội 10 (2006), đã có những thay đổi quan trọng như sau:[22]
đảng viên được quyền làm nhà tư sản không hạn chế về mức độ. Điều này phản ánh qua câu viết trong Báo cáo: "Đảng ta chủ trương: đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương." Điều lệ mới của Đảng hoàn toàn không nhắc đến chủ trương này.
đảng viên là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc." Tuy nhiên trong Điều lệ mới, Điều 1.1 vẫn giữ nguyên việc coi đảng viên là các chiến sĩ cách mạng như cũ: "Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam..."
Báo cáo chính trị viết: “xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh” một cách mơ hồ nhưng đã bỏ nhóm chữ “kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin ”[23] mà sẵn sàng xét lại, bổ sung và sửa đổi bằng cách “tiếp thu kết quả tổng kết 20 năm đổi mới, các công trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng để xem xét, bổ sung, sửa đổi một số điểm cần thiết, chín muồi.” Điều này mở cửa cho sự phát huy trí tuệ, giảm sự trói buộc của kinh điển giáo điều, vượt cả những điểm viết trong Dự thảo Báo cáo: “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra.”[24]
Các nhà lãnh đạo Đảng công thần đã và sẽ không còn ảnh hưởng quyết định như trước kia.
Các nhà lãnh đạo Đảng hiện nay và tương lai cũng chỉ là những người lớn lên như bất cứ một người Việt Nam nào khác. Vai trò lãnh đạo sẽ không được xây dựng trên sự hy sinh và cũng không bị đòi hỏi hy sinh như thời chiến tranh. Ngược lại, chính ở vai trò lãnh đạo mà họ có thể có quyền lực thu vén lợi ích cá nhân và gia đình nếu không có hệ thống kiểm sát và cân bằng quyền lực.
Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục gồm những đại diện của địa phương và thành phần xã hội.
Dù xã hội thay đổi có tính triệt để như thế, nhưng trước mắt Đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất ở Việt Nam lãnh đạo nhà nước, và do đó có quyền cử người, chủ yếu là đảng viên, vào tất cả các chức vụ của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như chức vụ lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh, tạo ra khả năng gắn kết giữa tiền và quyền lực. Chính vì thế mà việc kiểm tra sự trong sạch của đảng viên và việc cải cách bộ máy để thực hiện điều này là điều cần thiết hơn bao giờ hết.[25] Đòi hỏi của khách quan là một thể chế kiểm soát và cân bằng quyền lực chứ không phải là phê bình tự phê bình.
5. Sự tăng cường quyền lực của Quốc hội
Trước đây, Quốc hội chỉ là nơi quán triệt quyết định của Đảng và chỉ có tính nghi lễ. Từ Đại hội 8 (1996), khi vai trò của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu yếu thế thì vai trò của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh trở nên mạnh hơn trước. Ít nhất là có một lần Quốc hội đã dùng quyền ghi trong Hiến pháp 1992 bác bỏ ứng cử viên Cao Sĩ Kiêm (một ủy viên trung ương) vào chức vụ Thống đốc Ngân hàng theo đề nghị của Thủ tướng Phan Văn Khải. Quốc hội cũng đã bắt đầu có những buổi chất vấn Bộ trưởng, rồi phát hình cho quần chúng xem. Vai trò của Quốc hội được nâng cao hơn thời kỳ sau Đại hội 9 (2001) khi Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư và Nguyễn Văn An làm chủ tịch Quốc hội. Quốc hội đã có đại biểu chuyên trách, khoảng 20% số đại biểu, thay vì kiêm nhiệm như vừa làm bí thư, chủ tịch tỉnh, hoặc bộ trưởng vừa làm đại biểu quốc hội. Những chất vấn đã có nội dung hơn nhưng vẫn chưa đạt được phẩm chất của những buổi chất vấn được tổ chức công khai, kéo dài nhiều ngày nếu cần như ở các nước phương Tây. Các buổi chất vấn của Quốc hội thiếu tính chuyên nghiệp vì chỉ xảy ra trong các hai kỳ họp thường xuyên hàng năm của Quốc hội với thời gian ít ỏi và thiếu chuẩn bị của những người hỏi không chuyên nghiệp.
Dù sao ở một nước độc đảng, diễn biến ở Việt Nam cho thấy Quốc hội vẫn có thể trở thành một cơ quan đối trọng quan trọng với cơ quan hành pháp và Đảng, đóng góp vào việc mở rộng dân chủ và làm giảm bớt tham nhũng và lạm quyền trong bộ máy nhà nước và Đảng, và tính đối trọng này sẽ mạnh hơn nếu Quốc hội chỉ gồm các nghị sĩ chuyên nghiệp, được dân chúng chọn lựa. Lý thuyết cân bằng quyền lực vẫn có thể thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự tự phát xử dụng quyền lực Quốc hội Việt Nam theo Hiến pháp trong thời gian qua cho thấy bản thân xã hội đã ngầm bày tỏ nhu cầu này.
Vai trò đối trọng trong hệ thống chính trị và quá trình dân chủ hoá vẫn còn thuộc về tương lai vì mặc dù Hiến pháp bảo vệ quyền ứng cử của dân chúng nhưng Luật Bầu cử thì vi hiến rõ rệt. Theo Luật Bầu cử, người tự ứng cử chỉ được đưa vào danh sách ứng cử nếu như “hội nghị cử tri” ở cơ quan, tổ chức và nơi ứng cử viên cư trú đồng ý. Điều 37 và 39 trong Luật Bầu cử đề ra cơ chế nhằm loại trừ những người tự ứng cử. “Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức…dự kiến …danh sách sơ bộ những ứng cử người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến ở nơi cư trú” (Điều 37, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội) “chiếu theo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của Hội nghị.” (Điều 39, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội). Chính Luật Bầu cử này cho phép Đảng loại trừ bất cứ ai tự ứng cử mà họ không chấp nhận vì cái gọi là hội nghị cử tri có thể được dùng làm biện pháp loại trừ ứng cử viên. Việc xoá bỏ điều vi hiến này có thể là biện pháp nâng cao tính đại diện của Quốc hội Việt Nam. Nếu chỉ muốn giảm số ứng cử viên thì một số nước đã thực hiện theo hai cách sau: a) người ứng cử là đại biểu của đảng chính thống với số đảng viên đạt được một tỷ lệ nhất định so với số dân, b) người ứng cử phải tự lấy được một tỷ lệ chữ ký nhất định của cử tri trong khu vực mình ứng cử.
Sơ đồ 2: Tổ chức nhà nước
Sơ đồ 2 cho thấy tổ chức Nhà nước hiện nay. Vai trò của Quốc hội đã được Hiến pháp xác định rõ ràng trong việc bổ nhiệm và cách chức mọi thành viên trong chính phủ (Điều 84.7). Việc một số chức sắc cao cấp của nhà nước thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương thay vì thuộc quyền kiểm soát của Thủ tướng là sự hiểu ngầm giữa các đảng viên (hay do luật ngầm của Đảng), chứ bản thân Thủ tướng có toàn quyền hành động theo Hiến pháp (Điều 114.2), kể cả cách chức các chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh (Điều 114.3) cũng như đình chỉ các quyết định và nghị quyết của cấp dưới (Điều 114.4 và 114.5). Vấn đề trên bảo dưới không nghe chính là do Thủ tướng không dám thực hiện quyền được Hiến pháp giao. Ở địa phương, chính quyền cấp trên cũng có quyền như thế. Cái chưa được trong Hiến pháp là tính độc lập của Toà án Nhân dân Tối cao vì Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu và miễn nhiệm. Hai người, chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, theo Hiến pháp lại có quyền bổ nhiệm tất cả các thành viên ở cấp địa phương. Quyền hạn có vẻ lớn nhưng hiện nay thì chắc là mọi quyết định đều phải có sự đồng ý của bí thư tỉnh. Tuy nhiên cũng như Quốc hội và Thủ tướng, quyền hành của hai cơ quan này không đến nỗi hạn chế nếu bản thân người lãnh đạo dám sử dụng quyền hạn của mình.
6. Vài nhận định về chuyển biến của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam sau 1975
Bất cứ một kết luận cũng sẽ có người phản bác, tuy nhiên một bài nghiên cứu về chuyển biến, dù ở dạng rất thô sơ, cũng không thể không đưa ra một số nhận định. Nhận định có thể sơ lược như sau:
Khoá 4 và 5 (1975, 1982) thời Lê Duẩn: Áp đặt chính trị và kinh tế toàn trị một cách duy ý chí trong cả nước theo mẫu hình chủ nghĩa xã hội đã có mặt trên nhiều nước trên thế giới, bất chấp hoặc không nắm bắt được những chuyển biến trong tình hình thế giới. Kinh tế Việt Nam suy thoái, xã hội mất niềm tin.
Khoá 6 (1986) thời Nguyễn Văn Linh: Khoá 6 có các đặc điểm: mở rộng quyền tự chủ trong sản xuất ở trong nước, còn bên ngoài, chủ nghĩa toàn trị sụp đổ một mảng lớn khi sự đổi mới về tư tưởng do sự phá sản của đường lối cũ không thành công ở Đông Âu và đặc biệt ở Liên Xô, hai năm đầu (1987 và 1988). Trước tình hình đó, từ mùa hè 1989, có sự co cụm và siết chặt trở lại. “Ổn định” bằng mọi giá, chống “diễn biến hoà bình” bắt đầu từ đó.
Khoá 7 (1991) thời Đỗ Mười: Đổi mới khá triệt để qua việc chấp nhận kinh tế thị trường, mặc dù chính sách toàn trị trong chính trị vẫn tiếp tục. Kinh tế phát triển mạnh nhờ đổi mới kinh tế và đầu tư nước ngoài. Mâu thuẫn trong nội bộ giữa ý hướng phát triển kinh tế và chống diễn biến hoà bình. Hai năm 1990-1991 là cao điểm thời chống diễn biến hoà bình trong đó có việc đề nghị với Trung Quốc giải pháp “đỏ” ở Cam-pu-chia mà Trung Quốc không đồng ý và Cam-pu-chia phản đối (coi thêm Hồi ký Trần Quang Cơ, nguồn ở ghi chú 5).
Khoá 8 (1996) thời Lê Khả Phiêu (Đỗ Mười làm phần đầu khoá, Lê Khả Phiêu chỉ phần sau khoá này): : Nêu cao khẩu hiệu chống tham nhũng, chống diễn biến hoà bình, nhưng bỏ quên các biện pháp cần thiết nhằm tăng đầu tư của tư nhân trong nước và làm giảm bớt ảnh hưởng của việc giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, một phần do suy thoái của khu vực vì khủng hoảng tài chính ở Á châu năm 1997 nhưng phần chính là do cải cách đã không tiến thêm được bước nào đáng kể nên không đáp ứng được sự mong đợi của tư bản tư nhân trong nước và nước ngoài.
Khoá 9 (2001) thời Nông Đức Mạnh kỳ 1: Tập trung trở lại việc đổi mới chính sách kinh tế nhằm vực dậy sức phát triển kinh tế. Đảng hoá chính quyền, chất lượng lãnh đạo giảm sút (theo đánh giá của Võ Văn Kiệt)[26] vì quyền lực dựa vào “cơ cấu”, “quan hệ”, “dĩ hoà vi quí”. Tham nhũng phát triển ở mức cao chưa từng thấy. Chính vì bức xúc chống tham nhũng mà vai trò đối trọng của Quốc hội có dịp phát triển, có thể nói là tự phát.
Khoá 10 (2006) thời Nông Đức Mạnh kỳ 2: Xoá bỏ tính chất “cách mạng” của Đảng về danh nghĩa, cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân và cho phép xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Cái cần được đặt ra là liệu thể chế có thể dân chủ hơn không và Quốc hội có thể tăng cường quyền lực của mình hơn không? Và liệu những phát triển trên vẫn mang tính tự phát hay do Đảng chủ động thực hiện?
Các khoá tới: Câu hỏi liên quan vẫn là liệu Đảng có thể chủ động đi vào hướng cải cách thể chế nhằm tạo cạnh tranh trong Đảng, giữa các nhóm chủ trương chính sách khác nhau, trong việc nắm chính quyền (chức Thủ tướng và các Bộ)? Câu hỏi quan trọng này được đặt trong bối cảnh mục tiêu xã hội của Đảng đã thay đổi, do đó nhu cầu ổn định xã hội đòi hỏi sự đồng thuận chứ không phải là sự đoàn kết nhất trí của thời chiến tranh và cách mạng.
PHẦN II
THỬ TÌM MÔ HÌNH VIỆT NAM NHƯ MỘT MÔ HÌNH CHÍNH TRỊ
VÀ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NHẰM GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN XÃ HỘI:
VẤN ĐỀ CHỐNG THAM NHŨNG
Điều không ai nghi ngờ là tham nhũng là con đẻ của một hệ thống nhà nước mà ở đó quyền lực không minh bạch, trách nhiệm không rõ ràng, và lại không được kiểm sát, và hạn chế; và ở đó xã hội công dân bị kềm kẹp, không thể phát triển để người dân tự bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng chính tình trạng tham nhũng ngày càng cao đã đòi hỏi sự cải cách thể chế một cách chủ động hơn trước đây, quan trọng nhất là xác định các khâu cốt lõi để đổi mới: đó là xác định một hệ thống nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc phân quyền có tính độc lập, kiểm sát lẫn nhau và một hệ thống lương hợp lý. Nhưng để tìm hiểu về khả năng chống tham nhũng ta cần thiết phải phân tích Việt Nam như một mô hình chính trị trong dạng chuyển tiếp. Cải cách như thế nào? Có thể nghĩ về Việt Nam như một mô hình chính trị ở trong dạng chuyển tiếp, dân chủ với những hạn chế nhất định nhưng có khả năng chống tham nhũng?
1. Về sự chuyển động ra khỏi mô hình toàn trị ở Việt Nam
Người ta có thể dễ dàng đi đến kết luận là hệ thống hay mô hình độc Đảng tất dẫn đến tham nhũng. Nhưng điều này thì Singapore hiện nay hay chế độ quân phiệt Park Chung Hee ở Nam Triều Tiên trước đây là hai thí dụ phản bác. Hai chế độ này rất ít tham nhũng vì mục tiêu của những người lãnh đạo là vì sự phát triển đất nước họ chứ không chỉ vì mục đích nắm giữ quyền lực cho cá nhân để trục lợi cho bản thân, gia đình và phe phái do đó họ chủ động thiết lập hệ thống, cơ cấu nhà nước và luật pháp nhằm tích cực chống tham nhũng. Cái chính không phải là chỉ có cá nhân lãnh đạo đứng ra chống tham nhũng và bảo đảm công lý. Điều quan trọng là có hệ thống và cơ cấu được thiết chế để làm những chuyện này, để rồi khi cá nhân lãnh đạo không còn ngồi ghế thì hệ thống, cơ cấu và luật pháp vẫn còn đó. Nhưng tất nhiên nó phải bắt đầu từ người hay nhóm lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.
Sơ đồ 3. Phân loại các mô hình toàn trị và độc quyền
Cá nhân tự do kinh doanh
Cá nhân không tự do kinh doanh
Tôn giáo
Có chọn lựa
Mô hình xã hội dân sự: Hầu hết các nước nằm ở mô hình này
Không có chọn lựa
Mô hình toàn trị tôn giáo: Iran, Saudi Arabia
Ý thức hệ
Có chọn lựa
Không có chọn lựa
Mô hình độc đảng: Singapore, Trung quốc, Việt Nam hiện nay và Đài Loan trước đây. Tất nhiên có sự khác biệt giữa các nước này về mô hình độc đảng.
Mô hình toàn trị ý thức hệ: Các nước cộng sản trước đây và các triều đại theo ý thức hệ Khổng tử trước đây nằm ở mô hình này
Độc tài cá nhân
Mô hình độc tài cá nhân: Nam Hàn thời Park Chung Hee
Chú thích: Mục đích của sơ đồ là làm rõ điều tác giả muốn trình bày
chứ không nhằm bàn sâu vào các dạng thức mô hình toàn trị và độc tài.
Tuy nhiên vẫn sẽ có người phản bác lại “phản bác” trên và cho rằng không thể đánh đồng một chế độ độc tài với một chế độ toàn trị. Chế độ độc tài có thể là độc tài của một người như Park Chung Hee hoặc của một đảng như Đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party) của Singapore chỉ nhằm nắm quyền chính trị; chúng không nhằm xây dựng con người và tư tưởng con người theo một khuôn mẫu lý thuyết đã định sẵn do đó chúng không xâm phạm vào đời sống từng người, từng gia đình nhằm uốn nắn tư tưởng và hành động của họ theo khuôn mẫu đã định sẵn. Trái lại, chế độ toàn trị có mục tiêu nắm, nặn và sắp xếp mọi hoạt động của con người từ tư tưởng, tôn giáo, đời sống xã hội, và có thể bao trùm cả đến cả chính trị lẫn kinh tế. Chế độ toàn trị của Liên Xô trước đây (ở đây tác giả tránh bàn về lý do tại sao một chủ nghĩa với mục tiêu cao đẹp nhằm giải phóng con người của Marx, khi ghép vào một đảng cầm quyền, lại trở nên toàn trị) và chế độ toàn trị ở Iran hiện nay khá giống nhau trên nhiều mặt, đặc biệt là mục tiêu áp đặt một ý thức hệ/giáo lý có tính toàn diện trên toàn xã hội do đó con người sống trong đó cảm thấy bị bức bách, mất tự do, không thể chủ động trong sáng tạo. Tuy nhiên có một sự khác biệt quan trọng là Iran cho phép tự do kinh doanh thì chế độ toàn trị của Liên Xô lại khác hẳn vì ở đó mọi hoạt động kinh tế, cung cấp việc làm cũng là do nhà nước quyết định, do đó mà người dân bị kìm cặp một cách ghê gớm hơn, phải giả vờ chấp nhận chế độ để có việc làm kiếm cơm. Vì phải lợi dụng mọi lỗ hổng để thoát gọng kìm, bệnh giả dối, không trung thực, sống hai mặt là những biểu hiện phổ biến.
Dựa vào phân loại trong sơ đồ 3 thì có thể nói xã hội Việt Nam đã thoát khỏi mô hình toàn trị, bởi hai lý do: người dân đã có quyền tự do làm ăn, có quyền tư hữu và dù về mặt chính thống, chỉ có một ý thức hệ được công nhận nhưng đã thoát khỏi cảnh mọi phát biểu, chữ viết không những phải đắn đo mà còn phải theo khuôn khổ mà Đảng và nhà nước quyết định nếu không, thân nhân có thể bị coi là "kẻ thù của giai cấp, của chế độ", có thể bị tù tội, hoặc ít nhất là mất việc, hoặc không thể kiếm được việc làm, sống bên lề xã hội và con cái cũng bị rơi vào vòng bị phân biệt đối xử. Ở Việt Nam công bình mà nói, nhà nước không còn dùng đủ mọi thủ đoạn để hạn chế hoạt động tín ngưỡng như trước đây và người dân cũng đã có quyền có niềm tin tôn giáo, quyền ăn nói riêng tư với nhau, không sợ bị trừng phạt chỉ vì lời báo cáo của kẻ khác, và quyền này cũng thể hiện cả trên báo chí ở một mức nhất định.
Sự chuyển động trong xã hội Việt Nam từ 1975 như đã trình bày ở Phần I cho thấy Việt Nam đang trên quá trình thoát khỏi sự áp đặt về tư tưởng chủ đạo trên mọi người dân: họ không còn bị cầm tù chỉ vì việc từ chối chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lê, và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chấp nhận tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường mà bản thân đảng viên cũng có quyền “bóc lột thặng dư.” Hơn nữa như cũng đã trình bày ở phần I, Đảng đã mở cửa cho việc “xem xét, bổ sung, sửa đổi” chủ nghĩa Mác-Lê. Tất nhiên là còn sót lại điều nọ điều kia từ quá khứ nhưng có thể nói chế độ toàn trị về cơ bản đã bị khai tử ở Việt Nam. Nó đang tiến đến chế độ độc tài như ở Nam Triều Tiên trước kia và Singapore hiện nay. Nhưng khác với Nam Triều Tiên, và rất giống Singapore, độc tài ở Việt Nam không phải là độc tài cá nhân mà là độc tài của một đảng. Singapore chống được tham nhũng vì họ tôn trọng luật pháp và sự phân quyền trong hệ thống nhà nước, đặc biệt là tôn trọng tính độc lập của toà án, nhưng loại trừ quyền tự do hoạt động chính trị. Gọi là độc tài vì đảng cầm quyền ở Singapore sẵn sàng mạnh tay đàn áp các hoạt động chính trị chống đối bằng luật pháp mà chính đảng này viết ra.
2. Về khả năng phân quyền trong cơ cấu quyền lực nhà nước ở Việt Nam
Quá trình chuyển đổi ở Việt Nam đã làm yếu thế quyền độc tôn của Đảng và tăng cường quyền lực của nhà nước. Điều này trong thời gian qua đã thể hiện quan trọng nhất ở chiều hướng cai trị bằng luật pháp, thay vì bằng quyết định của Đảng. Nhiều bộ luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đã ra đời như luật hình sự, luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật nhà ở, luật đất đai, luật đầu tư, v.v. Tuy nhiên việc xác định thế nào là nhà nước pháp quyền thì còn chưa rõ. Nhà nước pháp quyền có thể hiểu là nhà nước cai trị bằng pháp luật và chỉ bằng pháp luật, ở đó Hiến pháp được coi là tối cao và mọi luật lệ phải tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp. Hầu hết các nước đều viết Hiến pháp và luật pháp bằng văn bản, nhưng Anh là trường hợp ngoại lệ, họ theo truyền thống luật tập tục không thành văn (common laws), tức là làm theo và xử theo những gì trước đó đã được chấp nhận, tất nhiên không phải họ không có luật thành văn. Việc phân quyền trong một nhà nước pháp quyền là nhằm phân rạch ròi quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ yếu là lập pháp (làm luật), hành pháp (thi hành các quyết định của lập pháp và tư pháp) và tư pháp (toà án, diễn giải hiến pháp, luật và hướng dẫn thi hành luật).
Ở Việt Nam, vấn đề phân quyền chưa rạch ròi vì định nghĩa một nhà nước pháp quyền chưa rạch ròi. Lý do chính là quyền lực của Đảng đối với nhà nước chưa được xác định rạch ròi bằng luật pháp. Chỉ một câu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chưa đủ.
Điều lệ Đảng mới[27] viết là đảng viên phải chấp hành luật pháp nhà nước, nhưng trước tiên là Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết và chỉ thị của Đảng:
Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Ðảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Ðảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Ðảng. (Điều lệ Đảng, Điều 1.1)
Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Ðảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. (Điều lệ Đảng, Điều 41.4)
Đảng và luật pháp
Việc đòi hỏi đảng viên chấp hành quyết định của Đảng là điều đúng đắn, nhưng Hiến pháp và pháp luật phải được xem là ở cấp bực cao hơn thì mới thực sự phản ánh quan điểm của một nhà nước pháp quyền.[28] Như vậy ở đây đối với Đảng viên, Điều lệ Đảng có thể đưa tới tình trạng đặt việc chấp hành luật pháp nhà nước ở mức thấp hơn việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và các nghị quyết và chỉ thị của Đảng. Mâu thuẫn này cần phải được giải quyết về nguyên tắc trong một nhà nước pháp quyền. Giả thử Bộ chính trị, hoặc một bí thư đảng bộ địa phương nào đó quyết định không truy tố trước pháp luật một nhân vật quan trọng trong Đảng thì thử hỏi một viện trưởng Viện Kiểm sát trung ương (tức là công tố viện, một bộ phận của hành pháp) là một đảng viên sẽ phải làm gì: chấp nhận nghị quyết của (các cấp trong) Đảng hay thi hành nhiệm vụ bảo vệ luật pháp? Hay một ông quan toà có phải nhận và làm theo chỉ thị của đảng bộ toà án không? Ở Singapore thì mọi chuyện đã rõ: họ phải thực hiện pháp luật và xử lý theo luật pháp, còn ở Việt Nam cho đến nay có lẽ hầu hết là làm theo quyết định của cấp trên, trừ những trường hợp mà cấp trên nhận thấy không thể bước qua luật pháp vì sợ dư luận. Để chống tham nhũng, bảo vệ công lý, kỷ cương phép nước, Việt Nam cần có luật pháp minh bạch, xác định giới hạn quyền lực của nghị quyết và chỉ thị của Đảng: chẳng hạn phải coi là vi phạm pháp luật quyết định của Ban Kiểm tra trung ương Đảng (coi sơ đồ 1), nằm ngoài hệ thống nhà nước, không tố cáo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khi biết rõ ông này nhận phong bì quá lớn của địa phương và đi mua sừng tê giác (luật bảo vệ thiên nhiên đã cấm) bởi vì đây là những hành động có biểu hiện vi phạm pháp luật. Việc xét xem ông Lâm có vi phạm luật pháp hay không là thuộc quyền quyết định của toà án. Khi có biểu hiện vi phạm luật pháp thì hành pháp có nhiệm vụ điều tra và đem bằng chứng ra cho toà án xử.
Đảng và chính quyền (hành pháp)
Ở một cấp độ không kém quan trọng là việc thể hiện sự lãnh đạo của Đảng bằng các chỉ thị cách chức hoặc bổ nhiệm các chức vụ thuộc hệ thống nhà nước là thuộc quyền Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự hay Đảng ủy. Điều này tất nhiên làm bó tay quyền lực nhà nước, nhất là tính chuyên nghiệp của hệ thống công chức. Với hệ thống này, người lãnh đạo nhà nước không thể bị truy cứu trách nhiệm khi bản thân họ không có quyền bổ nhiệm và cách chức người dưới quyền. Hệ thống quyền lực nhà nước hiện nay do đó chỉ phản ánh sự phân công của Đảng, chứ không phải là dựa trên nguyên tắc căn bằng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp mà nhiều nước áp dụng. Báo cáo chính trị ở Đại hội 10 (2006) viết:
Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền. (Báo cáo chính trị ĐH 10)
Báo cáo này chưa thể hiện cách vận hành của một nhà nước pháp quyền tuy rằng cũng có điều mới là nói về cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền, nhưng quên nói về tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định chỉ đạo nhà nước của Đảng, chẳng hạn quyết định chỉ đạo làm chuyện bất hợp pháp như quyết định không cho truy tố ông Nguyễn Văn Lâm.
Lối ra
Trình bày trên cho thấy rằng quá trình chuyển đổi đã qua là sự phản tư dưới áp lực của xã hội vì tình trạng tham nhũng đã thâm nhập sâu và xa trong hệ thống Đảng và do đó chuyển đổi sắp tới sẽ là cuộc tranh đấu nội bộ trong Đảng, và giữa Đảng, Nhà nước và dư luận quần chúng về phân công hay phân quyền. Như đã trình bày ở Phần I, Quốc hội đã ngày càng tự xác lập quyền lực của mình và về mặt nguyên tắc thì Hiến pháp đã trao quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Toà án Tối cao bổ nhiệm và cách chức cấp dưới, cũng như thực thi pháp luật. Khó lòng tránh khỏi các cuộc đối đầu giữa những người được Quốc hội trao quyền và lãnh đạo Đảng về việc thực thi các quyền này.
Nhưng nếu như lãnh đạo Đảng nhận định rõ rằng việc phân quyền trong một nhà nước pháp quyền và việc coi chỉ thị của đảng phải nằm dưới tầm của luật là những đòi hỏi thiết thực của cuộc sống thì cuộc chuyển đổi sẽ dễ dàng và xã hội Việt Nam chắc sẽ nhanh chóng bước sang một thời kỳ tốt đẹp mới. Nói cách khác, mọi quyết định, chỉ thị của Đảng liên quan đến hoạt động của nhà nước phải phù hợp với Hiến pháp và luật pháp và sẽ không mang tính pháp lý nếu nó không trở thành pháp luật. Sự liên hệ giữa Đảng và chính quyền cần được luật pháp hoá, và từ đó xác lập rõ ràng hơn quyền lãnh đạo của Đảng và quyền dân làm chủ là ở đâu. Nói như trong bài của Cao Huy Thuần[29] lãnh đạo nên hiểu là quyền đề nghị, dù chỉ một đảng lãnh đạo cũng không sao, còn dân làm chủ là dân được quyền chọn lựa giữa các đề nghị. Các đề nghị của Đảng (người lãnh đạo trong chính quyền và chính sách của nhà nước) cần được minh bạch hoá để dân bàn bạc, tranh luận công khai qua diễn đàn quan trọng nhất là Quốc hội, các Hội đồng nhân dân và báo chí. Không thể chỉ Đảng mới có quyền bàn, đưa đến quyết định cuối cùng rồi đem cho dân "bầu" hoặc cơ quan nhà nước thông qua. Quyết định, chỉ thị của Đảng có ý nghĩa với đảng viên, nhưng chỉ mang tính đề nghị đối với dân, và nhà nước bao gồm quốc hội, chính quyền và hệ thống toà án.
3. Chuyển đổi tự phát và các chính sách không đồng bộ hiện nay là nguyên nhân của tham nhũng
Như đã trình bày ở Phần I và các đoạn trên, quá trình đổi mới ở Việt Nam có những nét đặc thù gắn liền với:
Tính tự phát, phá rào từ dưới lên
Việc tăng cường quyền lực của lãnh đạo địa phương trong cả Đảng và nhà nước.
Sự tranh chấp về hướng đi của đổi mới và ảnh hưởng giữa các thế lực.
Nhà nước pháp quyền chưa được xác lập.
Có hai mặt vừa tốt vừa xấu của các đặc thù trên.
Do là phản ứng với đòi hỏi bức bách của tình thế nên quá trình chuyển đổi ở Việt Nam cho đến nay không mang tính cách mạng, xoá lập tức cái cũ và dựng hẳn lên một cái mới như ở Liên Xô, đặc biệt trong việc chuyển sở hữu công thành sở hữu tư và do đó đã không tạo nên sự đứt khúc, hụt hẫng toàn diện trong hệ thống như ở Liên Xô. Việt Nam đã tránh được sự rối loạn xã hội, kinh tế suy sụp, đời sống cơ cực như ở Liên Xô mà cho đến ngày nay vẫn chưa vực dậy được. Quá trình ở Việt Nam, với những đặc thù riêng, là sự tự vận động của xã hội ở tầng dưới để tạo áp lực điều chỉnh chính sách, cơ cấu và phương hướng ở tầm quốc gia. Quyết định chấp nhận kinh tế thị trường của Đảng, dù chậm vì cần mang tính đồng thuận giữa lãnh đạo, đã tạo nên bước tiến nhảy vọt về kinh tế từ năm 1989 đến nay. Sự chuyển động ở Việt Nam có tính biện chứng trên cơ sở chuyển động của thức tế và khả năng nhận thức thực tế. Thực tế đó là việc nắm bắt được tình hình biến chuyển trên thế giới về các mối đe đoạ thực sự đối với đất nước, về quán tính bảo thủ của bất cứ ai khi nắm được chính quyền và của xã hội nói chung và lại có cơ hội tăng cường khi đạt được một số thành công nhất định như về kinh tế sau năm 1989. Vấn đề nhận thức chậm cũng là do thông tin từ bên ngoài vào bị hạn chế và những suy nghĩ và nghiên cứu độc lập không có đất đứng ở Việt Nam trong một thời gian rất dài. Dù chậm nhưng cái giá phải trả thấp hơn ở Liên Xô.
Nhưng quá trình trên cũng có những mặt xấu của nó.
Khi hoạt động tự phát, các chủ trương vượt rào của địa phương được trung ương chấp nhận thành chính sách của cả nước thì lại mang tính chắp vá, làm được đến đâu hay đến đó vì cần đồng thuận. Việc chấp nhận kinh tế thị trường cuối năm 1988 chủ yếu chỉ trong giao dịch và sản xuất kinh tế, tiệm tiến, không thể toàn diện và không thể dứt điểm vì vẫn còn những người lãnh đạo chủ chốt trong Đảng chưa đồng ý. Nền kinh tế từ năm 1989 do đó chỉ có một phần là được xây dựng trên nền tảng kinh tế thị trường, phần quan trọng còn lại như đất đai và hầu hết các phương tiện sản xuất khác vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Vì đất đai trên nguyên tắc thuộc công hữu, cho nên đảng và chính quyền địa phương vẫn có thể tùy tiện thu hồi, hoặc vì lợi ích chung như xây dựng khu chế xuất, hoặc chỉ là cái cớ để chuyển đổi sở hữu và qua đó thu vào túi riêng khác biệt giá. Như đã nói, khi quyền hành được trao thêm cho địa phương, nhất là về ngân sách địa phương, họ có thể phát huy sáng kiến phát huy hoạt động sản xuất của địa phương, lôi kéo đầu tư nước ngoài, v.v. nhưng họ cũng có thể dễ dàng biến của công thành của tư. Việc dùng đất công cấp cho một số cán bộ công chức cao cấp có "quan hệ" tốt, nhất là trong quân đội, đã mau chóng biến nhiều người từ nghèo khó sang hàng trưởng giả, nhà tư sản cỡ bự nếu họ biết dùng tài sản và mánh làm ăn. Việc tư hữu hoá đất, không theo một luật pháp nào, trong “Thành” thuộc quân đội ở Hà Nội và đất quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh là quá rõ. Những người không được tất hiểu rõ sự bất công đó. Ông Võ Văn Kiệt khi quyết định giao đất trong tay quân đội sang tay nhà nước đã phần nào chận đứng việc tư hữu hóa đất công này. Nói chung khi sở hữu đất đai chưa được giải quyết dứt điểm thì vấn đề tham nhũng liên quan đến đất đai khó lòng cứu chữa.[30]
Có thể nói tính méo mó của hệ thống đã mang đến nhiều kết qủa đặc biệt tai hại đối với kỷ cương xã hội khi nó liên quan đặc biệt đến vấn đề lương bổng. Khi mà ngân sách nhà nước trung ương không thể trả lương đủ sống cho công chức (trong bộ máy hành chính, giáo dục, y tế, v.v.) thì giải pháp là để địa phương và bộ ngành tự sống. Việc địa phương, bộ ngành làm việc phi pháp để tự nuôi nhau là dễ hiểu, từ hành động vượt rào phi pháp (theo nghĩa qua mặt qui định của nhà nước) tiến đến tham nhũng tập thể và tham nhũng cá nhân chỉ là bước nhỏ. Một hiệu trưởng cho phép thầy cô dạy thêm để kiếm thêm đã trở thành một cái máy làm tiền ở khắp các nơi, kể cả bắt ép học sinh đi học thêm, tập quán hóa việc dưỡng sức ở lớp chính thức và dạy thật ở lớp dạy thêm. Ở đại học, thì sinh viên những lớp ngoại khoá, tại chức, chuyên tu mọc ra như nấm, bằng được cấp pháp hoặc cho bán rẻ tràn lan chỉ vì đem lại thu nhập cho mọi giáo chức, nhưng tất nhiên người chức cao thì nhiều, người chức nhỏ thì ít. Đây chính là những hành vi tham nhũng tập thể, lấy tài sản công sản xuất dịch vụ tư.
Ba đặc thù của quá trình đổi mới nói đến ở trên đã có ảnh hưởng lớn, làm méo mó diện mạo của thể chế kinh tế và chính trị, với một vài biểu hiện được tả ở trên. Tính tự phát từ địa phương đưa đến tình trạng phá vỡ tính nhất quán trong hệ thống pháp luật, kỷ cương và chính sách công bằng ở tầm quốc gia do đó đòi hỏi phục hồi trật tự trong hệ thống. Quá trình đổi mới chỉ thực sự phát triển được hết tiềm năng của đất nước và ổn định xã hội khi nó trở thành luật pháp và chính sách quốc gia. Sự phục hồi trật tự này đòi hỏi một quá trình có ý thức, chủ động sửa sai ở cấp quốc gia của Đảng và chính quyền cho nên không thể nhanh chóng mà có thể kéo dài. Nhưng quan trọng hơn cả là phải nhận thấy sự phi lý trong hệ thống, đặc biệt là vấn đề lương và việc sử dụng công hữu. Cải cách tất nhiên sẽ gặp sự kháng cự từ lợi ích cục bộ, điạ phương, và các nhóm lợi ích dùng mọi cách bảo vệ đặc quyền, đặc lợi.
4. Có thể giải quyết tham nhũng được không?
Trở lại mô hình độc đảng của Việt Nam, về mặt lý luận không có gì ngăn cản nó cải thiện, tiếp tục sửa đổi về cơ cấu chính trị và quyền lực nhà nước nhằm tạo ra một nhà nước pháp quyền, có cơ cấu quyền lực sự độc lập, có khả năng kiểm sát lẫn nhau như Singapore đã làm. Điều này đã bàn đến ở trên. Cũng như ở Singapore, Đảng Nhân dân Hành động không phải là sự độc tài của một người mà là dựa vào quyết định của Ủy ban Điều hành Trung ương (Central Executive Committee) thì ở Việt Nam cũng dựa vào quyết định của Bộ Chính trị như thế về các biện pháp hành động (ở đây tôi cho rằng đề nghị của Võ Văn Kiệt liên quan đến vai trò quyết định của Ban Chấp hành Trung ương chỉ hiện thực và hiệu quả nếu tác động lên quyết định chính sách, các hành động thực hiện tất phải giao cho Bộ Chính trị). Tất nhiên cũng như ở Singapore, mặt tự do hoạt động chính trị chống đối cũng sẽ vẫn bị hạn chế. Và cũng tất nhiên việc thực hiện điều mà Singapore đang làm được sẽ khó khăn ở Việt Nam hơn vì Việt Nam là một nước lớn, có nhiều địa phương với quyền lực mạnh, không như Singapore chỉ là một thành phố, không có vấn đề địa phương. Nhưng cải cách toàn diện nhằm thống nhất lại hệ thống đòi hỏi xây dựng một nhà nước pháp quyền, và về mặt chính sách là cải cách hệ thống lương, sẽ đi sâu ở Phần III. Tuy nhiên để thấy rõ sự cần thiết của cải cách hệ thống lương cũng cần nhận diện thêm những biểu hiện của hệ thống lương bất hợp lý qua tham nhũng với những đặc thù rất Việt Nam.
PHẦN III
VỀ BIỂU HIỆN THAM NHŨNG MANG TÍNH
ĐẶC THÙ VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP LƯƠNG
Có thể nói trong chừng mực có thể, mô hình độc đảng ở Việt Nam có thể cải cách để chống tham nhũng. Nhưng như đã phân tích ở trên, tính tự phát, phá rào ở địa phương, tự thu tự chi để tự giải quyết cuộc sống đã phá vỡ tính hệ thống về ngân sách, do đó cần lập lại trật tự ngân sách. Một phần trật tự quan trọng đã được tái lập qua Luật Ngân sách năm 1996 do đó đã nâng cao sức mạnh tài chính của ngân sách quốc gia, tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế, giải quyết khá dứt điểm tình trạng lạm phát, nhưng nó đã không giải quyết nổi vấn đề tiền lương đủ sống cho công chức. Đây cũng là một trong những điều kiện cốt lõi để có thể chống tham nhũng một cách hiệu quả.[31] Dù là cốt lõi việc có lương đủ sống cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ để giải quyết tham nhũng. Muốn giải quyết tham nhũng như đã bàn, cần cải cách hệ thống quyền lực nhà nước. Điều này có thể dễ thấy nhìn vào tình hình tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc. Ở đó, lương cán bộ đã được tăng nhiều lần những năm gần đây, như cấp vụ trưởng ở Ngân hàng Trung ương đã được nâng lên khoảng 10,000 nhân dân tệ một tháng (khoảng 1,250 USD) và vụ trưởng ở Tổng cục Thống kê khoảng 6,000 tệ (750 USD)[32] vào thời điểm tháng 8 năm 2006 nhưng tham nhũng dường như vẫn đang tăng.
Trước tiên hãy bàn về vấn đề kinh tế của tham nhũng.
Bản chất của tham nhũng là đưa đến lợi ích kinh tế cho người tham nhũng và người đút lót. Tham nhũng chỉ có thể giảm bớt nếu như lợi ích kinh tế ròng của người nhận tham nhũng và người cho hay chấp nhận tham nhũng là âm lớn nếu tính theo xác xuất trung bình. Lợi ích ròng sẽ âm nếu như lợi ích từ tham nhũng nhỏ hơn cái giá phải trả khi người nhận tham nhũng mất việc, tiền tham nhũng phải bồi hoàn, tiền phạt cao và nếu bị tù thì thời gian này người nhận không thể tạo ra thu nhập. Tất cả những điều này sẽ chỉ hiện thực nếu có hình phạt trong luật chống tham nhũng rõ ràng và nếu hệ thống pháp luật làm việc hiệu quả, phản ánh qua xác xuất người tham nhũng bị bắt cao, và xác xuất người tham nhũng chịu hình phạt cao. Và như đã nói ở trên phải có một nhà nước pháp quyền và sự liên hệ giữa Đảng lãnh đạo và nhà nước được minh bạch hoá bằng luật pháp. Hiệu quả của hệ thống pháp luật này có thể đo được bằng thống kê. Không những người nhận tham nhũng chịu hình phạt mà người cho tham nhũng cũng phải chịu hình phạt tương tự.
Trước khi đi vào phân tích cụ thể cơ sở kinh tế của hành động tham nhũng ở Việt Nam, có lẽ cần duyệt qua các hình thức biểu hiện của tham nhũng (corruption), chủ yếu giữa người muốn đạt được lợi ích riêng tư và người có quyền lực trong hệ thống chính quyền:
Hối lộ (bribery): Hối lộ có hai hình thức:
· Hối lộ để tránh bị phạt hoặc tránh trả phí hoặc thuế. Hối lộ là điều xảy ra phổ biến và thường xuyên ở các nước đang phát triển trong cán bộ thuế, và lực lượng cảnh sát khi lương của họ quá thấp.
· Hối lộ để được ưu tiên, được phép làm, được việc làm, được "ghế".
Lại quả (kickback): Lại quả là chia lại lợi ích kinh tế cho người làm quyết định liên quan đến lợi ích kinh tế đó. Lại quả thường xảy ra khi nhận thầu xây dựng các công trình của nhà nước. Thí dụ người được thầu sau đó phải bòn rút dự án (hạ thấp tiêu chuẩn) để lại quả cho người đại diện chủ dự án. Điều này có thể xảy ra trong các dự án xây dựng hay các gói thầu cung cấp hàng. Đây là vấn đề lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, bởi vì khu vực công hữu quá lớn, và bởi vì vai trò của Đảng và nhà nước chưa được luật pháp hóa. Lại quả nghe nói xảy ra ở mọi cơ quan nhà nước và từ trên xuống dưới trong việc duyệt ngân sách đề nghị và việc cấp ngân sách, chủ yếu qua bộ/sở tài chính và kế hoạch. Mỗi lần ngân sách được cấp là mỗi lần có lại quả. Việc vay tiền ngân hàng cũng chịu chung số phận lại quả. Tình trạng lại quả thường mang tính cá nhân hoặc liên quan đến một vài cá nhân. Biện pháp tất nhiên nằm chủ yếu ở phương pháp đấu thầu, tính minh bạch trong quyết định và các biện pháp kiểm sát. Việc nhận diện những người nhận lại quả cũng không phải khó khăn, nhất là ở Việt Nam khi một số quan chức trở nên giầu có nhanh chóng, vượt xa thu nhập chính đáng của họ. Số tiền tham nhũng trong hoạt động đầu tư của nhà nước (bằng 52% tổng đầu tư của cả nước) có thể lên tới 2 đến 3 tỷ USD năm 2005.[33]
Tham ô, ăn cắp của công (public theft): Có hai hình thức ăn cắp của công ở Việt Nam:
chi phí cho cá nhân nhưng lại ghi là chi phí công vụ bằng cách làm hoá đơn giả hoặc sử dụng không đúng mục đích. Lấy xe công cấp cho việc dùng cá nhân là hình thức ăn cắp của công.
sử dụng tài sản nhà nước để tạo thu nhập riêng. Ở Việt Nam hiện tượng này rất phổ biến, mang tính tập thể, được “chấp nhận” nhưng lại không mang đúng tên của nó là “ăn cắp tập thể”. Do hiện tượng lương thấp và chính sách cho phép tạo nguồn thu thêm mà nhiều cơ quan nhà nước lấy đất công, tài sản công cho mướn rồi chia nhau tiền thuê cũng là hình thức ăn cắp của công. Điển hình như Thông tấn xã và Truyền hình Việt Nam, các cơ quan này có thể bán thông tin, làm dịch vụ (quảng cáo chẳng hạn) một cách hợp pháp theo luật định trên thị trường nhưng phần lớn số tiền thu nhập được có thể khai man không nộp lại cho ngân sách theo đúng qui định mà Bộ Tài chính chỉ cho phép giữ lại một phần để tăng thu nhập cho nhân viên. Thu nhập nhận được thường gấp 2-3 lần lương chính thức. Ngay dù được sử dụng hợp pháp thì nó cũng là một loại chính sách ngân sách tùy tiện, tạo ra bất công đối với các công chức làm việc trong các hoạt động khác của nhà nước không thể tạo ra thu nhập thêm. Có thể nói không ít thì nhiều mọi cơ quan đều có những thu nhập ngoài ngân sách, hoặc không biết đâu là trong đâu là ngoài. Hệ thống “tham ô” này có nguồn gốc từ tính trạng xé rào trước đây nhằm tăng lương cho cán bộ. Và đến năm 2003 thì được Bộ Tài chính hợp thức sự đã rồi. Sự việc này là ví dụ điển hình cho sự ‘thỏa hiệp’ và ‘cấu kết’ để luật hóa các hành vi phi pháp của các ‘nhóm lợi ích’ nằm trong các bộ tài chính, giáo dục, y tế, nội vụ, ủy ban nhân dân, v.v. Chuyện ‘cấu kết’ này, trên thực tế, vì đem lợi cho không phải ít số người có liên đới, nên càng tạo ra cản trở lớn lao cho việc cải tiền lương. Theo chính sách năm 2003, Bộ Tài chính cho phép (a) các đơn vị sự nghiệp (như cơ quan hành chính, giáo dục, y tế) được thu thêm phí sử dụng và đuợc dùng ít nhất 40% phí này cũng như tiền tiết kiệm ngân sách để chi tăng lương, và (b) cũng cho phép địa phương giữ lại 50% tăng thu ở địa phương để tăng lương.[34] Việc tùy tiện trong chính sách tăng nguồn thu để tăng chi cho lương tất đến tham nhũng tập thể. Lương chính thức ở Việt Nam hiện nay (trước tháng 9, 2006) được định theo lương cơ bản nhân với một hệ số, tùy theo ngạch trật. Với lương cơ bản, tức là lương tối thiểu hàng tháng là 410 ngàn đồng, khoảng 26 USD, một chuyên viên cấp thấp hệ số 5 sẽ có lương là 2 triệu đồng, khoảng 128 USD, một bộ trưởng hệ số lương 9 có lương khoảng 3.7 triệu đồng, khoảng trên 230 USD.
Hai hình thức tham ô trên thường xảy ra khi dự toán ngân sách thiếu chi tiết cụ thể về hạng mục hàng hoá với số lượng và giá trị được phép mua sắm, chi tiêu lại không qua ngân phiếu, do đó dù có hệ thống kiểm toán thì quan lại vẫn có thể biến hoá sổ sách để mua sắm tùy tiện hoặc đút túi riêng. Nếu như ngân sách nhà nước đi vào cụ thể hơn và được báo cáo cụ thể thay vì chung chung hiện nay thì tham ô hay ăn cắp của công có thể giảm mạnh.
Tự làm luật, thu thêm để chia nhau: Dùng quyền lực đòi hỏi nhân dân đóng góp để cho vào túi riêng. Việc tự làm luật này xảy ra phổ biến trong việc phụ thu ở các trường học và bệnh viện, và các loại phí và đóng góp do ủy ban xã và phường tự đặt. Đây là vấn đề lớn gây bất mãn trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo. Nếu xử lý đúng đắn đưa vào ngân sách những thu nhập thêm này để trả lương thì theo nghiên cứu của tác giả lương của giáo sư có thể cao gấp hai lần lương chính thức.[35]
Mượn giờ công làm chuyện tư: Chuyện này phổ biến trong giới khoa học và công chức. Dùng thì giờ chính thức làm công trình nghiên cứu cho người khác. Như GS Hoàng Tụy đã vạch ra là ở các nước khác thì tài trợ công trình nghiên cứu chỉ được dùng vào việc làm nghiên cứu (đi lại, dự hội nghị, mua tài liệu, thiết bị làm nghiên cứu mà sau khi hoàn thành sẽ thuộc cơ quan nghiên cứu, hoặc trả công cho phụ nghiên cứu), chứ không được dùng để trả công cho chính mình hoặc làm cai đầu dài thuê người khác làm dùm.
Tất nhiên tùy từng loại tham nhũng mà cần giải pháp phù hợp nhưng có thể nói các loại tham nhũng ở Việt Nam đều ít nhiều mang tính tập thể. Có loại không những mang tính tập thể mà cả Đảng và nhà nước chấp nhận, chẳng hạn như việc dùng tài sản nhà nước để tạo thu nhập riêng chia nhau. Tập thể chấp nhận vì mọi người cùng được lợi, nhất là khi nhà nước không thể trả lương đủ sống cho công chức. Cá nhân lãnh đạo chỉ bị tố cáo tham nhũng khi cá nhân đó quá tham lam, ăn quá nhiều so với tập thể. Và nhiều khi bị bắt thì đảng và chính quyền cũng kiếm cách xí xoá vì lợi ích nhiều khi to lớn mà anh ta mang lại. Cho nên dù lương ngày nay đã được nâng cao hơn so với trước đây, tình trạng tham nhũng không những không giảm mà lại tăng vì tập thể đã quen với đạo đức mới, cho rằng cái chế độ nó như vậy do đó thế thời phải thế, không thể “ngu lâu”. Kỷ cương nhà nước và đạo đức xã hội thông thường có dấu hiệu suy yếu mạnh. Do đó giải pháp chống tham nhũng đòi hỏi lập lại kỷ cương và xoá bỏ tính tùy tiện trong việc tự làm luật, lấy công làm tư để nâng thu nhập cho tập thể. Điều này tất nhiên không thể làm ngay nhưng cần có một lộ trình rõ ràng. Nói một cách tổng quát, để chống tham nhũng cần có thêm những biện pháp sau:
· Luật pháp về chi tiêu minh bạch;
· Luật pháp nghiêm minh;
· Trách nhiệm cá nhân rõ ràng;
· Bảo đảm tính độc lập của các cơ quan kiểm tra;
· Lương đủ sống (với Việt Nam thì có thể nói ai cũng đủ sống, nhưng lương chính thức thì không đủ sống: rõ ràng là lỗi ở hệ thống);
· Xoá bỏ thu nhập ngoài ngân sách;
· Làm/duyệt ngân sách chi tiết, chi theo dòng, minh bạch ngân sách ở mọi nơi, mọi cấp để kiểm tra; (Tình trạng minh bạch ngân sách ở Việt Nam vẫn còn là điều đáng nói. Ngân sách do Bộ Tài chính “minh bạch hoá” trên mạng có rất ít chi tiết, còn quá nhiều chỗ thiếu minh bạch, thậm chí mang tính “vẽ voi vẽ chuột”, thí dụ tổng chi ngân sách trong dự toán năm 2005, thấp hơn dự toán năm 2004; điều này khó tưởng tượng nổi, và làm cho những số liệu trong dự toán này đáng nghi ngờ, không có giá trị phân tích.[36] Ngoài ra, kết toán năm 2004 cũng mới chỉ được mang ra Quốc hội thẩm định vào tháng 5 năm 2006, chậm gần 3 năm. Với chi tiết ngân sách quá sơ sài như hiện nay thì không hiểu Quốc hội kiểm toán như thế nào?)
· Thiết lập hệ thống tuyển dụng công chức minh bạch, có cạnh tranh; Chấm dứt việc bố mẹ, con cái, anh em ruột cùng làm một cơ quan; chấm dứt việc Đảng quyết định đưa người vào hệ thống công chức: Đảng và nhà nước cần phân biệt các chức vụ chính trị quản lý công chức, và hệ thống công chức chuyên nghiệp phi chính trị;[37]
· Thiết lập hệ thống thống kê để theo dõi số người bị bắt vì tham nhũng hàng quí, hàng năm và trong số người bị bắt, bao nhiêu phần trăm bị bỏ tù;
· Tổ chức thường xuyên các cuộc điều tra để công chức và người sử dụng dịch vụ công đánh giá tình trạng tham nhũng nhằm giúp việc theo dõi tình trạng biến động của tham nhũng và giúp việc nhận diện các cơ quan bị đánh giá là có dấu hiệu tham nhũng cao;
· Đòi hỏi tất cả chi tiêu trong ngân sách phải bằng séc, trừ những chi tiêu quá nhỏ. Như vậy ngay cả việc trả phong bì trong các cuộc họp cũng phải trả bằng séc. Đây cũng là biện pháp khuyến khích dùng ngân hàng.
Những biện pháp trên không có gì là lạ, chúng đều nằm trong các khuyến nghị về chống tham nhũng của quốc tế. Vấn đề có “tính Việt Nam” là cho phép lấy công sản tạo thêm thu nhập bù lương, hợp pháp hoá tình trạng ăn cắp của công và đưa đến tình trạng quản lý tùy tiện, thiếu tính minh bạch và nhất quán trong ngân sách. Để xoá bỏ tình trạng tuỳ tiện, cần có biện pháp giải quyết tiền lương ở Việt Nam.
3. Về biện pháp cải thiện tiền lương công chức
Không thể minh bạch hoá tiền lương và minh bạch hoá ngân sách chỉ bằng cách đơn giản là xoá bỏ thu nhập thêm vì như vậy là đưa đến việc giảm lương trong hầu hết các hoạt động liên quan đến nhà nước. Biện pháp nào muốn được chấp nhận cũng phải nâng lương ngang bằng lương hiện có. Câu hỏi quan trọng là liệu ngân sách nhà nước có thu đủ chi trả không? Nếu tăng thuế thì liệu việc tăng thuế có đưa đến khả năng làm giảm sức phát triển của nền kinh tế không? Mức thuế đã quá cao chưa? Nếu chỉ tăng chi mà không thu đủ thì giải pháp là gì để không làm tăng lạm phát, mà hậu quả của nó có thể xoá xạch yếu tố tăng lương. Giải pháp đòi hỏi bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Một câu hỏi khác cũng rất quan trọng mà nhiều người thường đặt ra là: phải chăng chính quyền ở Việt Nam đã phình ra quá lớn so với mức độ phát triển kinh tế. Câu hỏi này hình như đã trở thành một câu hỏi ám ảnh các nhà làm chính sách ở Việt Nam; chính vì thế mà giải pháp thường được đưa ra là giảm biên chế. Thế nhưng sau bao lần thử nghiệm điều trái ngược đã xảy ra: biên chế ngày càng phình thêm ra.
Trước tiên hãy phân tích cỡ chính quyền hiện nay. Vấn đề phân tích tưởng đơn giản nhưng không đơn giản. Không có một lý thuyết kinh tế nào có thể xác định được cỡ chính quyền tối ưu do đó việc phân tích cần dựa vào so sánh quốc tế, với hy vọng là cỡ chính quyền hiện nay trên thế giới, được xây dựng trên kinh nghiệm lịch sử, cho thấy một mẫu mực nhất định. Nhưng câu hỏi đầu tiên là chính quyền gồm những hoạt động gì? Phải nói nó chỉ gồm những hoạt động tạo ra dịch vụ công miễn phí cho xã hội. trong đó có dịch vụ nhà nước vì lợi ích tập thể (collective services) như hệ thống hành chính, bảo vệ pháp luật, an ninh và dịch vụ nhà nước vì lợi ích cá nhân như giáo dục và y tế miễn phí. Tất cả các hoạt động sản xuất quốc doanh không được tính vào dịch vụ nhà nước.
Bảng 2. Kích cỡ chính quyền (trung ương và địa phương) các nước OECD, 1960–2004
Tỷ lệ chi tiêu trong ngân sách nhà nước trên GDP
Nước
1960
1970
1980
1990
1996
2004
Tỷ lệ 1996 so với 1960
Úc
21
25
34
38
37
1.76
Canada
29
36
40
48
46
1.59
Pháp
35
39
46
50
55
51
1.57
Đức
32
39
48
46
56
44
1.75
Ireland
28
40
51
41
38
1.36
Ý
30
34
42
54
53
1.77
Nhật
17
19
33
32
37
31
2.18
Tân Tây Lan
28
34
47
50
42
30
1.50
Thụy Điển
31
44
62
61
66
2.13
Anh
32
39
45
42
44
41
1.38
Mỹ
28
32
34
35
35
32
1.25
Trung bình
27
33
43
46
48
1.78
Chú thích: Tỷ lệ ở Pháp, Đức va Thụy Điển rất cao vì tiền hưu trí trả cho công chức nằm trong ngân sách trong khi đó các nước khác có quĩ hưu trí độc lập với ngân sách nhà nước.
Nguồn: The Size and Function of Government and Economic Growth, James Gwartney, Robert Lawson, Randall Holcombe, Joint Economic Committee Study, US Congress, April 1998.
Bảng 3. Kích cỡ chính quyền Việt Nam (trung ương và địa phương)
Tỷ lệ chi tiêu trong ngân sách nhà nước trên GDP
2001
2002
2003
2004
2005
Việt Nam
24.4
24.2
25.1
24.8
25
Chú thích: chi tiêu này đã trừ đi phần chi có tính trung gian: tiền chi viện trợ của nước ngoài thông qua nhà nước.
Nguồn: IMF, http://www.imf.org/external/pubs/ft/scr/2006/cr0652.pdf
Chi tiêu trong ngân sách nhà nước bao gồm chi phí tạo ra dịch vụ nhà nước vì lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, chi phí đầu tư phát triển, chi phí trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, chi trả bảo hiểm xã hội (khi về hưu) cho mọi người lao động có đóng góp và chi trả tiền hưu trí cho công chức, quân đội. Ở các nước phát triển cao thuộc tổ chức OECD (bảng 2) ta thấy chi tiêu ngân sách nhà nước trung bình lên tới 48% GDP vào năm 1996. Tỷ lệ chi tiêu này tăng đáng kể (gần gấp đôi) từ năm 1960 cho đến 1996, và có giảm đi trong thời than gấn đây. Kích cỡ chính quyền ở Việt Nam nếu tính theo cùng một phương pháp là khoảng 25% GDP (coi bảng 3). Rất tiếc là số liệu tương tự của các nước đang phát triển không có sẵn để làm nghiên cứu so sánh với Việt Nam vì số liệu các nước nộp cho tổ chức quốc tế chỉ gồm chi ngân sách chính quyền trung ương, không gồm ngân sách chính quyền địa phương.
Bảng 4. Chi tiêu dùng cuối cùng cho dịch vụ nhà nước (bao gồm cả giáo dục, y tế), 2003
Nước
Tỷ lệ chi phí trên GDP
Úc
18
Canada
18
Pháp
24
Đức
19
Ý
19
Nhật
18
Thụy Điển
28
Anh
21
Mỹ
19
Trung bình
20
Trung Quốc
13
Ấn Độ
13
Mã Lai
14
Phi Luật Tân
13
Singapore
11
Thái Lan
11
Việt Nam
12-13*
Trung bình
12
*Chi phí này được gọi bằng từ ngữ chuyên môn là tiêu dùng cuối cùng của nhà nước (government final consumption expenditure) bao gồm cả chi phí cho trường học và nhà thương miễn phí. Riêng Tài khoản quốc gia Việt Nam không tính dịch vụ giáo dục và y tế nhà nước sản xuất và chi trả vào hoạt động nhà nước (mà tính chung vào ngành giáo dục y tế) tác giả đã tự tính thêm vào.
Nguồn: United Nations, National Accounts Statistics: Analysis of Main Aggregates, 2003-2004.
Nếu chỉ so sánh tiêu dùng cuối cùng của nhà nước (chỉ gồm dịch vụ nhà nước bao gồm cả cho giáo dục và y tế) thì chi trong ngân sách nhà nước Việt Nam cũng tương đương với mức trung bình của các nước đang phát triển khác ở Á châu, bằng khoảng 12-13% GDP (coi bảng 4). Mức này tất nhiên thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình là 20% ở các nước OECD có GDP đầu người cao hơn nhiều lần. Như vậy có thể nói là kích cỡ chính quyền Việt Nam không phải là lớn. Nếu không kể giáo dục và y tế thì dịch vụ nhà nước vì lợi ích tập thể (hành chính, an ninh, quốc phòng) chỉ bằng 7% GDP, chỉ thấp hơn một chút so với Mỹ hoặc Anh (khoảng 8-9%).
Nếu đo bằng tỷ lệ người lao động (không kể quân đội) so với dân số, dịch vụ nhà nước vì lợi ích tập thể ở Việt Nam thấp một cách ngạc nhiên (coi bảng 5): chỉ có hơn một nửa của 1% dân số hoạt động tạo ra dịch vụ nhà nước trong khi đó các nước khác có tỷ lệ từ 1.6% tới 2.7%. Tại sao chi phí cho dịch vụ nhà nước của Việt Nam cũng tương đương với các nước đang phát triển khác (coi bảng 4), mà lao động trong khu vực này ở Việt Nam lại thấp như vậy? Khó có câu trả lời thật chính xác nhưng có thể lý do chính là số quân ở Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước chung quanh, do đó dù số lượng người làm việc trong hành chính thấp nhưng số lượng quân nhân cao hơn rất nhiều đã đưa đến sự tương đương về chi tiêu cho dịch vụ nhà nước. Con số của CIA Mỹ cho thấy là quân đội Việt Nam vẫn có khả năng lên tới 500 ngàn hay hơn.[38]
Bảng 5. Dịch vụ nhà nước vì lợi ích tập thể (chỉ kể hành chính nhà nước)
Nước
Tỷ lệ lao động hành chính (không kể quân đội) trên dân số theo số liệu năm gần nhất
Mỹ
2.7
Thái Lan
1.7
Mã Lai
2.7
Indonesia
1.6
Việt Nam
0.6
Nguồn: US Bureau of Census; The Labor Force Survey, 2004 Thailand; Yearbook of Statistics of Malaysia 2005; Statistik Indonesia 2003.
Việc rà soát lại thống kê để đánh giá kích cỡ nhà nước Việt Nam cho thấy là nhà nước này khá nhỏ (không kể quân đội), chi phí cho dịch vụ nhà nước cũng không phải là lớn. Riêng nói về số người làm trong hành chính, hoạt động đảng, an ninh và đoàn thể kể cả cán bộ xã, phường (không kể quân đội, y tế và giáo dục), thì vào năm 2004 số này chỉ có 523 ngàn, bằng 0.63% dân số, rất nhỏ so với các nước khác. Trong số này có đến 226 ngàn là cán bộ xã phường mà chi phí cho họ chỉ được ghi tượng trưng trong ngân sách nhưng thực tế là họ tự thu tự chi.[39] Cái có thể giảm là quân số, nhưng điều này vượt ngoài tính toán kinh tế. Và thực tế mà nói, số quân mới động viên trong thời hạn 18 tháng tốn kém rất ít vì họ chỉ được nuôi cơm hai bữa. Chỉ có quân số chính qui mới thật sự tốn kém.
Như vậy không thể giảm biên chế để tăng lương trong giai đoạn hiện nay.
Vậy tăng lương bằng cách nào khi mà chi ngân sách hiện nay không thể tăng hơn?
Trước khi bàn về các biện pháp tăng lương ta cần xem xét qua một số vấn đề ngân sách hiện nay.
Bảng 6. Lao động trong khu vực nhà nước và ước lượng lao động và lương do ngân sách trả
2003(*)
Sơ bộ 2004
Lương trong ngân sách 2004 ước tính
Nghìn người
Tỷ đồng
Tổng số lao động trong khu vực nhà nước
4,035.4
4,141.7
1. Lao động sản xuất
2,246.7
2,289.0
Nông nghiệp và lâm nghiệp
221.4
222.4
Thuỷ sản
5.6
5.7
Công nghiệp khai thác mỏ
118.8
123.5
Công nghiệp chế biến
730.4
736.8
Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước
83.7
86.2
Xây dựng
539.9
556.0
Thương nghiệp; sửa chữa xe có động cơ, mô tô,xe máy và đồ dùng cá nhân và gia đình
160.5
160.1
Khách sạn và nhà hang
36.9
37.9
Vận tải; kho bãi và thong tin liên lạc
192.1
198.1
Tài chính, tín dụng
69.2
70.9
Các HĐ liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn
51.7
52.8
Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng
36.5
38.6
2. Lao động dịch vụ nhà nước
1,788.7
1,852.7
Hoạt động khoa học và công nghệ
29.0
29.1
430
QLNN và ANQP, đảm bảo xã hội bắt buộc
400.8
416.1
4,704
Giáo dục và đào tạo
1,018.0
1,045.4
14,602
Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội
206.3
215.5
2,832
Hoạt động văn hoá và thể thao
38.8
39.5
540
Các hoạt động Đảng, đoàn thể và hiệp hội
95.8
107.1
1,211
Tổng chi phí lương khu vực ngoài quân đội
24,318
3. Quân đội
500?
500?
10,182
Tổng chi phí lương
34,500
Nguồn: Tổng cục Thống kê: www.gso.gov.Việt Nam
Có thể nói cách ghi chú ngân sách theo cái gọi là “minh bạch hoá ngân sách” của Bộ Tài chính vẫn còn mơ hồ, thiếu minh bạch cho nên việc xem xét vấn đề lương dưới đây mặc dù có thể tiếp cận với thực tế nhưng không thể coi là chính xác. Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2004 có 4.1 triệu người làm trong khu vực nhà nước, trong đó tạm ước tính có 1.8 người lao động là do ngân sách chi trả (coi bảng 6). Số tạm ước tính này của tác giả dựa vào đánh giá những ngành hoạt động có tính phi thị trường (Ngân sách trong minh hoá của Bộ Tài chính không ghi số lương và số lao động do ngân sách chi trả). Theo tác giả, con số trên (coi bảng 6 và 7) chưa phản ánh lực lượng quân đội do ngân sách phải trách nhiệm. Dựa vào số lương trung bình trong các hoạt động kinh tế, tác giả ước tính 24 ngàn tỷ là để chi trả lương cho lao động phi thị trường (không kể quân đội) và 10 ngàn tỷ là để trả lương cho quân đội (vì tổng số lương IMF ước tính chi trả từ ngân sách là 34.5 ngàn tỷ). Lương trung bình như vậy là 13.1 triệu một năm, tương đương với 820 USD.
Bảng 7. Phân tích ngân sách theo số liệu IMF (2006 là ước lượng của tác giả)
2004
2005
2006
Chi thường xuyên
Tỷ đồng
117,800
135,000
177,632
Tỷ US
7.4
8.4
11.1
Chi đầu tư
Tỷ đồng
59,000
66,000
96,800
Tỷ US
3.7
4.1
5.4
Lương trong chi thường xuyên
Tỷ đồng
34,500
45,395
59,730
Tỷ US
2.16
2.84
3.73
Nguồn: IMF, Vietnam Statistical Appendix, Feb. 2006
Bảng 8. Các chỉ số tăng lương
2000
2001
2002
2003
2004
Tốc độ tăng lương 2004/2000
Lương tháng năm 2004 (ngàn đồng)
Tốc độ tăng lương danh nghĩa (%)
Lương bình quân mọi hoạt động
16.5
12.3
12.0
16.6
13.1
66
1410
Công nghiệp
39.6
17.1
10.0
13.0
8.6
58
2090
Giáo dục
22.8
17.9
8.0
17.3
17.1
89
1164
Hành chính
26.7
13.5
5.0
15.3
18.1
62
942
Nguồn: IMF, Vietnam Statistical Appendix, Feb. 2006
Phân tích về lương chính thức (không kể thu nhập thêm) từ 2000 đến 2004 cho thấy:
· Lương danh nghĩa tăng đáng kể trong 5 năm từ năm 2000 đến năm 2004 (coi bảng 8). Do lạm phát thấp những năm 2000-2004, lương thực tế tăng đáng kể. Bắt đầu từ năm 2004 lạm phát tăng mạnh (gần 10%), lương thực tế vẫn tăng nhưng không ở mức cao như trước.
· Lương trong khu vực hành chính nhà nước thấp nhất, sau đó là giáo dục. Thời gian qua có tăng nhưng lương vẫn chỉ bằng một nửa số lương của lao động trong công nghiệp. Lương trong ngành giáo dục tăng đáng kể nhất so với các hoạt động khác.
Dù tăng như thế nhưng mức lương ở Việt Nam vẫn thuộc loại thấp nhất thế giới, người được hưởng lương trong giáo dục và hành chính cùng lắm là tự nuôi sống một mình mình (khoảng 60 USD một tháng).
Phân tích về chi ngân sách cho thấy là chi cho đầu tư là quá lớn, năm 2004 lên tới 3.7 tỷ USD, bằng một nửa chi thường xuyên (coi bảng 7). Số chi đầu tư này lại gần gấp đôi chi lương (2.2 tỷ). Giả thử chi đầu tư giảm xuống một nửa thì có thể tăng lương gần gấp đôi.
Mục tiêu của chính sách tăng lương là làm sao trả lương cho công chức đạt mức tương đương trong công nghiệp. Bài này sẽ không đi vào chi tiết (vì không đủ thông tin để đi sâu hơn) và chỉ đưa vài nét phác thảo về một số giải pháp tăng lương với mục tiêu đạt mức lương trung bình trong công nghiệp. Và điều này là khả thi. Số tiền cần để tăng lương như thế có thể lên tới 3 tỷ USD một năm. Để đạt được mục tiêu, có thể kết hợp nhiều biện pháp trong đó gồm cả tăng thu và chuyển đổi cơ cấu chi, nhưng quan trọng nhất là thiết lập một lộ trình minh bạch cho việc tăng lương, tránh dùng biện pháp in tiền gây lạm phát (qua việc mượn tín dụng ngân hàng):
· Giảm đầu tư của nhà nước, thường rất phí phạm vì tham nhũng, để tăng lương cho công chức, đặc biệt là đầu tư cho doanh nghiệp quốc doanh và xây dựng công sở nhằm khoe mã. Việc trả công xứng đáng cho người lao động trong hoạt động dịch vụ nhà nước cũng biện pháp đầu tư: đầu tư vào con người.
· Trả lương một phần bằng giấy nợ (công trái). Người công chức có công trái có thể được ưu tiên mua nhà đất của nhà nước trong tương lai.
· Thiết lập hệ thống thuế cá nhân hợp lý.
· Tăng thuế tài sản địa ốc.
· Chọn điểm ưu tiên nâng lương. Điểm ưu tiên này có thể là tăng lương cho các công chức cấp cao trong chính phủ. Có người sẽ lý luận rằng cần giữ lương thấp để “cùng khổ” với nhân dân, nhưng đó chỉ là lý luận mị dân. Với khoảng 10 ngàn người và với số lương trung bình 500 USD/tháng, thì tổng số tăng chi cần thiết chỉ là 48 triệu USD/năm. Và dù tăng đến 1000 USD /tháng, tổng số lương cần chi thêm cũng không hơn 100 triệu USD một năm. Nhà nước không nên giả vờ trả lương thấp cho cán bộ cấp cao. Với lương Chủ tịch nước, Thủ tướng, bộ trưởng không hơn 300 USD một tháng thì hoặc là họ không sống nổi, hoặc phải dùng tiền ngân sách để chi mà không gọi đó là lương (cho nên các khoản chi này không thể minh bạch phản ánh đúng bản chất sự vật mà được kế toán phù phép), hoặc tham gia vào cái mà bài này gọi là “tham nhũng tập thể.” Đấy là chỉ nói đến những hành động được phép.
Hiện nay ở Việt Nam, thuế (coi bảng 9) chỉ chiếm 54% thu ngân sách, 46% còn lại chủ yếu là thu hồi vốn (như từ dầu lửa, thu hồi lãi cổ phần từ số vốn rất lớn nhà nước bỏ ra cho doanh nghiệp, cho thuê đất và thu các loại phí như phí qua cầu). Ở Mỹ thì thuế là nguồn thu chính của ngân sách. Trong hệ thống thuế, thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ lên tới 35.9% trong khi Việt Nam chỉ đạt 3.2%. Thuế xuất nhập khẩu ở Mỹ không đáng kể nhưng ở Việt Nam, dù đã giảm nhiều và thay vào đó là thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn bằng 14% tổng số thuế. Việc gia nhập WTO sẽ đòi hỏi Việt Nam giảm hẳn nguồn thuế nhập khẩu này và đòi hỏi đi tìm nguồn thu khác thay thế. Rõ ràng nguồn thay thế là thuế thu nhập cá nhân vì thuế doanh nghiệp hiện nay đã quá cao. Muốn thu thuế cá nhân đúng mức thì việc xoá bỏ việc tự thu, tự chi là rất quan trọng.
Bảng 9. So sánh hệ thống thuế ở Việt Nam và Mỹ năm 2004
Việt Nam 2004
Chính phủ Liên bang Mỹ
Chính phủ tiểu bang và địa phương Mỹ
Toàn bộ hệ thống chính phủ Mỹ
Ngàn tỷ đồng
%
Tỷ US
%
Tỷ US
%
Tỷ US
%
Tổng
115.0
100
1801.7
100
1138.9
100
2940.6
100
Thuế thu nhập cá nhân
3.7
3.2
809
44.9
248
21.8
1057
35.9
Thuế thu nhập doanh nghiệp
37.3
32.4
189.4
10.5
40.2
3.5
229.6
7.8
Thuế tiêu thụ đặc biệt kể cả thuế nhập khẩu
32.9
28.6
69.9
3.9
69.9
2.4
Thuế hàng hoá /VAT
41.1
35.7
429.4
37.7
429.4
14.6
Đóng góp bảo hiểm xã hội
733.4
40.7
16.5
1.4
749.9
25.5
Thuế địa ốc
1.0
0.9
321.6
28.2
321.6
10.9
Thuế tiền lãi ngân hàng và cố phần
83.2
7.3
83.2
2.8
Nguồn: Số liệu về Mỹ , U. S. Census Bureau, Statistical Abstract of the United States, 2006. Số liệu về Việt Nam, IMF, Vietnam Statistical Appendix, Feb. 2006
Một nguồn thuế khác nhằm bổ túc thuế thu nhập cá nhân nhất là khi thu nhập hiện nay hầu hết nằm ngoài sổ sách là thuế địa ốc. Tất cả mọi nguồn thu nhập không khai báo phần lớn nằm ở giá trị địa ốc. Nguồn này ở Việt Nam coi như không đáng kể, trong khi đó ở Mỹ thuế địa ốc chiếm 3.2% GDP. Theo điều tra sơ khởi của tác giả, những người có địa ốc đóng thuế hàng năm không hơn 70,000 đồng. Bảng 9 cũng cho thấy thuế địa ốc chưa bằng 1% tổng số thuế thu được. Nếu chỉ đánh thuế 1/1000 giá trị tài sản thì một tài sản 100 triệu đồng (khoảng 6300 USD), một tài sản khá lớn với nhiều người Việt Nam, chủ sở hữu phải đóng hàng năm là 100 ngàn đồng.
Ngoài thuế tài sản còn có thuế tiền lời do tăng giá tài sản địa ốc khi bán lại (capital gains) nếu là nơi ở chính. Trung Quốc cũng vừa mới áp dụng thuế này nếu người có tài sản để ở không giữ tài sản hơn 5 năm, với mục đích giảm đầu cơ nhà đất. Ở Mỹ, trước đây thuế tiền lời do tăng giá căn nhà dùng làm nơi ở chính khi bán lại chỉ được miễn một lần trong đời, nhưng hiện nay luật thay đổi cho phép áp dụng miễn thuế dễ dàng hơn. Trong luật mới năm 1997, mỗi người trong một gia đình, được tính cao nhất cho 2 người (vợ và chồng), không phải đóng thuế đối với tiền lời từ 250 ngàn đô la trở xuống (nếu gia đình gồm vợ và chồng thì được miễn đóng thuế trên 500 ngàn đô la tiền lời); và quan trọng hơn, việc trừ thuế này được áp dụng cho mỗi lần bán căn nhà dùng làm nơi cư trú chính, theo nghĩa nếu như trong vòng 5 năm, họ dùng căn nhà đó làm nơi ở chính ít nhất 2 năm, tức là có thể cho thuê 3 năm.
Ở Việt Nam, việc đánh thuế tài sản địa ốc cũng là điều cần thiết, vừa để tăng thu ngân sách, vừa để làm giảm đầu cơ nhà đất. Với tình trạng gần như không bị đánh thuế hiện nay, người đầu cơ không phải trả giá nào cả khi nắm giữ địa ốc.
KẾT LUẬN
Bài viết phân tích sự chuyển động của cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội trong quá trình dân chủ hoá từ 1975 đến nay. Cuộc chuyển động này mang những đặc tính sau:
Sự hình thành khá thành công ở Việt Nam một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với hai đặc điểm quan trọng nhất là giá cả cơ bản được điều hành bởi qui luật cung cầu và quyền tư hữu phương tiện sản xuất được công nhận. Tự do cơ bản của con người do đó ngày càng được tôn trọng hơn trước.
Sự hình thành ở dạng phôi thai quyền lực của quốc hội mang tính đối trọng với chính quyền và Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam về cả nguyên tắc và thực chất không còn là một Đảng cách mạng, với những đảng viên cách mạng, áp dụng chuyên chính vô sản, trấn áp giai cấp tư sản với mục đích xây dựng một xã hội phi giai cấp và những con người “mới”. Mục đích thực của Đảng (không phải trên Điều lệ) đã thay đổi, trọng tâm đặt vào mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trong đó tư hữu được tôn trọng và mọi thành phần kinh tế kể cả tư bản tư nhân trong và ngoài nước được bảo vệ. Đảng viên cũng được quyền “bóc lột thặng dư” (theo ngôn ngữ của Mác) như bất cứ một nhà tư sản nào, do đó, Đại hội Đảng vừa qua đã cho phép xem xét, bổ sung, sửa đổi một số điểm cần thiết, [khi] chín muồi của chủ nghĩa Mác-Lê, là một quyết định logic, một bước tiến đáng kể trong lý luận, có thể đưa tới sự mở rộng hơn cho tự do tư tưởng. Có thể nói, ở một mức độ nhất định, Đảng Cộng sản hiện nay có mục đích không khác gì một đảng tư sản; cái khác là phương thức tổ chức và ý chí độc quyền nắm chính quyền.
Sự suy giảm quyền lực trung ương (kể cả Đảng và nhà nước) và tăng cường quyền lực của địa phương.
Tất cả những chuyển động trên gần như đều mang tính tự phát, bắt nguồn từ địa phương hoặc cơ sở do đó đưa đến sự mất cân đối nghiêm trọng trong xã hội đặc biệt là vấn đề lương bổng. Tình trạng lương thấp ở mức vô lý bị kéo dài quá lâu trong quá khứ và còn tiếp diễn trong hiện tại đã mở cơ hội cho việc sử dụng tài sản của nhà nước để làm lợi riêng (và đã được hợp pháp hoá), và do đó mở đường cho tình trạng tham nhũng tập thể và rồi tham nhũng cá nhân, từ đó đưa đến việc mua quan bán chức, mua bằng bán điểm.
Những thay đổi trên dù đầy rẫy tiêu cực nhưng cũng mở ra những hướng đưa tới triển vọng phát triển tốt đẹp nếu biết nắm thời cơ.
Có thể nói, việc địa phương hoá trong lãnh đạo Đảng và Nhà nước mặc dù làm suy giảm quyền lực của lãnh đạo ở mức cao nhất nhưng về cơ bản là những chuyển biến tốt, làm tăng cường quyền tự chủ, tinh thần trách nhiệm và tính sáng tạo của địa phương. Sự giảm sút và rồi biến mất vai trò lãnh đạo có tính quyết định của công thần cũng mở ra cơ hội cho hoạt động lãnh đạo mang tính tập thể và việc xác lập quyền tối thượng của luật pháp và Quốc hội và rồi thực quyền bầu cử quốc hội của dân chúng. Tính tự phát đòi hỏi sự chủ động của Chính phủ trung ương nhằm thống nhất lại bằng chính sách quốc gia, đồng thời sửa sai những méo mó mà tính tự phát tạo ra, và do đó cần người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược cho cả nước. Do tính tự phát mà ngân sách quốc gia bị chia mảnh, đưa đến tình trạng thiếu tính thống nhất về trả công lao động, phản ánh qua thu nhập kiếm thêm cao hơn lương chính thức, và mở đường cho tham nhũng tập thể, rồi tham nhũng cá nhân. Tuy nhiên việc này đều có thể giải quyết nếu như thu chi ngân sách được hợp lý hoá và minh bạch hoá, trong đó một điều quan trọng cần cải cách chính sách thuế và giảm đầu tư của nhà nước. Việt Nam có thể chưa hoàn toàn dân chủ về tư tưởng nhưng có thể giải quyết được tham nhũng.
Vì trước mắt là Đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất ở Việt Nam lãnh đạo nhà nước, và do đó có quyền cử người, chủ yếu là đảng viên, vào tất cả các chức vụ của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như chức vụ lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh, tạo ra khả năng gắn kết giữa tiền và quyền lực. Chính vì thế mà việc kiểm tra sự trong sạch của đảng viên và việc cải bộ máy nhà nước để kiểm tra Đảng cần thiết hơn bao giờ hết. Đòi hỏi của khách quan là một thể chế kiểm soát và cân bằng quyền lực ở trong Đảng và trong hệ thống nhà nước chứ không phải là phê bình tự phê bình. Như vậy, kết qủa của tình trạng tự phát và những biến chuyển hợp lý hoá chúng một phần nào từ trước đến nay phải được mang lên tầm quốc gia nhằm thiết lập một nhà nước pháp quyền, và sự lãnh đạo của Đảng biểu hiện cụ thể qua liên hệ với nhà nước phải được luật pháp hoá.
11 tháng Mười năm 2006
Chú thích
[1] Website của Đảng Cộng Sản Việt Nam: http://www.cpv.org.vn/vankien/daihoidang.asp?topic=2&subtopic=4&leader_topic=217.
[2] Võ Văn Kiệt, “Đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới.” Không ghi ngày.
[3] Coi Nguyễn Tài,”Khúc khuỷu đường đời - Mười một năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thừa nhận”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5887&rb=08.
[4] Coi Los Angeles Times, David Lamb, November 1, 1999 và New York Times, Joseph Kahn, July 13, 2000.
[5] Theo Ngô Vĩnh Long, “Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao và công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ sau miền Nam được giải phóng”, Thời Đại Mới số 6, tháng 11 năm 2005 (http://www.thoidai.org/ThoiDai6/200506_NVLong.htm), lý do sâu xa tại sao Việt Nam và Mỹ không thiết lập ngoại giao vẫn là một câu hỏi, nhưng một số sự kiện cho thấy là phần lỗi không lớn thuộc về lãnh đạo Việt Nam. Tờ New York Times ngày 4/6/1975 đưa tin là một ngày trước đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một báo cáo trước Quốc Hội Việt Nam cho rằng Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ với điều kiện là Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh điều khoản 21 của Hiệp Định Paris thỏa thuận viện trợ kinh tế cho Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh. Sau đó, ngày 11/7/1975, ông Nguyễn Duy Trinh lại đặt vấn đề tương tự trong báo cáo trước Quốc Hội, và báo Nhân Dân nối kết việc bồi thường chiến tranh và kiếm người mất tích. Nhưng thông tin quan trọng hơn cả là Hồi ký của Trần Quang Cơ, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, cho thấy sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nới lỏng cấm vận và gửi Leonard Woodcock, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ sang Việt Nam gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 17/3/1977 tỏ ý muốn thiết lập lại ngoại giao không điều kiện; sau đó Mỹ và Việt Nam tiến hành thương thảo ngoại giao vào tháng 5, 6 và 12 năm 1977 tại Paris. Trần Quang Cơ viết trong hồi ký, mà Ngô Vĩnh Long cũng trích trong bài viết: “Theo chỉ thị đã nhận trước khi đi, ta kiên quyết đòi phải giải quyết “cả gói” 3 vấn đề: ta và Mỹ bình thường hóa quan hệ (bao gồm cả việc bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao đầy đủ), ta giúp Mỹ giải quyết vấn đề MIA và Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô-la cho Việt Nam như đã hứa hẹn trước đây.” (Có thể xem Hồi ký Trần Quang Cơ, chương Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ 20, http://zdfree.free.fr/diendan/dossiers/HoikyTQC.html.)
[6] Thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ngày 16 tháng 3 năm 2006.
[7] Thông tin này dựa vào trao đổi cá nhân giữa tác giả và một số người giúp việc Nguyễn Văn Linh và cần kiểm chứng. Nguyễn Văn Linh là uỷ viên Bộ Chính trị từ 1976-1981, nhưng vì phản bác quyết định cải tạo tư sản mà hoặc từ chức hoặc mất chức ủy viên Bộ Chính trị năm 1981.
[8] Zachary Abuza, “The lessons of Le Kha Phieu: Changing rules in Vietnamese politics”, Contemporary Southeast Asia, Vol. 2, No. 1, 2002.
[9] Con số tỉnh dựa vào Niên giám các năm của Tổng cục Thống kê.
[10] Tác giả đã gặp bà hai lần và đã dự đoán được tương lai của các quyết định mà bà quả quyết theo đuổi, không cần tính toán kinh tế chỉ vì có quyền trong tay. Thông tin về bà Ba Thi là dựa vào trí nhớ.
[11] Số liệu thuế năm 1989-1990 lấy từ Kinh tế và Tài chính Việt Nam 1986-1990 (Tổng cục Thống kê, 1991), GDP từ Động thái và Thực trạng Kinh tế-Xã hội Việt Nam 10 năm Đổi Mới 1986-1995 (Tổng cục Thống kê, 1996). Số liệu năm 2005 từ Vietnam: Statistical Appendix, IMF (Feb.2006). http://www.imf.org/external/pubs/cat/longres.cfm?sk=18894.0.
[12] Nghị quyết 8 ra đời năm 1985 đã đưa nền kinh tế Việt Nam đến khủng hoảng trầm trọng. Nghị quyết này nhằm cải cách giá, lương, tiền, tăng lương 10 lần đồng thời xoá bỏ bao cấp, đổi tiền nhằm thu hút lại tiền vào ngân hàng và kiếm cách không cho rút ra, với hy vọng làm giảm sức mua và giảm lạm phát. Nghị quyết này tất nhiên vẫn không chấp nhận thị trường với giá cả tự do, và tiếp tục quan điểm cho rằng nhà nước phải quyết định toàn diện nền kinh tế, nhất là lương và giá. Vì không có nguồn thu từ thuế, nhà nước vẫn phải in tiền trả lương và thu mua hàng hoá, chính sách giá lương tiền này đã đưa đến siêu lạm phát và hoàn toàn làm mất lòng tin của dân chúng. Nhưng chính khủng hoảng kinh tế và mất niềm tin trầm trọng đã dọn đường cho cải cách có thực chất hơn vào cuối năm 1988. Cũng cần để ý là chính sách cải cách khá triệt để thành công ở Việt Nam năm 1989 không mang tính phổ quát vì Việt Nam là một nước với 80% số lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, có tính tự cung tự cấp. Sự thất bại ở Liên Xô và Nga sau này là điển hình cho việc cải tổ kiểu "nổ lớn và lập tức" vì khu vực công nghiệp lớn cho nên việc chúng bị đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh đã tạo ra hàng loạt người thất nghiệp, đưa nền kinh đến suy thoái trầm trọng. Lý do tạo nên sự thành công ở Việt Nam là khu vực doanh nghiệp còn quá nhỏ bé, toàn bộ lao động chỉ có 2.6 triệu, bằng 10% tổng số lao động năm 1985. Mất việc ở doanh nghiệp sau cải cách khoảng 400 ngàn đã dễ dàng được bù lại bởi hơn 1 triệu người có việc trong khu vực tư doanh đã được mở ra. Việc trả lương một năm cho người mất việc cũng không tốn kém đáng kể vì lương nhà nước chỉ khoảng 3 USD vào lúc đó. Coi Vũ Quang Việt, "Le Dévelopment de l’économie vietnamienne de 1989 à 1995: une approche institutionnelle”, L’économie vietnamienne en transition: les facteurs de la reusssite, Cuong Le Van et Jacques Mazier, éd., L’Harmattan, Paris, 1998.
[13] Bảng sau đây cho thấy vấn đề thiếu lương thực trước cải cách cuối năm 1988 và tình trạng tốt đẹp hơn sau đó. Thóc trên đầu người từ 1977-1981 thấp hơn năm 1976. Chính sách khoán sản phẩm từ năm 1981 có làm tăng thêm sau đó, tức là thóc bình quân đầu người cao hơn năm 1976 khoảng 8% nhưng gần như không thay đổi cho đến năm 1989 và sau đó khi thóc bình quân đầu người cao hơn năm 1976 là 32% năm 1994. Đặc biệt quan trọng là ngay từ 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới, phần lớn có lẽ là do thị trường hoá với giá cả hợp lý, gạo đã vào thị trường.
Thóc sản xuất
(1000 tấn)
Dân số
(1000 người)
Thóc sản xuất trên đầu người (tấn)
Chỉ số thóc trên đầu người (1976=1.0)
Gạo nhập
(1000 tấn)
Gạo xuất gạo (1000 tấn)
1976
11827
48030
0.24624
1.00
1977
10597
49158
0.21557
0.88
1978
9790
50295
0.19465
0.79
1979
11363
51436
0.22092
0.90
1980
11647
52574
0.22154
0.90
1981
12415
53700
0.23119
0.94
1982
14390
54722
0.26297
1.07
1983
14743
55687
0.26475
1.08
1984
15506
56655
0.27369
1.11
1985
15875
59872
0.26515
1.08
447
56
1986
16003
61109
0.26188
1.06
537
132
1987
15103
62452
0.24183
0.98
485
120
1988
17000
63727
0.26676
1.08
395
91
1989
18996
64774
0.29327
1.19
20
1405
1990
19225
66233
0.29026
1.18
170
1624
1991
19622
67774
0.28952
1.18
1033
1992
21590
69405
0.31107
1.26
1946
1993
22837
71026
0.32153
1.31
1722
1994
23528
72509
0.32448
1.32
1983
Nguồn: Từ các nguồn khác nhau: 1) Kinh tế - Xã hội Việt Nam 10 Năm Đổi mới (1986-1995), NXB Thống kê, Hà NộiNội, 1996; 2) Nông nghiệp Việt Nam 1945-1995, NXB Tổng cục Thống kê, 1995; Nguyễn Tiến Thỏa, Lúa gạo Việt Nam nguyên nhân của kỳ tích NXB Nong nghiep 1996. Chỗ bỏ trống là chỗ không có số liệu.
[14] Coi nguồn Kinh tế và Tài chính Việt Nam 1986-1990 (Tổng cục Thống kê, 1991).
[15] Dựa vào thông tin cá nhân qua trao đổi với những người giúp việc ông Linh và ông Mười. Ông Linh lo sợ có lý do. Vào thời gian thảo luận cải cách khá triệt để về giá cả ở Việt Nam thì vào tháng 12 năm 1988 Đảng Cộng sản Ba Lan phải chấp nhận nói chuyện với Công đoàn Đoàn kết. Tất nhiên lúc đó tình hình các nước xã hội chủ nghĩa đã khá lộn xộn, nhưng chưa đến mức làm cản trở ông Mười (lúc đó là Thủ tướng) và các lãnh đạo khác ủng hộ cải cách. Tình hình có thể sẽ khác hẳn nếu việc bàn về cải cách này chậm khoảng 1 năm. Vào năm 1989 một số sự kiện quan trọng xảy ra: 1) Vào tháng tư năm 1989, Đảng Cộng Sản Ba Lan đồng ý với Công Đoàn Ba Lan tổ chức bầu cử tự do cho 1/3 số ghế đại biểu quốc hội; kết quả là Công đoàn Đoàn kết thắng 100% ghế; 2) Bức tường Bá Linh bị phá đổ vào tháng 11 năm 1989, và (3) ngay sau đó là cuộc lật đổ và sát hại vợ chồng lãnh tụ Ceauşescu ở Romania vào tháng 12 cùng năm. Sau đó là sự sụp đổ toàn diện của Liên Xô vào năm 1991. Nhưng không phải đợi đến lúc Liên Xô sụp đổ, tình hình chính trị vào cuối năm 1989 cũng thay đổi lớn, đặc biệt là việc xoá bỏ chính sách cởi trói cho văn nghệ sĩ, phản ánh rõ nhất qua việc cách chức Nguyên Ngọc khỏi ghế Tổng biên tập báo Văn Nghệ, vân vân và vân vân.
[16] Vũ Quang Việt, Thử tìm hiểu về việc phản kháng của nông dân Thái Bình, Diễn Đàn, Tháng 10, 1997.
[17] Carlyle A. Thayer, “Political developments in Vietnam, the rise and fall of Le Kha Phieu, 1997-2001”, trong Consuming Urban Culture in Contemporary Vietnam, edited by Lisa B. W. Drummond and Mandy Thomas, RoutledgeCurzon, 2003.
[18] Coi phỏng vấn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Tiền phong online, 21/05/2005.
[19] Zachary Abuza, “The lessons of Le Kha Phieu: changing rules in Vietnamese politics”, Contemporary Southeast Asia, Vol. 2, No. 1, 2002.
[20] Cũng nên nói qua về nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Nguyên tắc này là nhằm phát huy dân chủ, hạn chế các quyết định độc đoán cá nhân trong một Đảng, và không có giá trị vận hành trong hệ thống nhà nước, khi quyết định của đa số trong Quốc hội là luật, và các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thi hành với người đứng đầu từng cơ quan có trách nhiệm cá nhân. Quyết định của tập thể ở các cơ quan, nếu có, chỉ còn giá trị tự vấn; nếu không thế, nền hành chính quốc gia sẽ không có hiệu quả. Nhưng ngay trong Đảng, nguyên tắc tập thể cá nhân phụ trách thực ra cũng ít được thực hiện trong thực tế. Lịch sử các đảng cộng sản cho thấy là thường chỉ một người có quyền quyết định tối hậu chính vì thế mà độc tài của đảng thường đồng nghĩa với độc tài cá nhân. Tập thể lãnh đạo ở cấp cao nhất cũng cần được hiểu là theo nghĩa lãnh đạo đường lối, chính sách. Quyết định thực hiện chính sách trên cơ sở biện pháp, hành động là thuộc trách nhiệm cá nhân. Ngay cả hoạt động của cấp cao nhất trong Bộ Chính trị thì sự minh bạch về quyết định về chính sách cũng là cần thiết. Những người nào đó chủ trương để Bộ Chính trị thông qua một chính sách sai thì những người đó cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về lá phiếu của mình; tức là không thể tiếp tục ngồi ở vai trò lãnh đạo. Vấn đề phân biệt điều gì cần quyết định tập thể, điều gì thuộc phạm vi quyết định của cá nhân phụ trách, nhất là ở cấp dưới, không đơn giản và là đề tài cần nghiên cứu cụ thể, tuy nhiên nó vượt quá giới hạn của bài này.
[21] Phần này tác giả viết lại so với những bản nháp trước vì lúc đó Điều lệ mới chưa được đưa lên mạng.
[22] Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá 9 đã được Đại hội 10 thông qua. Coi Tạp chí Cộng sản số 105: http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3792.
[23] Câu văn viết như sau” “kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Câu này thay cho câu trong dự thảo: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...” Tạp chí Cộng sản số 101: http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3558.
[24] Coi Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá 9 đã được Đại hội 10 thông qua. Tạp chí Cộng sản số 105: http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3792.
[25] Hiện nay, người được đưa vào Đảng ủy là do Ban Tổ chức Đảng lựa chọn giới thiệu. Ở tỉnh thì do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chọn lựa giới thiệu. Ở trung ương là Ban Tổ chức Trung ương. Ngoài ra ở các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương còn có Ban cán sự Đảng trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương sắp đặt người. Ban Cán sự Đảng này do trung ương cử xuống bao gồm các chức Bộ trưởng và Thứ trưởng. Nếu không bị công an bắt tại trận về tham nhũng thì Ban Cán sự Đảng ở Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục tự “làm luật”. Đảng ủy do Đảng viên trong bộ ngành bầu ra không có giá trị gì. Chức Bộ trưởng và tương đương theo Hiến pháp năm 1992 do Thủ tướng bổ nhiệm và cách chức. Nhưng thực chất Thủ tưởng chỉ có quyền với chức Thứ trưởng và Vụ trưởng; các chức vụ khác đều do Ban Tổ chức Đảng quyết định. Vai trò của người cầm đầu Ban Tổ chức như Lê Đức Thọ có thể làm lu mờ toàn bộ nguyên tắc dân chủ trong Đảng. Không hiểu với quyền lợi kinh tế dầy đặc (ít nhất là cử người vào các chức vụ béo bở) Đảng làm sao có thể phát huy dân chủ và kiểm tra đảng viên.
[26] Thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ngày 16 thág 3 năm 2006.
[27] Coi trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=2&subtopic=2&leader_topic=77&id=BT1960659905.
[28] Vấn đề quan hệ giữa Đảng, pháp luật và chính quyền cũng đã được nêu ra trong các bài: (1) Nguyễn Ngọc Điện, "Luật hoá cơ chế Đảng lãnh đạo", (2) Nguyễn Sĩ Phương "Đừng lôi Đảng vào" trên Thời báo Kinh tế SàiGòn (số 27, 29/6/2006).
[29] Cao Huy Thuần, "Dân chủ là gì và thế nào trong hoàn cảnh Việt Nam", Thời Đại Mới, số 8 tháng 7 năm 2006. http://www.thoidai.org/ThoiDai8/200608_CaoHuyThuan.htm.
[30] Trong một bài viết trước đây, tác giả cho rằng cần tư hữu hoá ruộng đất, và để tránh việc tập trung tư bản ruộng đất, và bảo vệ nông dân có đất làm ăn thì có thể dùng chính sách hạn điền. Coi Vũ Quang Việt, "Kinh tế thị trường và xã hội công dân: trường hợp Việt Nam", trong Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên do Phạm Đỗ Chí và Trần Nam Bình chủ biên, NXB TP Hồ Chí Minh, 2001.
[31] Giáo sư Hoàng Tuỵ cũng đặt vấn đề này trong bài báo đăng trên Tạp chí Lập pháp - số chủ đề ‘Hiến kế lập pháp’, tháng 9.2005, sau đó được đăng lại trên Website của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
[32] Dựa vào phỏng vấn cá nhân ở Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2006.
[33] Cách tính của tác giả khá đơn giản như sau: Áp dụng tỷ lệ tham nhũng, mất mát thường được nói tới ở Việt Nam, khoảng 20-30% giá trị công trình, vào tổng vốn đầu tư cuả nhà nước. Theo Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.Việt Nam), vốn đầu tư của nhà nước năm 2005 là 175 ngàn tỷ (tương đương với 11 tỷ USD), bằng 52% tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế. Như vậy tiền mất về tham nhũng có thể lên tới 2-3 tỷ USD.
[34] Nguồn tài chính nào để thực hiện cải cách tiền lương? Nhân Dân, 3/12/2003.
[35] Vũ Quang Việt, Chi phí cho giáo dục: những con số giật mình, http://vietnamnet.vn/giaoduc/2006/02/540758/.
[36] Vấn đề “vẽ voi vẽ chuột” là khá rõ ràng. Vào tháng 4 năm 2006, website của Bộ Tài chính cho con số dự toán chi (không kể trả nợ gốc) năm 2005 là 169,246 tỷ. Vào 4 tháng 6 con số này được đổi lại, tăng lên tới 201,800 tỷ (phù hợp với con số của IMF). Vào thời điểm trước đây (và hiện nay) dự toán chi năm 2004 là 187,670 tỷ, cao hơn con số chi trong dự toán cho năm 2005 là 169,246 tỷ. Tác giả may mắn giữ lại số liệu dự toán này do đó mới thấy sự biến hoá khôn lường này. Chính vì lý do này, tác giả dùng số liệu của IMF về Việt Nam để phân tích vì ít ra là họ cũng vừa thu thập từ Bộ Tài chính vừa tra hỏi để điều chỉnh những bất hợp lý.
[37] Pháp lệnh về Công chức ở Việt Nam do Thường vụ Quốc hội, số 11/2003/PL-UBTVQH11, công bố ngày 20/4/2003 coi tất cả mọi chức vụ dân cử kể cả đại biểu Quốc hội là công chức, không phân biệt người được tuyển chọn qua các kỳ thi công chức và người được Thủ tướng bổ nhiệm, như bộ trưởng, thứ trưởng, cố vấn, mặc dù làm cho nhà nước nhưng không thể gọi là công chức. Họ chỉ là cán bộ chính trị, được cử ra nhằm phục vụ ý đồ của Thủ tướng và có thể bị cách chức khi không thực hiện tốt nhiệm vụ hoặc chỉ thị của Thủ tướng. Hệ thống công chức cần có sự phân biệt rạch ròi để nếu như một công chức trong ngạch trật được cử làm vào chức “chính trị” họ có thể lui về chức vụ công chức chuyên nghiệp. Về tuyển công chức, Trần Văn Thọ đã có bài “Hãy tổ chức thi tuyển quan chức nhà nước”, Kinh tế Sàigòn số 19 (4/5/2006) về kinh nghiệm ở Nhật. Thi tuyển công chức cấp cao ở Nhật có hai chặng: chặng thi chung cho mọi người và chặng thi vào các bộ chuyên môn. Người ở chặng hai phải đỗ chặng 1. Ở Liên Hợp quốc, cũng có hai chặng. Chặng 1 bao gồm thi viết tổng quát, thi viết chuyên ngành (chẳng hạn ngành thống kê) và thi vấn đáp. Sau khi được tuyển chọn, ứng viên phải qua chặng 2, bị phỏng vấn trực tiếp của các ngành chuyên môn. Nếu không được chuyên ngành nhận, ứng viên tiếp tục nằm trong danh sách ứng viên và có thể được nơi khác trong hệ thống phỏng vấn. Họ chỉ được nhận vào Liên Hợp Quốc khi có một bộ phận trong Liên Hợp Quốc chấp nhận họ. Tất nhiên, vẫn có thể vào Liên Hợp Quốc mà không qua kỳ thi nào, nhưng đó phải là những người vào chức chuyên viên cao cấp, hoặc được bổ nhiệm vì kinh nghiệm hay áp lực chính trị hoặc được tuyển qua phỏng vấn. Những người này về nguyên tắc không được vào biên chế vĩnh viễn. Điều trình bày trên phản ánh một loại hệ thống công chức. Ở Mỹ và Anh, họ chỉ tuyển công chức khi cần và có thể vào ngang ở bất cứ vị trí nào. Tuy nhiên cả hai cách có một điểm giống nhau là sự phân biệt giữa công chức chuyên nghiệp và chức vụ chính trị được đảng cầm quyền. Những người nằm trong chức vụ chính trị phải từ chức khi đảng cầm quyền bị thay thế.
[38] Theo CIA Factbook, http://www.cia.gov/cia/publications/factbook/geos/vm.html, số dân đến tuổi quân dịch là 860 ngàn vào năm 2005. Nếu kể một nửa phải động viên thì hàng năm số lính mới là hơn 400 ngàn. Cộng với lính chuyên nghiệp, số lính chắc chắn lớn hơn 500 ngàn.
[39] Tính dựa vào số thống kê về tăng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã 2003 so với 2002. Việc “tăng” này thật ra chỉ là hợp pháp hoá các cán bộ xã, phường đã có sẵn, ghi cho có lệ chi tiêu mà thật ra ngân sách không chi ra. Quyết định này của chính phủ về nguyên tắc cho phép cán bộ xã, phường được hưởng chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cũng như cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và tổ dân phố hưởng chế dộ phụ cấp hàng tháng theo Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 và Nghị đinh số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, số cán bộ cấp xã của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (coi Website của Tổng cục Thống kê và Nhân Dân ngày 3/12/2003.
© Thời Đại Mới
http://www.thoidai.org/ThoiDai9/200609_VQViet.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment